Nghệ sĩ viết

Đạo diễn Dương Hoàng Vinh - “Tôi nghĩ phim truyền hình đang bước vào giai đoạn chắt lọc”

“Tôi nghĩ phim truyền hình chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn một là nhà nước đầu tư. Gia đoạn hai là phim tư nhân. Giai đoạn ba là chắt lọc lại từ phong cách làm phim, tư duy, đối tượng khán giả…”

Đạo diễn Dương Hoàng Vinh

Tôi đã làm phim từ buổi giao thời của hai thể loại phim: nhà nước đầu tư và các hãng phim tư nhân. 

Các hãng phim nhà nước đầu tư như: TFS, Tây Đô, Nguyễn Đình Chiểu… là những tên tuổi lớn thời ấy. Tôi đã có cơ hội cộng tác các phim như: Miền đất phúc, Giọt đắng, Cù lao mây… với vai trò phó đạo diễn. Những phim thể loại này đặt yếu tố nghệ thuật lên hàng đầu, không chạy theo tiền bạc và tiến độ sản xuất. Phim quay một máy, quay từng short hình, tiến độ một tuần hay mười ngày được một tập phim là chuyện thường. 

Có khi cảnh quay đòi hỏi có mười chiếc xe cổ hay buổi họp chợ quê có một trăm quần chúng thì chủ nhiệm đoàn phim cũng đáp ứng đủ yêu cầu của kịch bản và đạo diễn. Ê kíp cũng ký lương tập nhưng làm việc rất nhiệt huyết vì đồng tiền thời đó có giá hơn và mức sống thấp hơn bây giờ rất nhiều. Một phim 40 tập có thể quay trong vòng một năm. Hình ảnh thể hiện nội dung phim chứ không dùng lời thoại lấp liếm hình ảnh.

Chuyển sang thời kỳ làm phim tư nhân đầu tư, mọi người bị cuốn theo thời gian, tiến độ, đôi khi bỏ qua các yếu tố nghệ thuật và hay dùng lời thoại lấp liếm. Đôi khi thiếu đạo cụ và quần chúng, đạo diễn phải biết bóp hẹp khung hình. Như một phiên chợ quê thì chỉ được vài sạp hàng và lác đác vài người qua lại chứ hình ảnh không đắt như xưa. Mà dù kinh phí làm phim vẫn như xưa, thì sau 15 năm giá trị đồng tiền đã khác đi nhiều. Ai cũng muốn tăng lương nhưng kinh phí không đủ, quảng cáo, tài trợ cũng không còn nhiều như trước. 


Một cảnh trong phim “Chuyện Làng Bè”

Thời điểm bây giờ mà sản xuất phim truyền hình là rủi ro hơn nhiều. Ngày xưa ở TP. Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày có từ 30 đến 40 đoàn phim cùng bấm máy. Đà Lạt gần như là phim trường, có lúc năm, bảy đoàn cùng quay. Bây giờ phim truyền hình trong giai đoạn khó khăn nên các nhà đầu tư cũng dè chừng. 

Tôi đã có cơ hội làm đạo diễn các phim phát trên HTV như: Chuyện Làng Bè (đồng đạo diễn với chú Hồ Ngọc Xum, giải 3 Cánh diều vàng năm 2012 ), Trang sách huyền bí, Hòn đá thần kỳ.  Một số phim khác như: Tay chơi miệt vườn, Thần đồng (giải Nhì Liên hoan Phim Truyền hình năm 2014 ) và phim sitcom Đàn ông sau 5h.

Chuyện làng bè là một phim chính luận, kén khán giả hơn thể loại phim giải trí. Nêu bật được nghành nghề, văn hóa, địa phương, khán giả cảm nhận được nỗi vất vả, cực nhọc của người dân nuôi cá. 


Hậu trường phim “Chuyện Làng Bè”

Phim truyền hình đang chắt lọc lại

Thời kỳ phim truyền hình còn hoàng kim thì lực lượng ê kíp và diễn viên rất hùng hậu. Bây giờ phim quay ít lại rất nhiều, để đảm bảo cuộc sống, nhiều người chuyển sang nghề khác, nhất là bán hàng online. Diễn viên thì đi đóng tiểu phẩm, sitcom, chơi gameshow, tham gia các phim ngắn trên Youtube. Dù thu nhập thấp hơn nhưng người diễn viên yêu nghề vẫn muốn được ra phim trường, đứng trước ống kính máy quay, thể hiện diễn xuất của mình. 

Trong khi đó, đạo diễn thì chuyển sang làm một số việc như quay tiểu phẩm, viral, TVC, gameshow, sitcom… Có một số người trong ê kíp làm phim như phục trang, thư kí, thiết kế… đã chuyển hẳn sang nghề khác.

Tôi nghĩ phim truyền hình chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn một là nhà nước đầu tư. Gia đoạn hai là phim tư nhân. Giai đoạn ba là chắt lọc lại từ phong cách làm phim, tư duy, đối tượng khán giả. Khán giả 10x đã khác xa với 7x, 8x ngày trước về cách sống, suy nghĩ… 

Youtube là một kênh truyền hình mới ở Việt Nam. Khán giả có thêm phương tiện giải trí miễn phí. Phim truyền hình có thể khai thác Youtube ở gốc độ nào đó nhưng khó bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư. Phim phát trên sóng truyền hình có công thức thu lợi nhuận nhất định, còn Youtube thì không có công thức nhất định nào để thu hồi vốn. 

Cho dù ở giai đoạn nào, làm việc gì thì phim truyền hình vẫn là niềm đam mê chính của tôi. Tôi tin rằng thời gian không xa nữa phim truyền hình sẽ trở lại thời hoàng kim. 

Còn về cuộc sống riêng của tôi rất đơn giản và bình dị như bao gia đình khác. Sau một ngày làm việc vất vả bên ngoài, niềm vui lớn nhất của tôi là được trở về tổ ấm của mình, ăn bữa cơm gia đình với vợ con và ôm ấp, nựng nịu đứa con trai đầu lòng.


Đạo diễn Dương Hoàng Vinh và con trai

Đạo diễn Dương Hoàng Vinh (Kim Thúy ghi)