Được xem là người đặt nền móng cho tình ca cách mạng và nhạc giao hưởng Việt Nam, cuộc đời hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ Hoàng Việt tuy ngắn (1928 - 1967) nhưng đã để lại cho nền âm nhạc nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị.
Những sáng tác cho đời của nhạc sĩ Hoàng Việt là những giai điệu trong sáng, lạc quan, sôi nổi, trữ tình và sâu lắng
Nhạc sĩ Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực, sinh tại Chợ Lớn (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh), quê quán: xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông có năng khiếu và đam mê âm nhạc nên sáng tác từ khi còn ít tuổi. Ông từng làm việc tại Đoàn Văn công phân liên khu miền Đông Nam bộ; tập kết ra Bắc và học Trường Âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên; sang học tập tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria và tốt nghiệp hạng ưu với bản giao hưởng Quê hương.
Sau khi ông trở về nước, bản giao hưởng Quê hương được trình diễn lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1965 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm 1966, nhạc sĩ Hoàng Việt cùng một số văn nghệ sĩ (trong đó có Lưu Hữu Phước, Nguyễn Quang Sáng...) vào chiến trường miền Nam và làm việc tại Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam.
Có thể nhận thấy các sáng tác của ông trong giai đoạn này luôn tràn đầy sức trẻ, sự tươi vui, tinh thần hăng say chiến đấu và niềm tinh mãnh liệt vào một ngày mai kháng chiến thắng lợi của người lính trẻ như: Lá xanh, Nhạc rừng...
Tuy có nhiều sáng tác với tiết tấu vui tươi, hứng khởi khiến người nghe cảm nhận được tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu giành độc lập cho đất nước, nhưng có thể nói, khi nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Việt nhiều khán giả sẽ nghĩ ngay đến những bản tình ca cách mạng, như: Tình ca, Thành đồng Tổ quốc, Giết giặc Mỹ cứu nước, Ai nghe chiến dịch mùa xuân...
Năm 1996, nhạc sĩ Hoàng Việt được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Bản “Tình ca” bất hủ được ra đời khi ông nghĩ đến nỗi khổ của người vợ phải xa cách chồng (Vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Việt năm 1950)
“Nhạc rừng” - Bức tranh sinh động về con người và thiên nhiên
Nhạc rừng được cố nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác năm 1951 khi ông đang là một chiến sĩ trẻ trong chiến trường miền Đông Nam bộ. Thời kỳ này cuộc kháng chiến chống Pháp của ta đang bước vào giai đoạn vô cùng gay go, ác liệt. Đời sống của người chiến sĩ cũng chịu nhiều vô vàn gian nan, thử thách.
Chiến đấu ở rừng, thiếu thốn tiện nghi, lương thực, thuốc men, nguy hiểm luôn rình rập, cái chết cận kề. Song tất cả những điều đó không làm nhụt ý chí cũng như không ảnh hưởng đến tinh thần của người chiến sĩ.
Dù trong rừng sâu, trong gian khổ, khó khăn nhưng với tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm của người nhạc sĩ - Hoàng Việt đã cảm nhận được vẻ đẹp của khu rừng, âm thanh của muôn loài, tiếng lao xao của những cơn gió, tiếng róc rách của suối chảy…. tất cả hòa thành một bản nhạc du dương, sống động.
Nhạc rừng có chất nhạc vui tươi, trong sáng, nhịp nhàng thể hiện vẻ đẹp của rừng miền Đông Nam bộ. Bài hát như một bức tranh sinh động, tràn đầy âm thanh của thiên nhiên, trong đó nổi lên hình ảnh của các anh bộ đội trẻ tuổi, lạc quan yêu đời, say mê ca hát và cũng rất anh dũng chiến đấu chống quân thù.
Ngay khi ra đời, Nhạc rừng gắn bó với giọng ca NSND Quốc Hương đã được sự đón nhận nhiệt tình của các đồng đội. Sau này, rất nhiều khán giả yêu nhạc cách mạng Việt Nam cũng rất yêu thích ca khúc này.
Nhóm Phù Sa sẽ mang đến một bức tranh sinh động thể hiện vẻ đẹp của con người và thiên nhiên Nam bộ
“Lên ngàn” – Ngợi ca sự hy sinh thầm lặng
Lên ngàn là khúc tráng ca về sức sống bất khuất, sự hy sinh thầm lặng và niềm tin sắt đá vào chiến thắng cuối cùng của người phụ nữ Nam bộ giữa ngút ngàn đau thương, tang tóc, gian khó của cuộc kháng chiến trường kỳ, là sáng tác được nhạc sĩ Hoàng Việt viết năm 1953.
Bài hát đặc biệt khắc họa hình ảnh người vợ chan chứa những tình cảm sâu đậm, chèo thuyền ngược dòng Vàm Cỏ Đông lên rẫy cắt lúa thay chồng nuôi con. Lúc đó, hình ảnh người phụ nữ, người vợ chiến sĩ phải gạt nước mắt đi lấy lúa về, chăm lo cho con cái, gia đình, nước mắt trào ra nhưng vẫn gửi cho người ở nơi xa một thông điệp rằng: “Kháng chiến nhất quyết thành công!”
NSƯT Vân Khánh hứa hẹn làm sống lại hình ảnh người vợ chiến sĩ can trường trong ca khúc “Lên ngàn”
“Tình ca” – Hành trình của một lá thư
Tình ca được xem là một ca khúc ghi đậm dấu ấn nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Việt. Ngay từ cái tên của bài hát đã thấy được tác giả đã gửi gắm tâm tư tình cảm của mình vào trong bài hát này.
Tình ca được viết vào mùa xuân năm 1957, nhạc sĩ Hoàng Việt lúc đó đang là học viên của Trường Âm nhạc Việt Nam. Cảnh xuân, dù trong chiến tranh hay hòa bình, vẫn vốn gợi cho con người nhớ về quê hương với những kỷ niệm chẳng thể phai mờ trong tiềm thức.
Đúng thời gian ấy, một niềm vui trong cái éo le nghịch lý đã xuất hiện. Vui là vì Hoàng Việt nhận được thư của vợ từ Sài Gòn gửi ra chứa đựng bao tình cảm riêng tư. Cái éo le, nghịch lý mà không ai ngờ tới đó là hành trình của bước thư vô cùng trắc trở: Từ Sài Gòn sang Pari, lòng vòng qua một số nước rồi mới tới Hà Nội.
Ông nhận được thư trong tâm trạng vô cùng phấn chấn. Ông nghĩ đến nỗi khổ của người vợ phải xa cách chồng, sống trong vòng cương tỏa, o ép của kẻ thù... Một cảm xúc mãnh liệt về tấm lòng thủy chung của những lứa đôi trước phong ba bão táp của cuộc đời, khát vọng về ngày thống nhất đoàn tụ đã bùng lên trong ông. Và, trái tim của người nhạc sĩ đã được cộng hưởng, dồn nén đến đỉnh điểm từ tình yêu quê hương đất nước với tình cảm riêng tư, để một đêm thức trắng cho ra đời bản Tình ca nổi tiếng.
Tình ca không chỉ là nỗi niềm của riêng cá nhân ông mà cũng là nỗi niềm của bao người con xa quê, xa vợ con, xa người yêu… Lời bài hát còn là lời động viên gửi tới người vợ nơi quê nhà về một ngày mai chiến thắng sẽ đoàn tụ.
Ca sĩ Cao Minh sẽ trở lại với màn ảnh HTV sau một thời gian dài vóng bóng qua bản “Tình ca” nổi tiếng
Chương trình phát sóng lúc 15g20 ngày 6/6 trên HTV9, với những ca khúc in đậm trong lòng người yêu nhạc Việt trong nhiều thập niên qua, như: "Nhạc rừng", "Lên ngàn", "Tình ca"... được thể hiện bởi NSƯT Vân Khánh, ca sĩ Cao Minh, nhóm Phù Sa...
Thiên Hương