Ở tập 19 Tình khúc giao mùa, khán giả có dịp biết thêm hoàn cảnh sáng tác của nhiều tác phẩm đã đi vào lòng người.
“Ai về sông Tương” là bài hát nổi tiếng nhất của Thông Đạt (một bút danh của nhạc sĩ Văn Giảng) được sáng tác năm 1949 ở Huế. Thời trẻ, Văn Giảng ở trong Thành Nội và yêu một cô gái ở làng Kim Long. Tuy nhiên duyên đã không thành vì gia đình nho phong của cô gái không có cái nhìn thiện cảm với những người nghệ sĩ trong ngành âm nhạc, bị người đời gán cho cái tội “xướng ca”. Vậy là họ chia tay để cô gái đi lấy chồng. Nhiều năm sau, trong lúc “tức cảnh sinh tình”, dạo quanh sông Hương, nhạc sĩ Văn Giảng bỗng thấy dòng sông hiền hòa trước mặt hiện ra như là dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ thư Trung Quốc. Ngày ấy, vừa đến nhà, nhạc sĩ Văn Giảng vội vã sáng tác bản nhạc bằng tất cả sự hoài niệm và háo hức nghệ thuật.
Dương Minh Ngọc và bài hát "Ai về sông Tương" của nhạc sĩ Thông Đạt
“Em về với người” là một ca khúc Bolero được nhiều người yêu thích. Bài hát mang đậm âm sắc miền Trung, trong khi tác giả ca khúc lại là dân "miền Nam chính hiệu". Vào năm 1970, Mặc Thế Nhân (tên thật là Phan Công Thiệt) tương tư một nàng thơ xứ Huế, sinh sống tại Nha Trang qua cô học trò Hương Lan. Sự rung động vừa chớm nở không bao lâu thì bùng cháy dữ dội, chàng nhạc sĩ say mê cô gái đến mức quên rằng bản thân đã có gia đình. Lửa tình vừa cháy, cô gái lại vội vàng về Nha Trang “bốc hơi” trong cuộc đời của Mặc Thế Nhân, ông kiếm tìm và kết nối trong vô vọng, những lá thư cứ lần lượt gửi đến cô gái, thế nhưng không lần nào được hồi âm. Lần duy nhất, cô đáp lại ông là tấm thiệp hồng báo hỷ, đau lòng trước mối tình vụn vỡ, Mặc Thế Nhân lặng lẽ sáng tác “Em về với người” trong niềm đơn côi, dở dang.
"Em về với người" với phần trình bày của Lê Hoàng Nguyên
Với chủ đề “Về đây nghe em”, Cát Tường, Vũ Mạnh Cường và Hà Thu tiếp tục kể cho khán giả hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc sáng tác vào thuở ông phải bôn ba kiếm sống. Ngày ngày, nhìn thấy các nữ sinh mặc chiếc áo dài thướt tha đến lớp, đêm đêm lại phủ lên mình những bộ váy sành điệu đến vũ trường vui chơi, ông thương xót cho một thế hệ trẻ lúc bấy giờ. Giá mà các bạn trẻ biết yêu thương bản thân, biết gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc thì cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao… Và bài hát với giai điệu ngọt ngào, du dương với lời ca đầy nỗi niềm đã ra đời từ ấy.
Bài hát chủ đề "Về đây nghe em" được thể hiện bởi Văn Đăng, Văn Yên
Tình khúc giao mùa - 21g30 thứ ba và 21g thứ bảy hàng tuần trên HTV7.