Bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 cho đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng khởi thảo, ra đời trong hoàn cảnh Đảng vẫn còn hoạt động bí mật, đang làm công tác vận động cách mạng. Việt Nam lúc đó mang tính chất xã hội thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, chiến tranh thế giới thứ 2 đang làm cho đất nước kiệt quệ, tình hình chính trị, xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp nhưng cũng đặt ra những thời cơ cho cuộc cách mạng xã hội.
Trên lĩnh vực văn hóa, nhiều xu hướng khác nhau đang chi phối đời sống tinh thần của dân tộc. Nhiều người lầm tưởng về học thuyết Đại Đông Á của Nhật khi cho rằng đây chính là một cơ hội để văn hóa Việt Nam có cơ hội phục hưng, do được hưởng lợi từ quan niệm “đồng chủng đồng văn” của người Nhật, được “trở về” với nguồn gốc Á Đông sau một thời gian dài bị nô dịch bởi người Pháp. Điều này không phải chỉ có đến thời điểm ấy mới xuất hiện mà từ nhiều năm trước trong trí thức Việt Nam đã manh nha những ảo tưởng về mô hình nước Nhật cải cách, sánh ngang với các nước phát triển phương Tây, nước Nhật “đồng chủng, đồng văn” sẽ “giúp đỡ” Việt Nam và các nước châu Á khác “vô tư” hơn. Và đến lúc này thuyết Đại Đông Á không phải không mê hoặc không ít người. Những tư tưởng triết học của phương tây được giới thiệu ở Việt Nam lúc này như triết học R. Descarter, I.Kant, F.Nietzsche, H. Gergson… cũng đang có nguy cơ gây lạc đường cho nhiều trí thức chán ghét những tư tưởng cũ những chưa tìm ra được hướng đi mới cho đời mình, vẫn còn những trí thức loay hoay trong xu hướng nệ cổ, xu hướng cực đoan trong học thuật.
Có thể nói việc tìm đường, nhận đường của nhiều trí thức yêu nước lúc này đang gặp những lúng túng, bế tắc. Trong đời sống văn chương bấy giờ, sự khủng hoảng, bế tắc của các trường văn học công khai đã bộc lộ rõ và nói như Nguyễn Tuân sau này là “nguy cơ của cả một nền văn học” đã bày ra trước mắt. Văn học lãng mạn về cơ bản đã đi hết đoạn đường rực rỡ nhất của nó, đã bắt đầu bộc lộ những lối đi khác trước nhưng thần bí và bế tắc hơn. Văn học hiện thực không còn dáng vẻ lực lưỡng và đi vào những vấn đề trực diện như giai đoạn trước dù Nam Cao đang mở ra cho mình một hướng đi mới vào vấn đề nhân cách và số phận con người. Đó đây trong sáng tác của Tô Hoài, Nguyên Hồng lộ rõ cái không khí “ngột ngạt không chịu nổi” đã thấy cảm giác “cuộc sống không thể mãi cứ thế này” nhưng đi đâu, theo hướng nào thì vẫn chưa lộ diện. Chiến tranh, khủng hoảng xã hội đã làm cho văn học đánh mất dần đi những giá trị tích cực vốn có của nó. Tất cả những điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc “nhận đường” cho một giai đoạn quan trọng của thời kỳ chuẩn bị cách mạng xã hội.
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân và góc nhìn sự vật dưới con mắt biện chứng đã đem lại một cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối. Sự cởi mở về khâu tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, cố kết cộng đồng trong những ngày đầu cách mạng đã làm thay đổi nhận thức xã hội. Sự tin yêu vào chủ trương cứu quốc, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đã khiến nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ, các nhà hoạt động văn hóa từ bỏ quan niệm cũ, chấp nhận một thế giới quan và nhân sinh quan mới. Đây là cuộc nhận đường đầu tiên của đội ngũ trí thức để đến với Cách mạng. Họ là những người tiên phong đi đến với cách mạng và là lực lượng chủ chốt để tham gia xây dựng nền văn hóa mới. Không phải ngẫu nhiên mà sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 hầu hết các trí thức, văn nghệ sĩ đã nhìn thấy con đường đi với nhân dân, phụng sự Tổ quốc là con đường lớn cho sự nghiệp và cuộc đời mình.
|
Các văn nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp. Từ phải qua trái: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung (hàng trên); Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi (hàng dưới).Ảnh tư liệu |
TƯ TƯỞNG CỨU QUỐC ĐÃ TRỞ THÀNH NGỌN CỜ TẬP HỢP LỰC LƯỢNG
Tư tưởng cứu quốc với khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” đã trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, khơi dậy ở mỗi người dân, cộng đồng, dân tộc, đảng phái, tôn giáo lòng yêu nước và khát vọng độc lập. Tinh thần cứu quốc của văn hóa trở thành mệnh lệnh của cuộc sống, được nhận thức sâu sắc ở cả tầm lãnh đạo lẫn trong nhận thức, tình cảm và hành động của mỗi cá nhân.
Là cương lĩnh đầu tiên của Đảng cộng sản về lĩnh vực văn hóa, nghĩa là những tư tưởng lớn, đường hướng cơ bản phải mang ý nghĩa khái quát cao, khoa học và có khả năng tập hợp lực lượng, thu hút mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới trí thức chung tay xây dựng một nền văn hóa cần có, phải có trong tương lai, khi mà cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ chưa thành công. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là một bản đề cương hành động trong lĩnh vực văn hóa nên nó cũng chỉ xác định những khung, sườn nhằm mọi hoạt động không đi chệch hướng, mà hướng tới mục tiêu bằng con đường chính xác nhất và hoạt động đạt hiệu quả lớn nhất. Điểm mới nhất của nền văn hóa ấy được xác định là phải được xây dựng trên cơ sở của một hình thái kinh tế-xã hội mới, do Đảng lãnh đạo, phải trở thành một “mặt trận” mà người cộng sản phải nắm lấy, lãnh đạo và bắt nó phục vụ cho cuộc cách mạng xã hội là một bước tiến về nhận thức của Đảng về văn hóa. Cuộc cánh mạng mà bản đề cương hướng đến không phải dành cho một số người, một tầng lớp nào mà của toàn dân, cho toàn dân và phải do toàn thể nhân dân cùng tham gia. Sức thu hút của tư tưởng văn hóa mới này bắt đầu từ đó vì trong lịch sử đất nước, cho đến thời điểm này, chưa có thể chế, tổ chức chính trị hay nhà nghiên cứu nào đưa ra được luận điểm này. Trong hoàn cảnh bấy giờ, đưa ra được những vấn đề này, biến nó thành tư tưởng để vận động cho một nền văn hóa mới, chưa có hoặc chính xác hơn là mới chỉ là những mầm, những nụ nhưng đã chứng tỏ sức sống của nó là một sáng tạo của Đảng bởi chỉ có nêu ra được những hướng đi như thế mới có khả năng tập hợp được lực lượng và Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 trở thành tài liệu đầu tiên, quan trọng và duy nhất, có tác dụng tập hợp lực lượng rất lớn những người có tư tưởng tiến bộ bấy giờ trong mặt trận Văn hóa cứu quốc.
Theo hồi ức của các nhà hoạt động văn hóa Cứu quốc thì nhờ có những hoạt động hiệu quả này mà trong Quốc dân đại hội Tân Trào, đại biểu của Văn hóa cứu quốc đã có vị trí quan trọng và trong thời gian trước, trong, sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tinh thần cứu quốc của văn hóa đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống nhân dân, tập hợp thành một lực lượng hùng hậu ủng hộ cách mạng. Nói như Nguyễn Tuân là hầu hết mọi trí thức lớn và văn nghệ sĩ đã đứng về “dưới lá cờ nghĩa của Cách mạng” để chung tay đấu tranh và xây dựng một xã hội kiểu mới (1). Tư tưởng Tổ quốc trên hết, văn hóa soi đường cho quốc dân đi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đã tập hợp được rất nhiều những người thuộc các xu hướng xã hội khác đi theo cách mạng, kháng chiến, đem hết sức lực, trí tuệ ra phụng sự Tổ quốc. Không có tư tưởng này soi đường, khó có thể chỉ với hơn 5.000 đảng viên làm nòng cốt của mặt trận Việt Minh, Đảng có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trọn vẹn như vậy. Thấm nhuần tư tưởng này, hầu hết các bậc nhân sĩ, trí thức yêu nước, kể cả những người còn rất xa lạ với tư tưởng cộng sản cũng tự nguyện đi theo cách mạng, hiến dâng cả tiền bạc, sinh mạng cho độc lập dân tộc. GS.Trần Quốc Vượng đã từng nói thế hệ những người như cha ông còn rất xa lạ với đấu tranh giai cấp, lý tưởng cộng sản…nhưng nghe và tin theo Bác Hồ, theo ngọn cờ yêu nước, đấu tranh để giành độc lập dân tộc mà nhập thế, trở thành những con người được giác ngộ lý tưởng xã hội theo quan niệm cộng sản (2).
Cần phải nhìn thấy tính chất cứu quốc của đề cương văn hóa mới này, nhận thức được tính chất tiên phong, mở đường của nó cho các văn nghệ sĩ gắn cuộc đời cầm bút của mình với dân tộc, nhân dân mới thấy hết được tầm nhìn mang tính chiến lược của Đảng không chỉ đối với cuộc cách mạng xã hội trước mắt mà còn là những chuẩn bị cho việc xây dựng một nền tảng tinh thần mới cho xã hội tương lai. Cũng không thể không nói đến tính chất phục hưng văn hóa của đề cương vì từ những tư tưởng lớn này mà sau khi cách mạng thành công, một sức sống mới của dân khí và dân trí Việt đã từng bước làm thay đổi bộ mặt của đất nước. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.
BA PHƯƠNG CHÂM MANG TÍNH BAO TRÙM CHO MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI
Đề cương nêu ra ba phương châm lớn (văn bản gọi là ba nguyên tắc) của cuộc “vận động văn hóa mới Việt Nam trong giai đoạn này” là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa, ở mỗi mục đều có giải thích rõ nội dung cơ bản của phương châm đó là gì. Dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”, đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng” và khoa học hóa là “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”. Ba nguyên tắc lớn này phải thắng trong cuộc đấu tranh chống lại “những xu hướng bảo thủ, triết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm v.v…” đồng thời cũng chống cả “xu hướng văn hóa quá trớn của bọn Tờ rốt kít”. Rõ ràng, ba nội dung, ba phương châm, ba nguyên tắc này đã vạch ra những đường hướng cơ bản cho một nền văn hóa mới ở mục tiêu phải đạt đến, tính chất phải có và cả những nội dung cơ bản của nó mà mục đích chính trị là tham gia trực tiếp vào một cuộc cách mạng xã hội đang chuẩn bị đến thời kỳ cao trào. Lúc này vấn đề lựa chọn chỗ đứng, lập trường và thái độ được đưa lên hàng đầu.
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đặt vấn đề ba phương châm, thực chất là ba tính chất là gắn với truyền thống dân tộc, thuộc về nhân dân và thấm nhuần tinh thần khoa học như ba trụ cột cơ bản, đảm bảo cho văn hóa Việt Nam phát triển. Sau này, khi đã giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất quán khẳng định thái độ của mình trong lĩnh vực văn hóa là phải gắn bó chặt chẽ với đời sống dân tộc, với truyền thống di sản của ông cha, gắn bó với đời sống nhân dân, phục vụ nhân dân và tất cả thái độ tiếp cận từng vấn đề, cả trong tiếp nhận di sản, trong nghiên cứu khoa học hay sáng tạo thì tư tưởng vì dân tộc, đại chúng với một thái độ khách quan, đúng đắn của một nhãn quan khoa học vẫn là những nguyên tắc quan trọng nhất. Hướng về đại chúng, dân tộc là hướng đến đất nước, nhân dân, đó là mục tiêu của cuộc cách mạng xã hội mà Đảng cộng sản đang kêu gọi.
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, vì vậy, có tác dụng định hướng cả về hướng đi, cách thức xây dựng và hoạt động nên có tác dụng lâu dài với cách mạng Việt Nam. Những phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng, cho đến tận bây giờ vẫn chứng tỏ tính chất đúng đắn của chúng trong đời sống. Trải qua bao nhiêu thăm trầm, biến động, con đường trở về với nhân dân, dân tộc, gắn bó máu thịt với cuộc sống của nhân dân mới là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho văn hóa dân tộc phát triển. Lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn theo tinh thần biện chứng, chủ trương văn hóa soi đường cho quốc dân đi, kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến là sự vận dụng sáng tạo chủ trương coi văn hóa như một bộ phận của cuộc cách mạng xã hội, vừa có tính chất then chốt, mở đường, vừa là một bộ phận không thể tách rời của cuộc cách mạng xã hội.
Bao trùm lên tất cả là tính chất cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới, được định hướng ngay từ khi nó chưa được xác lập, chưa thật rõ hình hài nhưng những cái mới của nó đã hé lộ, sức sống của nó ngay từ những buổi đầu tiên đã được khẳng định và nó đã đáp ứng được những yêu cầu của cuộc cách mạng xã hội vì dân tộc, vì nhân dân. Chính vì thế mà tương lai của những tư tưởng lớn ấy, những định hướng ấy đã bám rễ vào đời sống và chứng tỏ sự đúng đắn ngay từ những buổi đầu.
ĐỊNH HƯỚNG ĐỂ SÁNG TẠO VÀ HÀNH ĐỘNG
Coi văn hóa là một mặt trận và sức sống của nó chỉ có thể được khẳng định trong những thử thách ở đời sống, Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã hơn một lần nhấn mạnh đến sự cần thiết, tính chất “cách mạng”, “mới” của nền văn hóa đi liền với cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Và chỉ có hoàn thành cuộc cách mạng này thì cách mạng xã hội mới được coi như thành công. Trong những năm tháng ấy, đánh giá về vai trò to lớn và sự cần thiết của văn hóa với đời sống xã hội là một bước tiến lớn về nhận thức của Đảng đối với văn hóa dân tộc.
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã nêu ra những “nhiệm vụ cần kíp” của những nhà văn hóa Mác xít trong thực tiễn là bằng mọi cách “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái hóa, nô dịch, văn hóa ngu dân và văn hóa phỉnh dân” để “phát huy văn hóa dân chủ”, trong đó “tranh đấu về học thuật, tư tưởng” (các trường phái triết học sai lầm “có ảnh hưởng tai hại”... và phải khẳng định được vai trò của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đấu tranh về “tông phái văn nghệ”, làm cho “xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”, về tiếng nói, chữ viết, phối hợp trên các lĩnh vực bí mật và công khai, tuyên truyền, xuất bản, tổ chức các nhà văn, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng v.v.. Tính chất trực diện, cách thức vận động và những nội dung được nêu ra rất cụ thể. Như đã trình bày ở phần đầu, do quan niệm mà các lĩnh vực tư tưởng, học thuật, sáng tác văn nghệ được Đề cương nêu lên hàng đầu. Ở phần cuối này, những lĩnh vực ấy cũng được nhắc lại, trong đó nêu yêu cầu đấu tranh về trường phái, xu hướng (trong văn bản gọi là tông phái) phải được đặt lên hàng đầu, phải giải quyết từ cơ sở tư tưởng, cơ sở triết học làm nền tảng cho những học thuyết, trường phái ấy. Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đặt vấn đề đấu tranh với những quan điểm duy tâm, siêu hình, những xu hướng thần bí, tắc tị trong văn chương, đấu tranh về tông phái văn nghệ là hoàn toàn căn cứ vào tình hình thực tiễn của đời sống văn học-một phương tiện có tác động khá trực tiếp đến đời sống tinh thần của xã hội.
Bài học lớn nhất, bao trùm và xuyên suốt từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay là Đảng ta đã đưa ra được một cương lĩnh về một nền văn hóa tập trung cho nhiệm vụ cứu quốc và mục tiêu ấy đã thành công. Gắn bó với đời sống dân tộc, với những nhiệm vụ chính trị, xã hội xuyên suốt gần một thế kỷ tồn tại, nhiệm vụ cứu quốc, kháng chiến, kiến quốc, mở đường cho những phong trào yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nền văn hóa Việt Nam từ sau 1945 đến nay đã đóng góp một phần quan trọng vào lịch sử đương đại.
Nếu chỉ nhìn nhận văn bản như là sự chuẩn bị trong đêm trước của cuộc cách mạng xã hội đã thấy tính chất thực tiễn và khoa học của cách tiếp cận vấn đề mà nếu nhìn lại lịch sử 80 năm ra đời và tác động đến đời sống của những quan điểm văn hóa này mới thấy hết tầm nhìn xa trông rộng của những tư tưởng lớn về văn hóa, có tính chất khai phóng cho sáng tạo và hành động, khả năng tập hợp lực lượng, nhất là đội ngũ trí thức. Lướt qua những giai đoạn phát triển, đổi thay của 80 năm qua, nhìn lại những quan điểm lớn nhất của Đảng về văn hóa mới thấy hết những minh triết của cách tiếp cận vấn đề, tính thực tiễn và khoa học của những luận điểm được nêu ra trong Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 với sứ mệnh lịch sử đặc biệt. Tư tưởng vì dân tộc, đại chúng với một thái độ khách quan, đúng đắn của một nhãn quan khoa học luôn có sức hút, sức hấp dẫn và khả năng quy tụ trí thức tâm huyết với đất nước ở bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử.