Thông qua một số bộ phim đề tài xưa và nông thôn, khán giả như được trở lại với những khoảnh khắc thong thả, sống chậm để tạm quên đi nhịp sống ồn ào, tất bật của cuộc sống thực tại...
CÁNH ÉN LÀM NÊN MÙA XUÂN
Mấy năm nay, đề tài xưa và nông thôn chỉ chiếm số lượng khá khiêm tốn trong danh sách phim điện ảnh và truyền hình mới “ra lò”. Được xem là “đặc sản” bởi số lượng ít, nhưng đáng kể hơn cả là chúng luôn tạo được hiệu ứng tích cực từ giới chuyên môn và công chúng, có chất lượng và doanh thu bán vé (điện ảnh) hoặc chỉ số rating khán giả (truyền hình) khá cao.
Cảnh trong phim Duyên định kim tiền
Mấy tháng gần đây đã và đang có kha khá phim đề tài xưa và nông thôn ra mắt như Mẹ chồng, Tơ hồng vương vấn, Thương nhớ ở ai, Thế thái nhân tình, Duyên định kim tiền, Cô Thắm về làng phần 3, Mộng phù hoa, Về quê ăn Tết… Trong đó, tạo được “cơn sốt” khán giả là Thương nhớ ở ai với bối cảnh nông thôn Bắc bộ những năm 1954-1975; Mẹ chồng lấy bối cảnh giả định những năm 1950 ở Nam bộ… đã thu được hơn 40 tỷ đồng, lọt top phim Việt có doanh thu tốt của năm 2017. Cô Thắm về làng phần 3 phát sóng dịp Tết Mậu Tuất 2018, với câu chuyện liên quan đến giới trẻ thời nay trong việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống ở miền Tây Nam bộ là sự tiếp nối của hai phần đầu đều đạt được rating kỷ lục và lượt xem “khủng” trên Youtube. Mộng phù hoa có kịch bản được cảm tác theo cuộc đời có thật của Ba Trà - một trong số “đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn” và những Bạch công tử, Hắc công tử ở giai đoạn 1930 - 1940 để tái hiện lại một Sài Gòn xưa nhưng những câu chuyện chứa đựng trong đó vẫn còn giá trị đến ngày nay, cũng tạo được sự quan tâm lớn từ phía khán giả màn ảnh nhỏ.
Cảnh trong phim Cô Thắm về làng phần 3
Dù chỉ là vài “cánh én” nhưng vẫn làm nên mùa xuân. Bên cạnh một số tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh vẫn tiếp tục chuyển thể lên phim, ngay từ đầu năm nay, sau thành công của Thương nhớ ở ai, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã bắt tay vào chuẩn bị thực hiện hai phiên bản điện ảnh và truyền hình có kịch bản dựa trên tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đạo diễn Phương Điền đang làm hậu kỳ cho phim truyền hình Giông bão có kịch bản chuyển thể từ vở kịch nổi tiếng Lôi vũ. Tròn 20 năm trước, bộ phim truyền hình Đất rừng phương Nam do TFS sản xuất, có kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học của Đoàn Giỏi, đã gây ấn tượng sâu đậm với nhiều thế hệ khán giả. Vào tháng ba năm nay, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sẽ khởi quay những thước phim mới cho phiên bản điện ảnh Đất rừng phương Nam. Năm ngoái, đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh từng tạo được ấn tượng với phim Lô tô có câu chuyện kể về số phận nghệ sĩ hát hội chợ xưa, hiện nay anh đang “cầm trịch” cho phim Gạo chợ nước sông được phóng tác từ truyện Cuối mùa nhan sắc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, mượn câu chuyện về đào kép và những tình huống “kịch giả tình thật” để nói về thân phận người nghệ sĩ cải lương xưa. Cũng khai thác về góc khuất sau ánh đèn sân khấu trong giới cải lương tuồng cổ, đạo diễn Việt kiều Leon Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân sẽ ra mắt bộ phim Song lang vào tháng 5 tới…
MẠCH NGẦM BỀN BỈ CHẢY
Trong bối cảnh phim về đề tài xã hội hiện đại đang rơi vào tình trạng bội thực và có phần nhàm chán, thì dòng phim đề tài xưa và nông thôn tuy không tạo nên làn sóng mạnh mẽ nhưng như mạch ngầm len lỏi chảy mãi và vẫn có được số lượng khán giả đáng kể. Cũng như Bolero đã và đang thịnh hành, những câu chuyện xưa, những bối cảnh cũ và nông thôn thanh bình luôn là những ký ức đẹp, đã trở thành hoài niệm gây thương nhớ cho nhiều người xa quê đang sống trong xã hội hiện đại quá ồn ào. Khán giả thích xem phim đề tài xưa và nông thôn còn bởi những giá trị nhân văn truyền thống, sự mộc mạc và chân thành, tình làng nghĩa xóm, lòng người bao dung hay đơn giản là thích cách cư xử ở đời nhẹ nhàng, tinh tế… mà đem áp dụng vào xã hội thời nay vẫn có ý nghĩa trọn vẹn. Chính sự ủng hộ của khán giả đã góp phần củng cố niềm tin cho các nhà sản xuất và đạo diễn đã dũng cảm chọn lối đi riêng.
Cảnh trong phim Thế thái nhân tình
Nói như vậy cũng là bởi như chia sẻ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh thì hiện nay làm phim về thời xưa và nông thôn là vô cùng khó khăn và không đơn giản, vì chi phí cho phục trang, đạo cụ, bối cảnh đều rất tốn kém, mà sai sót một chút là bị phê phán, trong khi kinh phí sản xuất vẫn chỉ theo mức chung, nên thường phải “liệu cơm gắp mắm”. Do ở ta hầu như chưa có phim trường chuyên nghiệp, nên chỉ riêng việc tìm kiếm bối cảnh đã vô cùng vất vả. Khi quay Thương nhớ ở ai, đoàn làm phim đã phải đến 18 ngôi làng khác nhau ở nông thôn Bắc bộ. Sau đó phải mất nhiều tháng ròng rã để xử lý hậu kỳ, làm kỹ xảo che lấp các chi tiết của đời sống hiện đại như đường bê tông, nhà cao tầng, dây điện…không thể tránh được trong hơn 2000 cảnh quay. Để không phải mất nhiều công xử lý dây điện, đường bê tông…đoàn làm phim Tơ hồng vương vấn của TFS đã huy động hơn 100 diễn viên quần chúng, thuê những chiếc xe cổ và xe ngựa… tái dựng hẳn một bối cảnh chợ xưa có kẻ bán người mua, xe cộ đi lại…trong phim trường Hòa Phú ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).
Do không đủ kinh phí đầu tư kỹ xảo, hầu hết các phim đề tài xưa và nông thôn vẫn phải tận dụng không gian thật từ các kiến trúc cũ, nhà cổ, đình chùa… và hạn chế quay cảnh ngoại, đại cảnh, chỉ tập trung vào cảnh nội. Theo nhà sản xuất phim Mộng phù hoa thì bối cảnh nông thôn dù sao cũng dễ tìm hơn việc tái hiện không gian đô thị xưa. Bởi vậy, đoàn phim Mộng phù hoa đã phải lùng sục khắp nơi để tìm những dấu vết xưa và góp nhặt từng chút một. Đó là những căn biệt thự thời Pháp thuộc ở Đà Lạt, những làng quê xa xôi ở các tỉnh Nam Bộ như Đồng Tháp, Bình Dương...Thậm chí, họ còn tái dựng hẳn một khu phố người Hoa với bối cảnh đường phố Chợ Lớn xưa... “Chúng tôi thực hiện bộ phim trong nhiều cảm xúc về một Sài Gòn xưa. Trong điều kiện sản xuất phim truyền hình hiện nay thì sẽ có những sai sót nhất định. Nhưng tôi hi vọng khán giả sẽ đón nhận Mộng phù hoa bởi sự mới mẻ mà phim mang lại” - đạo diễn Bùi Nam Yên chia sẻ.
Cảnh trong phim Tơ hồng vương vấn
Ngoài ra, việc tìm diễn viên phù hợp để đóng phim đề tài xưa và nông thôn cũng không dễ. Đoàn làm phim Giông bão từng ra thông báo tìm người có vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc… do phần lớn diễn viên hiện nay đều có qua chỉnh sửa thẩm mỹ ít nhiều. Như chia sẻ của Quỳnh Lam - người được đặt biệt danh “nữ hoàng phim xưa” thì nhiều lần cô phải đấu tranh tư tưởng để không đi thẩm mỹ. Đã vậy, diễn viên đóng phim xưa và nông thôn cũng phải chịu vất vả gấp nhiều lần so với đóng phim hiện đại, do phải di chuyển nhiều nơi, thời gian quay kéo dài, lại phải tập tành đi đứng, nói năng, diễn xuất… cho ra “chất” nhân vật khá khắt khe. Nhưng bù lại, đấy là cơ hội để họ khẳng định tên tuổi và diễn xuất, không bị trộn lẫn với số đông đóng phim đề tài hiện đại.
Nói chung, phim đề tài xưa và nông thôn vẫn sẽ còn là “đặc sản” của phim Việt. Bởi có muốn sản xuất ồ ạt cũng khó, hơn nữa cái gì nhiều quá sẽ lại khiến khán giả cảm thấy bị nhàm - một nhà sản xuất của các phim đề tài xưa và nông thôn như Sông dài, Hai khối tình…kết luận! Song chắc chắn điều cốt lõi là làm sao để tuy ít mà phim đề tài xưa và nông thôn mỗi lần “ra lò” đều gây được “thương nhớ” thực sự trong lòng khán giả.
Đan Khanh