Đầu năm nay, ONE Championship khiến làng võ sửng sốt khi treo giải đến 1 triệu USD cho khuôn khổ thi đấu tranh đai Grand Prix. Không đầy một tháng nữa, chủ nhân những giải thưởng ấy sẽ lộ diện.
Con số một triệu USD thậm chí đủ để tổ chức những giải MMA vừa và nhỏ với bao gồm tất cả chi phí, thậm chí đủ để tổ chức hàng chục giải “nhà vườn” ở Brazil, nơi điều kiện của võ sĩ còn chưa được cải thiện dù là vùng đất thánh địa lâu đời của võ tổng hợp.
Kể cả những giải đấu hàng đầu của thế giới Kickboxing như Glory hay K-1, mỗi mùa Tournament (đấu loại trực tiếp như Grand Prix), nhà vô địch chỉ nhận con số khoảng 100.000 – 300.000 USD, tức là chỉ bằng 1/3 hay thậm chí 1/10 giải thưởng mà ONE Championship đưa ra cho những nhà vô địch. Đó cũng là lý do mà giải đấu hàng đầu châu Á có thể quy tụ nhiều huyền thoại thế giới tham gia tranh tài như Giorgio Petrosyan, Yodsanklai Fairtex, Eddie Alvarez hay Demetrious Johnson.
8 năm trước, ONE Fighting Championship (lúc đó chưa đổi tên thành ONE Championship) vẫn là một giải đấu nhỏ bé đến từ Singapore. Ngày nay, khẩu hiệu “We are ONE” đã mang sức ảnh hưởng tầm cỡ thế giới
Táo bạo hơn nữa, ONE Championship còn tổ chức đến 3 bảng đấu Grand Prix cùng lúc (hạng cân Flyweight – Lightweight của thể thức MMA và Featherweight của thể thức Kickboxing). Như vậy, vị chi giải đấu đã phải để sẵn 3 triệu USD cho những nhà vô địch, chưa tính các giải thưởng phụ hay chi phí khác.
Chỉ nhìn vào con số đó, chúng ta có thể mườn tượng được đằng sau con số 3 triệu USD ấy là một ONE Championship đã lớn mạnh, phát triển và sở hữu đẳng cấp đến mức nào.
Một triệu USD cho nhà vô địch của giải đấu số một châu Á, Chatri Sityodtong đã toan tính nước đi tuyên bố đẳng cấp một cách khéo léo ?
1 triệu USD chưa phải con số duy nhất mà ONE Championship phải chi ra cho mỗi bảng đấu Grand Prix. Mỗi võ sĩ dù thắng hay thua đều được ký sẵn một hợp đồng “dằn túi” cho từng trận đấu. Tuy không công bố chi tiết hợp đồng võ sĩ nhưng hầu hết chuyên gia phân tích trong ngành kinh doanh thể thao đều khẳng định các võ sĩ sẽ nhận được mức “lương cứng” tăng dần theo từng vòng đấu.
Khi rời ONE Championship, nhà cựu vô địch Welterweight Ben Askren khẳng định anh được nhận 50.000 USD cho mỗi chữ ký đồng ý tham gia trận đấu và thêm 50.000 USD nếu thắng trận. Giới chuyên môn nhận định võ sĩ ở các đẳng cấp thấp hơn có thể nhận được từ 50% - 75% mức này và các võ sĩ thi đấu Grand Prix có thể còn được chăm sóc bằng con số lớn hơn nhiều.
Điều kiện tuyệt vời ở ONE Championship đã “đổi đời” nhiều võ sĩ, trong đó có chàng trai thợ máy gốc Việt Martin Nguyễn
Mức lương 20.000 USD mỗi trận đã là một con số trong mơ đối với các võ sĩ MMA Âu – Mỹ. Vậy nên, có thể khẳng định khoản thu nhập này rõ ràng rất khó để các tay đấm châu Á nói lời từ chối.
Như vậy, có thể nói các võ sĩ tham gia Grand Prix vốn đã kiếm lời ngay từ trận vòng loại, kể cả khi thất bại; và ONE Championship hẳn phải chi ra con số gần 1 triệu USD nữa để trả lương thi đấu của các võ sĩ trước khi tìm ra được chủ nhân giải thưởng cuối cùng.
Dù tuân thủ nguyên tắc ngầm của làng võ đài là không công bố giá trị chính xác của các hợp đồng võ sĩ nhưng với lời tuyên bố treo thưởng 1 triệu USD cho ngôi vô địch Grand Prix, ONE Championship đã khéo léo khẳng định vị thế và đẳng cấp của mình giữa thế giới đầy cạnh tranh từ các giải đấu khác nhau.
Con số “1 triệu USD” không chỉ là giải thưởng ONE Championship dành cho những nhà vô địch mà còn là phần mà giải đấu “tự thưởng” cho bản thân sau 8 năm dài phát triển và đóng góp những thành tựu to lớn cho làng võ.
Đức Anh