Nghệ sĩ viết

Đạo diễn Trương Văn Trí – Thổi linh hồn mới vào một vở diễn kinh điển

Vở diễn “Hòn Vọng Phu” vốn đã gắn liền với tên tuổi các nghệ sĩ Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm… Khi làm "Hồn của đá", tôi buộc phải có thủ pháp mới để không bị lặp lại – Đạo diễn Trương Văn Trí chia sẻ.


“Anh Trí” - cái tên quen thuộc của nhiều thế hệ sinh viên trường Sân khấu & Điện ảnh

Có lẽ, các bạn sinh viên trường Sân khấu & Điện ảnh ít nhiều đều biết đến "anh Trí - thủ lĩnh Đoàn thanh niên", nhất là các bạn năm nhất. Như một người anh công tác lâu năm trong trường, tôi tận tình hướng dẫn các em từng li từng tí. Từ ngày đầu bước chân vào trường đến khi tốt nghiệp, hễ có chuyện lớn chuyện nhỏ gì các em cũng đi kiếm anh Trí. Số điện thoại của tôi cũng giống như số điện thoại của tổng đài trong trường. Đó là niềm hạnh phúc vô tận của tôi!

Nhiều lớp sinh viên tốt nghiệp ra trường, có nhiều em trở thành diễn viên, đạo diễn, quay phim, biên kịch… nổi tiếng, vào ngày cúng Tổ hay có dịp nào đó ghé thăm trường thường trò chuyện với tôi, hỏi thăm tình hình trong trường. Rồi có những em sinh viên sau khi tốt nghiệp, chưa đủ duyên theo nghề nên theo một ngành nghề khác, lâu lâu có dịp ghé thăm trường cũng tìm anh Trí tâm sự. Các em nói bây giờ trong trường toàn sinh viên mới không quen, tâm sự với tôi cho đỡ nhớ trường lớp, nhớ nghề. 

Tôi đã từng dạy lớp đào tạo ngắn hạn cho các em chuẩn bị thi vào trường. Rồi hồi hộp nhìn các em vào phòng thi. Nhưng “học tài thi phận, nghề chọn người”, nên tôi đã từng mừng rỡ gặp lại các bạn trong buổi lễ chào đón tân sinh viên, cũng như không ít lần ngậm ngùi chia buồn cùng các em thi trượt, an ủi các bạn cố gắng vào mùa sau. 


Lễ kết nạp Đảng cho các bạn sinh viên của Chi bộ sinh viên
Bí thư Chi bộ Sinh viên - Đạo diễn Trương Văn Trí (bìa phải)

Tôi làm nghề bằng những việc nhỏ

Tôi công tác ở trường Sân khấu & Điện ảnh lâu như vậy, chứng kiến nhiều thế hệ sinh viên thành danh và vui với các em. Còn cá nhân tôi nhận thấy mình chỉ có duyên với những công việc nhỏ. Tôi thấy nó vừa sức mình. Tôi từng làm trợ giảng cho NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc, dàn dựng tiểu phẩm, chương trình ca múa nhạc cho đơn vị phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Cảnh Sát phòng cháy chữa cháy TP. Hồ Chí Minh. Tham gia hội diễn quần chúng cho địa phương và các lực lượng vũ trang. 


Đạo diễn Trương Văn Trí đưa sinh viên trường Sân khấu & Điện ảnh tham gia Hội thao của công Đoàn khối bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch

Tôi đã đầu tư nửa tỷ vào vở "Hồn của đá"

Từ ngày tốt nghiệp lớp Đạo diễn sân khấu K10 với vở Chuyện tình Lương Chúc, đây là lần thứ hai tôi dựng vở. Kinh phí dàn dựng khoảng 500 triệu đồng, một phần được hỗ trợ từ gia đình và phần còn lại là công sức lao động nhiều năm tháng tôi dành dụm được. 

Tôi làm vở mà chắt chiu từng chút, vì giờ cái gì cũng đắt đỏ. Đặc biệt là giá thuê rạp rất cao. Thấp nhất cũng mười hai đến mười lăm triệu một suất hát ở các rạp bình dân. Sân khấu là một tập thể ê kíp diễn viên, đạo diễn, hóa trang, phục trang, âm thanh, ánh sáng, hiện trường, hậu đài… Gần năm mươi con người phục vụ cho một vở diễn, đòi hỏi một lượng kinh phí không nhỏ, tôi phải khéo léo trong việc chi tiêu.

Tôi tập hợp những người có cùng đam mê với mình để thực hiện vở diễn. Mỗi người hy sinh một chút. Nhiều nghệ sĩ chỉ lấy ít tiền cát xê cho vui, chứ thật ra số tiền đó đâu có xứng với công sức và tên tuổi của họ. Nghệ sĩ Vũ Luân vừa từ Mỹ trở về diễn miễn phí cho tôi không chịu lấy đồng nào vì anh rất tâm đắc với vai diễn này. Trước đây anh Vũ Luân có ý muốn dàn dựng vở này nhưng chưa  đủ duyên. Bây giờ tôi có cơ hội thực hiện hoài bão của mình và cũng là tâm nguyện bấy lâu của anh Vũ Luân. Đó cũng là một sự trùng hợp ý tưởng của đạo diễn và diễn viên.

Vở Hồn của đá vốn lấy ý tưởng từ vở Hòn vọng phu (tác giả: Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương: Mộc Linh). Hòn vọng phu vốn đã gắn liền với tên tuổi các nghệ sĩ: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm… thì buộc người đạo diễn phải có thủ pháp mới để không bị lặp lại. 

Tôi xử lý cảnh trí bằng tranh cát do nghệ sĩ Đức Trí thể hiện. Tôi đưa dàn nhạc sống vào vở diễn cho âm thanh thật sống động. Tôi không sử dụng bục bệ như những vở diễn thông thường mà tất cả đều là thuyền thúng để tạo nên nét riêng của khu vực miền Trung. Tôi muốn lên án chiến tranh gây loạn lạc,, anh em ruột lấy nhau hoàn toàn không biết, sự oan nghiệt cay đắng bao trùm kiếp người. Tôi đã tâm đắc vở diễn và nuôi dưỡng ý tưởng nhiều năm nhưng đến bây giờ mới thực hiện được. 

Dù sân khấu còn nhiều khó khăn, đất diễn của người diễn viên bị thu hẹp so với ngày xưa, nhưng tôi rất mang ơn Tổ nghiệp cho đã cho tôi làm nghề. Từ những việc chuyên môn ở trường Sân khấu & Điện ảnh, đến công tác đạo diễn trong vở diễn đều rất quan trọng trong đời làm nghệ thuật của tôi: Hồn của đá!

Đạo diễn Trương Văn Trí

Đạo diễn Trương Văn Trí (Ngọc Liên ghi)