Chịu khó đi xa để có được những bối cảnh đẹp không chỉ làm nền cho câu chuyện phim thêm hấp dẫn, mà còn giúp cho khán giả cảm nhận được phong cảnh Việt Nam đẹp và đặc sắc như thế nào.
Có rất nhiều bộ phim truyền hình dài tập đã góp phần đưa khán giả du lịch qua nhiều vùng, miền đất nước thông qua cảnh quay ngoại tuyệt đẹp. Trong đó, Lâm Đồng với những ngôi biệt thự cổ, hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm ở hay những cánh đồng hoa, cánh đồng rau, đồi chè bát ngát, những con đường uốn khúc bên rừng thông, những con suối hoang sơ… đã trở thành đại phim trường của hàng trăm phim truyền hình như: Biệt thự Pensée, Biệt thự hoa hồng, Vẫn có em bên đời, Hoa cúc vàng trong bão, Tỷ phú tưng. Và “phim trường thiên nhiên” này vẫn còn đủ rộng, đủ hấp dẫn để các đoàn phim khám phá những cảnh đẹp đặc sắc khiến khán giả phải ngỡ ngàng, mê mẩn.
Đà Lạt trong phim "Tỷ phú tưng"
Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Yên, Ninh Thuận, Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh… dù điều kiện địa lý cách trở cũng trở thành “phim trường thiên nhiên” lý tưởng của nhiều đoàn làm phim truyền hình. Ví như Tuổi thanh xuân đã có nhiều cảnh quay ở Đà Nẵng với bờ biển trải dài trước mặt và sau lưng là những dãy núi hùng vĩ của bán đảo Sơn Trà. Dấu chân du mục có khung cảnh về vùng hoang mạc cát Ninh Thuận hiện lên đẹp và thơ mộng với những bãi cát trải dài như vô tận, đàn bò cả trăm con lững thững dạo chơi, những đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ, những cánh đồng muối trải dài, cánh đồng nho xanh mượt mà, đồi hoa bằng lăng tím ngắt.
Người đứng trong gió thì đem đến cho khán giả những cảnh quay đẹp mang đậm chất cao nguyên quay ở Buôn Ma Thuột, hay ở những cánh rừng nguyên sinh của Nam Cát Tiên (Lâm Đồng). Mật danh Rocker có đến hơn 50% cảnh quay tại vườn quốc gia Yok Don với rừng già nguyên sinh hiện lên giữa bạt ngàn mây và núi khiến cảnh sắc trên phim vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.
Vườn quốc gia Yok Don trong phim "Mật danh Rocker"
Nhiều bộ phim có đề tài nông thôn, đề tài xưa, hay câu chuyện về các làng nghề truyền thống như Cù lao lúa, Mắt lụa, Khúc tương tư, Ra giêng anh cưới em… chọn miền Tây Nam bộ làm phim trường với những cù lao lúa thẳng cánh cò bay, những vườn cây ăn trái sum sê nằm bên dòng sông lững lờ lục bình trôi, những ngôi nhà cổ ở Gò Công Tây (Tiền Giang) hay Bình Thủy (Cần Thơ), những cánh đồng sen thơm ngát của Đồng Tháp, chợ nổi trên sông ghe xuồng tấp nập. Phú Quốc, Hà Tiên (Kiên Giang), Cà Mau và cả đảo Lý Sơn cũng được một số đoàn phim như Đảo Ngọc huyền bí, Cây nước mắt lặn lội đến để ghi hình.
Biển Phan Thiết trong phim "Vẫn có em bên đời"
Thông thường các đoàn làm phim chọn bối cảnh quay chính có địa điểm, đặc trưng vùng miền, ngành nghề phải phù hợp với câu chuyện phim. Như Mặn hơn muối kể về cuộc sống của diêm dân thì xuống Long Hải (Bà Rịa- Vũng Tàu) hay ra Phan Rang (Ninh Thuận) - nơi có các cánh đồng muối trải dài; Mắt lụa kể về nghề làm lụa thì về Tân Châu (An Giang) – nơi vẫn còn làng nghề nổi tiếng; Hoa cúc vàng trong bão có câu chuyện về chế biến trà xanh, nên chọn Lâm Đồng với những đồi trà bát ngát… Tuy nhiên, nhiều năm phải lấy thiên nhiên làm phim trường phục vụ cho hàng ngàn tập phim, đặt các ê kíp làm phim vào áp lực là phải tìm kiếm được những bối cảnh quay mới, tránh bị trùng lặp khi có nhiều bối cảnh quen thuộc đã bị hết đoàn phim này đến đoàn phim khác “cày nát”.
Chưa kể, đi quay phim ở xa không chỉ tốn kém kinh phí hơn mà đoàn phim còn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, thiếu thốn cơ sở vật chất trong sinh hoạt rồi việc di chuyển, đi lại của mấy chục con người cùng máy móc, thiết bị phải mất rất nhiều thời gian. Điều kiện thời tiết, nắng gió, mưa bão, thiên nhiên khắc nghiệt cũng gây không ít ám ảnh đối với các đoàn phim đi quay ở những nơi xa xôi.
Miền Tây Nam bộ trong phim "Đất mặn"
Đằng sau những cảnh quay tuyệt đẹp mang dấu ấn của miền đất còn hoang sơ trong phim Dấu chân du mục, ít ai biết đoàn phim đã phải “chiến đấu” rất vất vả với thời tiết khắc nghiệt ở vùng hoang mạc Ninh Thuận, thời gian đầu vì không chịu nổi nên họ thay nhau lăn ra ốm, diễn viên cũng ngất lên ngất xuống khi quay giữa trời nắng nóng khô rang, gió thổi rát mặt. Đóng đô suốt ba tháng ở Đà Lạt, Người chồng điên có được những bối cảnh phim thơ mộng và đa dạng từ nhà phố, dốc đèo, suối, hồ, rừng thông, vực thẳm cho đến những cánh đồng hoa, trang trại, đồi chè…
Để tìm nét độc đáo cho phim, đạo diễn không chọn những cảnh trí Đà Lạt quen thuộc, mà cùng đoàn phim vào tận thung lũng hoang vắng, sườn đồi cheo leo để tìm kiếm ngôi nhà dân dã nép mình bên những cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt. Và đoàn phim phải cất công di chuyển, bê vác các vật dụng nặng cả trăm kg của phương tiện làm phim, đi bộ qua những con đường mòn chỉ có đất đỏ và đá, sỏi hay phải leo đồi, lội suối để đến được địa điểm quay.
Hiện trường quay phim Dấu chân du mục ở Ninh Thuận
Nhìn chung, phim ảnh luôn có sức khơi gợi và lan tỏa rất mạnh. Những bộ phim truyền hình có nội dung hay, diễn xuất tốt lại cộng hưởng với bối cảnh đẹp, nhất định sẽ gây được ấn tượng đẹp với đông đảo khán giả.
Đan Khanh