Kể chuyện Sài Gòn xưa

Cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường

Cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường trở thành sự kiện văn học nổi tiếng, chiếm một vị trí đáng kể trong cuộc đấu tranh yêu nước chống Pháp trên mặt trận văn học trong thời kỳ Pháp bắt đầu xâm lược miền Nam nước ta.

Bưu điện Thành phố những năm 1920

Vào giữa thế kỷ 19, khi thực dân Pháp đã xâm chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam bộ và bắt đầu tổ chức bộ máy cai trị ở Sài Gòn, thì Tôn Thọ Tường là một trong những nhà trí thức đầu tiên ra cộng tác với Pháp. 

Bị các sĩ phu yêu nước lên án, Tôn Thọ Tường làm thơ để tự thanh minh. Lập tức, các nhà nho yêu nước, bạn cũ của họ Tôn, đã làm thơ “họa” lại, thực chất là phản bác lại, lên án họ Tôn quyết liệt nhất là Phan Văn Trị.

Vài nét về Tôn Thọ Tường

Tôn Thọ Tường (1825 – 1877) là người gốc gác ở phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (phủ Tân Bình là tên gọi của Sài Gòn thời đó). Gia đình đã bốn đời làm quan cho triều Nguyễn. Cha là tuần phủ Tôn Thọ Đức. Tường là con thứ hai nên bà con, họ hàng gọi là cậu Ba Tường (ở Nam bộ, người anh cả được gọi là anh Hai, chị cả được gọi là chị Hai). 

Ba Tường có khiếu thông minh từ nhỏ, nổi tiếng là hay chữ nhưng về các món ăn chơi thì cũng rất tỏ tường. Nhưng xui xẻo trong năm 1855, đúng 30 tuổi mới đi thi Hương và bị rớt. Dựa vào cái thế của gia đình là 4 đời tổ tiên nối tiếp nhau làm quan, cậu Ba ra Thừa Thiên để xin được tập ấm (tức là nhận chức hàm ấm sinh, cũng là một bực quan). Triều đình cho tập ấm quan võ, cậu Ba phẫn chí không nhận vì trái với ý nguyện của mình là muốn được tập ấm quan văn.

Có lần, Tường nhận tiền của học trò đi thi để gà hộ bài cho họ. Chuyện vỡ lở, Tường bị bắt, may nhà vua Tự Đức xét thấy người có tài hay chữ, nên khoan hồng không kết tội. Trở về Sài Gòn, Tường cùng các bạn văn chương sáng lập Bạch Mai thi xã, một tao đàn tập hợp các văn nhân nổi tiếng nhất của đất Gia Định lúc bấy giờ, mà Phan Văn Trị cũng là một thành viên.

Khi Pháp chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam bộ (trong đó có Sài Gòn), hầu hết nhà nho đương thời đều đứng lên chống giặc. Ai có điều kiện thì tham gia nghĩa quân chống Pháp. Ai không có điều kiện trực tiếp cầm vũ khí thì làm thơ văn kêu gọi nhân dân kháng địch, hoặc tham gia phong trào ty địa (bỏ vùng giặc chiếm), lánh sang các tỉnh miền Tây. Trong lúc đó, Tôn Thọ Tường ra hợp tác với địch (1862) và lãnh chức tri phủ Tân Bình (tương đương với chức đô trưởng Sài Gòn).

Thống đốc Nam kỳ là Bonnard cử Tường đi gặp lãnh tụ nghĩa quân là Trương Định để thuyết phục ông ra hàng Pháp, nhưng công việc không thành. Năm 1863, Tường được cử làm ký lục (thư ký ghi biên bản) trong phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp thương nghị việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Cuộc thương nghị không thành. Năm 1864, Tường trở về nước, tiếp tục làm việc cho Pháp.

Sau khi Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử, hai người con là Phan Tôn và Phan Liêm về Bến Tre tụ họp nghĩa binh chống Pháp. Pháp cử Tường đi gặp hai người này để thuyết phục họ hạ vũ khí nhưng không thành. 

Năm 1871, Tường kiêm thêm việc dạy Hán văn ở trường Tham biện hậu bổ (Ecole des administrateurs stagiaires) và cũng năm đó, được thăng chức Đốc phủ sứ. Năm 1875, được cử ra Bắc kỳ giúp việc cho viên lãnh sự Pháp De Kergaradec. Cùng với De Kergaradec đi kinh lý miền thượng du Bắc kỳ, mắc bệnh sốt rét rừng và mất ở Hà Nội năm 1877.


Bảo tàng Blanchard de la Brosse năm 1920 (nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam)

Vài nét về Cử Trị

Phan Văn Trị (1830 – 1910), sinh tại làng Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Từ nhỏ, ông học rất giỏi, có biệt tài làm thơ. Năm 1849, lúc mới 19 tuổi, ông thi đỗ cử nhân, nên được gọi là Cử Trị. Tuy nhiên, ông không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học và bốc thuốc. Ông cũng là một trong những người sáng lập ra Bạch Mai thi xã. Trong thi xã, ông cùng với Tôn Thọ Tường là đôi bạn thân (Tường lớn hơn ông 5 tuổi) và cùng nhau xướng họa rất tâm đắc.

Khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Tôn Thọ Tường ra hợp tác với Pháp, nhóm Bạch Mai thi xã mỗi người một ngả. Phan Văn Trị chủ trương kiên quyết chống Pháp. Lúc bấy giờ, trong sĩ phu và nhân dân Gia Định, nổi lên phong trào ty địa bất hợp tác với giặc. 

Sau khi Pháp đánh chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (1867), Phan Văn Trị đi An Giang (vùng Bảy Núi) qua Kiên Giang, cuối cùng về ở ẩn tại Phong Điền, Cần Thơ. Trong thời gian nầy, ông thường hay đi lại với các nhà nho yêu nước như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt. Ông mất tại xã Nhơn Ái (Phong Điền) vào năm 1910, thọ 80 tuổi.

Trong số sĩ phu dùng thơ văn để cổ vũ tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, Phan Văn Trị nổi lên với một tính cách đặc biệt. Ý thơ của ông hùng dũng, đầy khí phách, lời thơ đậm đà chất trữ tình dân gian. Ông giỏi Hán văn, nhưng phần lớn sáng tác của ông đều bằng quốc văn. 

Phan Văn Trị nổi tiếng về cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường. Ngoài ra, các bài thơ vịnh vật, tức cảnh, cảm hoài đều đậm đà tình yêu nước thương dân, đả kích gay gắt bọn bán nước hại dân, tham quan ô lại.


Bệnh viện Grall năm 1920 (nay là bệnh viện Nhi Đồng 2)

Mười bài thơ “Tự thuật” của họ Tôn

Những tay sai của thực dân Pháp khi chúng mới xâm chiếm Nam kỳ, phần nhiều là vô học như Trần Bá Lộc, Huỳnh Văn Tấn, Đỗ Hữu Phương, bọn này khét tiếng gian ác, tiếp tay cho Pháp sát hại những người yêu nước. Riêng Tôn Thọ Tường là người có học, con nhà dòng dõi, lại có chân trong Bạch Mai thi xã, quen biết với hầu hết các trí thức ở Nam kỳ lúc bấy giờ. 

Biết rằng các nhà nho yêu nước đều lên án mình, Tường làm 10 bài thơ “Tự thuật” theo thể liên hoàn để biện bạch cho hành động của mình. Ngoài ra, để tự bào chữa, Tường còn có 2 bài thơ rất tiêu biểu, mượn điển xưa tích cổ như chuyện Từ Thứ phải theo Tào Tháo vì muốn cứu lấy tính mạng của mẹ (Từ Thứ quy Tào) hay em gái của Tôn Quyền phải rời bỏ nước Ngô để về Thục theo chồng là Lưu Bị (Tôn phu nhân quy Thục).

Riêng về 10 bài thơ tự thuật, nội dung chủ yếu là đề cao sức mạnh của quân xâm lược, khuyên dân ta chớ nên dại dột chọc vào “miệng cọp hàm rồng”, nên biết tùy thời mà xử thế. Những bài thơ tự thuật này thực chất là thơ kêu gọi đầu hàng. 

Ngay tức khắc, Phan Văn Trị đã làm 10 bài họa lại, vạch rõ tư tưởng đầu hàng của Tôn Thọ Tường, nêu cao khí phách bất khuất của dân tộc ta, biểu lộ niềm tin vững chắc vào tiền đồ của đất nước. Đây là cuộc bút chiến hết sức sôi nổi và kéo dài nhiều năm sau. 

Ngoài 10 bài họa của Phan Văn Trị, về sau còn một bài tổng họa của Bùi Hữu Nghĩa và 10 bài họa của Lê Quang Chiêu. Điều đáng chú ý là lúc đầu Chiêu cũng ra công tác với Pháp như Tôn Thọ Tường (làm cai tổng ở Cần Thơ) nhưng trước sự phê phán của sĩ phu yêu nước, Chiêu đã từ chức và sau đó làm 10 bài thơ họa lại thơ của Tường (mà thực chất là phê phán).


Xưởng đóng tàu Ba Son những năm 1920 

Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn một số câu trong 10 bài “Tự thuật” của Tôn Thọ Tường và những câu “họa” lại của Phan Văn Trị.

Tường ca ngợi sức mạnh của thực dân Pháp:

Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo/ Mây tuôn đen kịt khói tàu bay/ Xăng vảng thầm tính thương đòi chỗ/ Khấp khởi riêng lo sợ những ngày.

Và tiếp theo, Tường hù dọa những người yêu nước:

Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc/ Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay (thày lay: mua chuốc lấy việc không phải của mình)

(Tự thuật, bài 1)

Phan Văn Trị đã thẳng tay đập lại:

Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy/ Cồn Rồng dầu mặc bụi tro bay.
Nuôi mộng giết thỏ còn chờ thuở/ Bủa lưới săn nai cũng có ngày.
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ/ Lòng ta sắt đá, há lung lay!

(Họa bài 1)

Tôn Thọ Tường cho rằng đứng lên chống Pháp là chuyện hết sức may rủi, không chắc có cơ hội thành công, chớ nên nghe theo những luận điệu tri trá của thằn lằn, rắn mối mà có hại cho bản thân.

May rủi rủi may đâu đã chắc/ Miệng lằn lưỡi mối hãy tai ngơ

(Tự thuật bài 2)

Phan Văn Trị đập lại:

Chưa trả thù nhà đền nợ nước/ Dám đâu mặt lấp lại tai ngơ.

(Họa bài 2)

Tường cho rằng mình ra làm việc cho Pháp là gánh một công việc nặng nhọc đầy hy sinh gian khổ, thế mà bị người đời chê trách, thôi đành chịu vậy chớ biết làm sao:

Hai bên vai gánh năm giềng nặng/ Trăm tạ chuông treo một sợi mành.
Trâu ngựa dẫu kêu chi cũng chịu/ Thân còn chẳng kể, kể chi danh.

(Tự thuật bài 3)

Phan Văn Trị vạch rõ đó chỉ là ngụy biện, khuyên Tường nên trọng cái thân danh của mình:

Khe sâu vụng tính dùng thuyền nhỏ/ Chuông nặng to gan buộc chỉ mành/ Thân có ắt danh tua phải có/ Khuyên người hãy trọng cái thân danh.

(Họa bài 3)

Tôn Thọ Tường huênh hoang cho mình “trăng giữa mùa thu, hoa trong mùa hạ”, chỉ có mình mới biết được mình:

Trăng giữa ba thu mây cũng tỏ/ Hoa trong chín hạ, nắng còn tươi/ Khó lòng mình biết lòng mình khó/ Lòn lõi công trình kể mấy mươi.

(Tự thuật bài 8)

Phan Văn Trị vạch rõ rằng dù là ngọc mà bị nhiều vết thì đâu còn đẹp, cũng như thơ nhuộm đã vụng lại thiếu màu thì không thể nhuộm tươi được:

Ngọc lành nhiều vết coi nào lịch
Thơ vụng ít màu nhuộm chẳng tươi
Đứa dại trót đời già cũng dại,
Lựa là tuổi mới một đôi mươi.

(Họa bài 8)

Tôn Thọ Tường cho rằng vận nước mù mờ, khó mà đoán định, thôi thì hãy bằng lòng với hiện tại, dù sao hãy còn 3 tỉnh miền Tây (lúc đó chưa mất):

Nghĩa đen dạy trẻ tranh còn lấp,
Mặt trắng xem trời cảnh khó bay
Chỉ muốn ngày nào cho đặng toại,
Giang san ba tỉnh hãy còn đây.

(Tự thuật bài 10)

Trái lại, Phan Văn Trị cho rằng dù tình thế như thế nào, tương quan lực lượng ra sao, dứt khoát phải đấu tranh đến cùng:

Nổi chìm mặc thế tình dày mỏng/ Cao thấp dầu ra sức nhảy bay.
Một trận gió đưa xiêu ngã cỏ/ Hơn thua đã quyết đó cùng đây.
(Họa bài 10)
Trần Vĩnh An