Là phần tiếp theo của bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Đi tìm Nemo" (Finding Nemo), "Đi tìm Dory" (Finding Dory) cũng phát triển chủ đề về hành trình đi lạc và trở về theo cách vừa thân quen, vừa mới lạ.
Đi tìm Dory giúp Pixar và Disney gặt hái thành công lớn khi trở lại với đại dương huyền ảo
Hành trình tìm đường về nhà của một "cô" đãng trí
Năm 2003, chú cá hề bị tật một bên vây Nemo sau khi mang về cho xưởng Pixar một tượng vàng Oscar đã lập kỉ lục ngoạn mục về doanh thu, vượt qua chú sử tử Simba trong Vua sư tử (The Lion King) để trở thành phim hoạt hình đạt doanh thu cao nhất lịch sử tại thời điểm đó.
Ở thời điểm Đi tìm Dory ra mắt (Finding Dory), phần đông những khán giả đầu tiên của Đi tìm Nemo đã trưởng thành sau 13 năm kể từ ngày được cha mẹ đưa ra rạp, và Nemo cũng trở thành kí ức tuổi thơ của nhiều người lớn. Họ đã phải chờ 13 năm để theo dõi phần tiếp theo của Đi tìm Nemo. Khoảng thời gian dài ấy giúp thế giới đại dương của những Nemo, Merlin và Dory có thêm rất nhiều fan. Họ lớn lên và nay muốn chia sẻ không gian màu nhiệm ấy với con cái mình.
Cô cá Dory duyên dáng nhưng mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn
Nội dung của phim hơi ngược với tựa phim một chút, không phải những sinh vật biển khác đi tìm Dory như hồi của Nemo, mà Dory sẽ phải thực hiện quá trình tái tạo kỉ niệm thông qua việc tìm đường về nhà với cha mẹ. Từ khi sinh ra Dory đã mắc chứng bệnh mất trí nhớ ngắn hạn, khiến cô gần như quên ngay lập tức những gì vừa xảy ra. Và rồi một ngày nọ, khi mải rong chơi thì Dory đã bị lạc mất cha mẹ. Nhờ sự giúp đỡ của cha con Nemo và chú bạch tuộc Hank trong Viện Hải dương học thì Dory đã trải qua một chuyến phiêu lưu đáng nhớ trên chuyến hành trình dũng cảm tìm đường trở về bên người thân.
Điểm khác biệt giữa Đi tìm Dory và Đi tìm Nemo
Trên phương diện một bộ phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, Đi tìm Dory làm tốt không kém Đi tìm Nemo nhờ cốt truyện đơn giản, dễ hiểu, chủ đề mạch lạc và màn kết vỡ oà trong niềm hạnh phúc, vui sướng tột cùng. Thế giới sinh động dưới dòng đại dương tiếp tục được tái hiện muôn màu, muôn vẻ khiến các bạn nhỏ dán mắt vào màn hình.
Nhưng phần bất ngờ của Đi tìm Dory lại nằm ở phương diện khác và thông điệp của bộ phim có chiều sâu hơn. Hành trình ngược dòng thời gian tìm về tuổi thơ của Dory sẽ khiến không ít người lớn trong chúng ta đồng cảm vì những suy ngẫm “già đời” được chuyển tải theo cách đáng yêu mà Pixar mang lại.
Cha mẹ Dory đã yêu thương, làm mọi việc để cô con gái mắc chứng hay quên của mình không mặc cảm, nỗ lực dạy từ chi tiết để Dory tồn tại. Dù đôi lúc, mẹ Dory thổn thức, lo lắng khi nghĩ đến cảnh con mình có thể bị lạc nhưng trước mặt con gái, bà luôn lạc quan, truyền niềm tin cho con.
Cha mẹ dory rất yêu thương cô
Chính kí ức tươi đẹp này cũng là phương thuốc diệu kì giúp Dory thi thoảng giật mình nhớ ra vẫn có gia đình như bao người. Cô cũng có được sự yêu thương vô bờ bến của đấng sinh thành.
Những thông điệp ẩn trong phim hoạt hình này quan trọng nhất là giá trị bản thân, Dory tìm được cha mẹ mình là tìm được giá trị bản thân. Cô vốn mặc cảm vì căn bệnh của mình, luôn bắt đầu giao tiếp bằng câu “tôi xin lỗi” nhưng lấy dần sự tự tin rằng mình có giá trị qua từng chặng hành trình về nhà.
Dory đã khắc phục được bản thân qua những lần giải cứu đồng đội như cá voi Bailey, cá mập trắng Destiny và bạch tuộc Hank... Trí nhớ ngắn hạn lúc này bỗng trở thành lợi thế của Dory khi cô có thể phá bỏ giới hạn về những điều đã biết, chốc chốc lại xoá sạch như một chiếc ổ cứng được định hình lại từ đầu.
Những người bạn cùng đồng hành với Dory
Sáng tạo đến từ những ý nghĩ đầu tiên, như một đứa trẻ ngây ngô luôn nghĩ ra lời giải cho bài toán theo lối bất ngờ nhất. Đó chính là lí do khiến cho người lớn ít nhất một lần mong mình trở thành Dory: được xoá bỏ và làm lại từ đầu.
Đồ họa đẹp mắt - Nhạc phim có ý nghĩa
Hãng phim Pixar luôn biết đầu tư đúng mức cho bộ phim mà họ làm ra khi hình ảnh trong phim khiến người xem cảm thấy mãn nhãn. Đồ họa cực đẹp từng chi tiết, hình ảnh trong trẻo, phơi bày thế giới lung linh, đầy màu sắc dưới đáy đại dương, những đàn cá trông sống động như thật...
Vì thông điệp của Đi tìm Dory hơi "già đời" nên hai bài hát chính của phim mang âm hưởng nhạc jazz của thập niên 1960. Ca khúc Unforgettable của Nat King Cole vang lên trong chương kết của cuộc hành trình đáng nhớ mà rất có thể Dory sẽ lại quên. Trong khi đó, What a Wonderful World của Louis Amstrong được lồng làm nền cho trường đoạn đáng nhớ nhất của bộ phim, tháo mở toàn bộ các nút thắt.
Thế giới đại dương sắc nét đến từng chi tiết trong Đi tìm Dory
Tinh thần “thế giới tuyệt vời” của huyền thoại nhạc jazz thuở nào nay được tung lên bầu trời xanh trước khi tan vào lòng đại dương. Đó là thế giới mà Dory đã vượt qua cả ngàn dặm sâu để tìm kiếm, là đích đến của hành trình trở về mà cô đã dũng cảm hoàn thành vào phút cuối.
Just keep swimming (Hãy cứ bơi đi) là thông điệp nhất quán mà Pixar muốn gửi gắm thông qua hai bộ phim Đi tìm Nemo và Đi tìm Dory. Sau 13 năm kể từ ngày chú cá hề Nemo trở thành người bạn tuổi thơ của không ít trẻ nhỏ, cô cá Dory đãng trí sẽ tiếp tục truyền cảm hứng “bơi tiếp, bơi mãi” đến “thế giới tuyệt vời” cho hàng triệu khán giả bất kể mọi lứa tuổi.
Đón xem bộ phim hoạt hình "Đi tìm Dory" (Finding Dory) phát sóng lúc 17g55 ngày 8/6 và 15g15 ngày 16/6 trên kênh HBO thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.
Giao Huỳnh