Đến với "Khoảnh khắc cuộc đời", cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ, Trung úy Z23, Lữ đoàn đặc công biệt động 316 đã kể về khoảnh khắc sinh tử, khoảnh khắc không chỉ riêng ông mà còn của đồng đội, của gia đình và đất nước...
Đầu tháng tư năm 1975, Trung úy Nguyễn Đức Thọ được huấn luyện đặc công nước, với nhiệm vụ đánh Bộ Tư lệnh Hải quân, chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng miền Nam dự kiến sẽ diễn ra năm 1976. Lực lượng đặc công nước được đưa vào huấn luyện để đánh vào cửa ngõ Đông Bắc với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc.
Tuy nhiên kế hoạch thay đổi khi chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra nhanh chóng giành thắng lợi vang dội. Ngày 25/4/1975, đơn vị của Trung úy Nguyễn Đức Thọ nhận lệnh hủy phương án đánh Bộ Tư lệnh Hải quân, thay vào đó là đánh chiếm giữ cầu Rạch Chiếc để đón quân đoàn vào giải phóng thành phố. Và chính ông là người nhận nhiệm vụ bắn phát B40 đầu tiên tiêu diệt tháp canh ở đầu cầu vào rạng sáng ngày 27/4.
Sau phát súng đầu tiên không thuận lợi, chỉ trong tích tắc, Trung úy Nguyễn Đức Thọ đứng lên bắn ngay phát đạn thứ hai, tiêu diệt được khẩu đại liên ở tháp canh. Khoảnh khắc "một mất một còn" đó đã trở thành khoảnh khắc lịch sử của chàng thanh niên 20 tuổi Nguyễn Đức Thọ. Dù lực lượng đặc công nước đã hy sinh rất nhiều, nhưng đổi lại là bảo vệ thành công cầu Rạch Chiếc để quân đoàn tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đó là niềm vui, niềm vinh dự không thể nào diễn tả bằng lời của cựu chiến binh và đồng đội.
Đằng sau những tấm huân chương lấp lánh trên ngực áo là những gai góc, gồ ghề và thiệt thòi của nhiều cá nhân. Trung úy Nguyễn Đức Thọ cũng vậy. Hậu quả của những tháng ngày sống trong đầm lầy ẩm ướt, thiếu nước sinh hoạt là ông bị phơi nhiễm và con gái ông bị ảnh hưởng của chất độc hóa học màu da cam...
Đan Quỳnh