Dấu ấn thời gian: Vang mãi những tình khúc Trịnh Công Sơn

Có một người nhạc sĩ mà khi còn sống, ông đã có một cuộc đời rất bình dị, tĩnh lặng. Do vậy, âm nhạc của ông cũng chất chứa đầy suy niệm về cuộc sống, về con người, về tình yêu. Ông chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 

Trong chương trình Dấu ấn thời gian phát sóng lúc 15g20 ngày 4/4 trên HTV9,  với chủ đề “Giới thiệu âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” dành riêng cho đề tài người phụ nữ trong âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa đa tình này với Diễm xưa, Huyền thoại mẹ, Em ở nông trường - em ra biên giới… qua những chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, nhà văn Phạm Phương Lan và phần thể hiện của các ca sĩ Nguyễn Lệ Ngọc, Phạm Đình Thái Ngân, Trương Bảo Như…

Người phụ nữ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

Đối với những người yêu nhạc Trịnh, họ nhìn thấy được câu chuyện của mình trong mỗi tác phẩm, và từ đó, họ đồng cảm với những câu từ mà người nhạc sĩ tài hoa này viết ra, cùng giai điệu rất riêng mà chỉ cần nghe qua vài lần đã có thể hát theo. Chính những lý do ấy, dù đã bước qua bên kia thế giới 18 năm, Trịnh Công Sơn vẫn là một trong những nhạc sĩ được đông đảo công chúng yêu mến và trân trọng. 

Trong mấy mươi năm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sở hữu một gia tài âm nhạc khổng lồ với hơn 600 ca khúc. Âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, như: Khánh Ly, Hồng Nhung, Quang Dũng… nhưng thành công và gắn bó hơn cả là Khánh Ly. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ, một ca sĩ và một diễn viên không chuyên.

Người ta thường thấy, trong âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hình tượng người phụ nữ luôn được ông ưu ái hơn cả. Một trong những ca khúc tiêu biểu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết về vẻ đẹp của người phụ nữ chính là ca khúc Diễm xưa. Diễm xưa được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1960, lấy từ ý “Diễm của những ngày xưa”. Và đằng sau ca khúc này cũng có một câu chuyện tình rất đẹp, được in đậm dưới hàng câu long não và chiếc cầu Phủ Cam ở nơi miền Cố đô. Những rung động, cảm xúc của một con tim yêu thương mong ngóng chờ đợi bóng dáng của một người đẹp với tà áo dài thấp thoáng sau rặng cây đã làm xao xuyến tâm hồn của nhạc sĩ. Một mối tình thầm kín mà với nhạc sĩ đó là những khoảnh khắc đẹp tới tận cuối cuộc đời và hình ảnh người con gái ấy mãi đi theo bản tình ca bất hủ của ông.

Còn với Huyền thoại mẹ, tuy là một trong những ca khúc cách mạng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vậy nhưng, dường như người nghe vẫn cảm nhận thấy trong đó chứa chất tình rất sâu nặng, rất riêng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Hình ảnh của Mẹ Suốt từng kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Từ tấm gương của mẹ Suốt, để rồi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã “khái quát hóa”, nghĩ về các bà mẹ Việt Nam một đời đã vì chồng vì con, vì dân, vì nước mà thầm lặng hy sinh.

Nếu như đã quen với sự tự tình của nhạc Trịnh thì có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ với một Trịnh Công Sơn của Em ở nông trường, em ra biên giới bởi tính chất âm nhạc và hình tượng người phụ nữ trong ca khúc. Chính chất âm nhạc trẻ trung đã giúp cho hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trong ca khúc luôn tươi tắn, tràn đầy sức sống nhưng cũng không kém phần dịu dàng, chịu thương chịu khó.

Hình ảnh người phụ nữ luôn là đề tài được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quan tâm 

Ca sĩ Lệ Ngọc

Âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã vang danh không chỉ trong nước mà ngay cả quốc tế cũng biết đến, thế nên với những người đam mê âm nhạc như Ngọc, việc nghe nhạc Trịnh gần như là thường xuyên. Nhưng để hát nhạc Trịnh thật không dễ. Nhạc của ông nghe tưởng chừng là giản dị đấy nhưng lại sâu sắc, tinh tế vô cùng. 

Trước giờ, Ngọc chỉ hát những ca khúc của ông có tiết tấu vui tươi, trong đó có Quán trọ. Còn những ca khúc đòi hỏi sự sâu lắng, trầm tư tự sự, hoài niệm Ngọc chưa thể “khai phá” được. Ca khúc Quán trọ thường được Ngọc hát vui với bạn bè, hoặc khi được khán giả yêu cầu một bài hát tự chọn.

Âm nhạc mà Ngọc đã và đang hướng đến chủ yếu là những tình khúc bolero và nhạc trẻ, thế nên khi Ngọc được biên tập viên của chương trình mời tham gia thể hiện một ca khúc trong chương trình Giới thiệu âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ngọc vô cùng bất ngờ. Nhưng cũng chấp nhận ngay vì được thể hiện Diễm xưa – một ca khúc nổi danh với nhiều giọng ca trong đó được “đo ni đóng giày” với giọng ca Khánh Ly.  

Ngọc nghe Diễm xưa rất nhiều như thấm từng câu từng chữ vào trong mình, nhưng lại chưa bao giờ thể hiện trước công chúng cả. Trong chương trình, Ngọc đã hát một cách tự nhiên nhất theo cảm nhận của riêng mình, không kỹ thuật, không gò ép… Sau khi thu hình xong, các anh chị trọng ê-kíp nhận xét, giọng ca của Ngọc đã làm mới bản nhạc, nghe lạ tai hơn. Ngọc cũng rất mừng vì điều này. 

Tuy nhiên, sau lần “dạm ngõ” với nhạc Trịnh qua sóng HTV này, Ngọc cũng sẽ dành thời gian nghiên cứu nhiều hơn về âm nhạc độc đáo này và luyện cho mình một số ca khúc “tủ” để làm “bảo bối” khi cần là “tung chiêu”. Hãy đón xem chương trình để nghe Ngọc hát nhạc Trịnh và ủng hộ Ngọc nhé!

Một “Diễm xưa” rất tình nhưng cũng đầy khắc khoải sẽ được thể hiện trong chương trình “Dấu ấn thời gian” với một bản phối mới, hiện đại hơn nhưng vẫn giữa được cái chất vốn có của nhạc Trịnh

Ca sĩ Phạm Đình Thái Ngân

Đối với tôi, âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gắn liền một phần với giai đoạn tôi bắt đầu chập chững đi hát tại các tụ điểm, phòng trà, quán cà phê… cách đây nhiều năm. Nên khi được HTV mời tham gia chương trình đặc biệt tri ân cố nhạc sĩ tài hoa này, tôi đã quyết định tham gia với một tác phẩm về mẹ đó chính là bài hát Huyền thoại mẹ

Tôi đã từng hát: Mưa hồng, Hạ trắng, Biển nhớ, Huyền thoại mẹ... Mỗi khi hát những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có một vài ca khúc khi hát tôi phải ngẫm nghĩ thật nhiều về lời bài hát mới ngộ ra được hết ý nghĩa của ca từ. Đó là điểm đặc biệt khiến tôi yêu mến nhạc Trịnh. Ví như một đoạn trong ca khúc Hạ Trắng: "Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay", lúc mới hát tôi phải suy nghĩ rất nhiều vì không hiểu “gọi nắng trên vai em gầy” là gì cả, nhưng khi hát đi hát lại nhiều lần và tìm hiểu về ý tứ giai điệu, tôi mới thẩm thấu đó chính là hình ảnh bờ vai của một thiếu nữ mình hạc xương mai trong mộng của người thi sĩ đa tình hòa vào trong nắng đầy ảo diệu.

Còn ca khúc Huyền thoại mẹ, với giai điệu nhẹ nhàng, ca từ gần gũi quen thuộc gợi lên những hình ảnh rất đỗi thân thương, cho tôi cảm nhận đặc biệt về vẻ đẹp hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng thời kháng chiến, đối mặt với bao hiểm nguy để góp phần cho quê hương đất nước hôm nay tươi đẹp. Bài ca là một đóa hoa thơm mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dâng tặng cho những người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Phạm Đình Thái Ngân đầy tự sự trong “Huyền thoại mẹ”

Ngọc Hương