Công nghệ internet và những nghề nghiệp đặc thù

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, chỉ cần một cú click chuột, thì việc truy cập mạng xã hội, tìm kiếm sản phẩm, thông tin không còn là trở ngại. Vì vậy, có không ít người tiên phong đã lấy nền tảng công nghệ thông tin để khởi nghiệp.


Nguyễn Hoàng Trung – CEO công ty cổ phần “lozi”

Thương mại điện tử, khi cung gặp cầu trên mạng

Đôi khi, ta cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi phải đi đến những cửa hàng, xách những gói đồ cồng kềnh trên quãng đường dài về nhà, chưa kể thời gian xếp hàng đợi chờ hay kẹt xe,… Nắm bắt tâm lý ấy, nhiều nhà phát triển đã xây dựng một “cửa hàng trực tuyến” (như Amazon, Shopee,…) để khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy món đồ cần thiết, đồng thời hỗ trợ dịch vụ giao hàng tận nơi, thuận tiện và đơn giản. Nguyễn Hoàng Trung – Giám đốc điều hành công ty cổ phần “lozi” cũng là một trong những người phát triển ấy.

Vào năm 2012, khi việc học không còn đem lại cảm hứng nữa, anh quyết định trở về Việt Nam. Xuất phát từ một nhu cầu thực tế và thường nhật là “ ăn gì bây giờ?”, một tia suy nghĩ loé lên trong đầu, Trung bắt tay khởi nghiệp. Đến nay, “Lozi”, nền tảng thương mại điện tử giao hàng trong một giờ, đã ghi dấu trong lòng thực khách trẻ thích ăn những món ăn ngon, bình dân trên mọi ngóc ngách phố thị.


Môi trường làm việc tại “lozi”

Chia sẻ với Hamlet Trương về những từ khóa cho một người muốn khởi nghiệp, theo Trung đó là: cảm hứng, can đảm và tức thời. Bởi thời gian không đợi một ai, khi có ý tưởng ta cần phải biết hành động ngay lập tức, can đảm nắm bắt lấy cơ hội. Và trong suốt quá trình ấy, các bạn trẻ phải giữ cho mình một cái đầu lạnh, kiên trì vững vàng, bứt phá những giới hạn của bản thân, để lại dấu ấn riêng của mỗi người trong xã hội.

Streamer một công việc “thời thượng”

Trò chơi điện tử luôn có sức hấp dẫn với các bạn trẻ. Khi Internet chưa phát triển, mỗi máy tính là “một hòn đảo” riêng biệt, trên đó game thủ tự chơi và tự thắng thua với chính mình. Nhưng nay, mỗi người chơi đều có nhu cầu chia sẻ tới cộng đồng phong cách, suy nghĩ, cảm xúc riêng. Vì thế, streamer, người phát sóng và bình luận trực tiếp trò chơi điện tử trên mạng xã hội, đang dần trở thành một công việc “thời thượng”. Đến với khoảnh khắc cuộc đời, Trần Thị Phương Uyên – còn được cộng đồng mạng biết đến với cái tên “Uyên Pu” đã chia sẻ với NSƯT Vũ Thành Vinh con đường biến “streamer” thành nghề nghiệp chính thức của mình.


Trần Thị Phương Uyên – Streamer “Uyên Pu”

Từ khi còn đi học, Uyên đã truy cập những trang web quốc tế để xem những streamer nước ngoài chơi. Thú vị và mới mẻ nhưng stream ở Việt Nam chưa được phổ biến rộng rãi, Uyên có mong muốn trở thành một trong những người kết nối đầu tiên. Tuy vậy, tại thời điểm đó, streamer bị cho là một công việc lông bông, việc kiếm nguồn thu nhập từ ngành nghề này cũng vô cùng khó khăn, nên Uyên không thể trực tiếp theo đuổi mà phải đi làm thêm tại các công ty về game.

Dần dà, khi có đủ điều kiện hơn, Uyên từ bỏ công việc văn phòng để theo đuổi sở thích của mình. “Streamer” là một công việc “dễ đi nhưng khó đến”, dù ai cũng có thể bắt đầu nhưng chỉ có một số ít thành công. Trong quá trình phát triển sự nghiệp, Uyên phải chịu sự nghi ngờ, áp lực từ gia đình và bạn bè. Để có được chỗ đứng trong cộng đồng game và xã hội, một streamer phải bỏ ra rất nhiều thời gian và tâm huyết, từng bước xây dựng “nhân hiệu” mang cá tính và dấu ấn riêng của mình. 

Công việc gắn với phòng stream 14 tiếng/ngày, tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng căng thẳng, không ngơi nghỉ, phải sinh hoạt trong một căn phòng suốt thời gian dài,…

Hiện nay, game đã được công nhận là một môn thể thao điện tử và có rất nhiều nền tảng công nghệ như Youtube, Facebook,… để hỗ trợ cho các game thủ kết nối với cộng đồng game mà mình yêu thích. Streamer không phân biệt nam hay nữ, chỉ cần có niềm đam mê, có máy tính kết nối mạng và tâm lý sẵn sàng, kiên định để theo đuổi – một công việc hình thành từ nhu cầu của các game thủ, từ người bắt đầu chơi cho đến chuyên nghiệp.


Công việc gắn với phòng stream

Travel Blogger – Người viết nhật ký chia sẻ trải nghiệm về du lịch trên mạng

Đối với Ngô Trần Hải An, người đã đi qua hơn 40 quốc gia, travel blogger không phải là một nghề chính thống, theo nghĩa nó có thể trang trải cuộc sống của một người. Nhưng đó là một cơ duyên, kết hợp giữa đam mê du lịch, cái duyên trong việc chia sẻ thông tin với cộng đồng và  hiểu biết công nghệ.

Trang blog (nhật ký trực tuyến) của anh, có tên Quỷ Cốc Tử phiêu lưu ký, luôn mở ra cho người xem một thế giới sắc màu kỳ diệu, những cảm xúc đời thường chân thật làm rung động đến tận con tim, khiến lòng người trỗi dậy ham muốn được đi, được thấy và đặt chân đến những nơi mà anh đã ghi vào nhật ký. 


Ngô Trần Hải An - Travel blogger với quan niệm về du lịch

Từ những ngày đầu viết blog chỉ để khoe “thành tích” độc nhất về những chuyến đi, đến nay, bên cạnh việc chia sẻ phong cảnh, kiến trúc, anh tâm đắc nhất là những “cảm nhận” về con người, cuộc sống và văn hóa tinh thần, những giá trị mà một du khách sẽ có được khi chạm đến và trở về.


Chuyến đi lên cột mốc biên giới Việt – Trung, một chuyến đi gian nan làm thay đổi tư duy về cuộc sống của Hải An

Là một trong mười travel blogger nổi tiếng tại Việt Nam, được những trang mạng uy tín đánh giá cao, Hải An vô cùng tự hào. Nhưng đằng sau vinh quang đó là con đường mười mấy năm gầy dựng, tự lăn lộn, khám phá lên rừng xuống biển. Travel blogger nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản và dễ ăn, nhưng người tham gia cộng đồng mạng, nhất là trong lĩnh vực du lịch thường có tầm tri thức cao và không dễ dàng tin ai. Vì vậy muốn được mọi người quan tâm, yêu quý và có độ ảnh hưởng nhất định, travel blogger cần có một nội lực mạnh mẽ, một cái chất riêng biệt không hòa lẫn.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi