Điểm lại các phim tài liệu về ngày 30/4/1975 của TFS trong 45 năm qua

Nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2020), mời quý độc giả cùng điểm lại một vài câu chuyện xoay quanh chiến thắng năm 1975 tại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua các bộ phim tài liệu của TFS.

Kết thúc chiến tranh Việt Nam 

Bộ phim khắc họa một cách cô đọng cuộc chiến tranh Việt Nam của đế quốc Mỹ, cùng những diễn biến thế trận diễn ra tại Sài Gòn trong 5 ngày cuối cùng của cuộc chiến (26/4/1975 - 30/4/1975). Bộ phim đã thể hiện rất xuất sắc khi chọn lọc phân tích những chi tiết quan trọng của thời khắc lịch sử 30/04/1975. Bằng những phân tích, đánh giá khách quan của những phóng viên chiến trường nước ngoài, những tướng lĩnh của các bên tham chiến, cùng những hình ảnh tư liệu quý, sống động. 

 Những người lính Giải phóng đang vui sướng và phất cao lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, sau khi có mặt tại Dinh Độc Lập (Ảnh: Bettman)

Có thể nói, trong danh mục gần 2.500 tập phim tài liệu, TFS đã dành phần nhiều tập phim để nói về chủ đề chiến tranh Việt Nam, những con người góp phần làm nên lịch sử và chưa dừng lại ở con số 300 tập phim. Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy rằng, khó có thể kể hết được những cống hiến thầm lặng của dân và quân ta cho ngày vui đại thắng 30/4/1975. Bởi vậy, 45 năm ngày Giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước cũng là dịp quan trọng để mỗi người dân Việt Nam chúng ta cùng nhìn lại, và biết ơn những chiến sĩ, anh hùng, thế hệ cha ông đi trước đã anh dũng chiến đấu, hi sinh cả tính mạng để mang lại nền hòa bình cho dân tộc. 

Việt Nam chiến thắng

Sẽ là một thiếu sót nếu nói về cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam mà không nói về những người bạn nước ngoài tham gia đưa tin, phản ánh chiến tranh Việt Nam. Nhờ các hình ảnh và bài viết của họ mà thế giới hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh khốc liệt và phi nghĩa của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Với chủ đề này, TFS đã có những bộ phim tài liệu như: Những người bạn Pháp, Bà Madeline Riffaud với Việt Nam, NDN với Việt Nam (NDN là viết tắt của Hãng truyền hình báo chí NIHON DENPA NEWS Nhật Bản)… Trong số đó có Việt Nam chiến thắng – một bộ phim tường thuật lại những tình cảm mà nhà báo Wilfred Burchett, một nhà báo Úc đã dành cho Việt Nam. 

Ông đã “đồng cam cộng khổ” cùng với lực lượng quân Giải phóng một thời gian dài tại chiến trường miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước và những ngày đầu sau giải phóng ở chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1968, Burchett đã cho xuất bản cuốn sách "Việt Nam chiến thắng" khi Hoa Kỳ chấp nhận đàm phán với Việt Nam dân chủ Cộng hòa tại Paris. Ông đã lý giải một nước nông nghiệp lạc hậu, nhỏ bé, lại có thể đương đầu với một cường quốc quân sự khổng lồ đang sở hữu vũ khí hạt nhân. 

 Nhà báo Wilfred Burchett phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với Burchett, Việt Nam đã trở nên gần gũi ngay trong lần đầu ông đến Việt Bắc. Ông cảm thấy mình may mắn được gặp những người bạn, những người anh em thân thiết, dù ở miền Bắc hay ở trong bưng biền Nam bộ. Trong hành trình gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Burchett đã để lại một di sản lớn về những gì mà ông đã chứng kiến. Những bài báo, cuốn sách, những bộ phim phản ánh đầy đủ, trung thực, sâu sắc cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Niềm tin Việt Nam chiến thắng vẫn luôn ở bên ông.  

Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi của thế kỷ XX.

Giờ đây, 45 năm mùa xuân đã đi qua, bao vết tích thời gian đã phai mờ, nhưng dù ở đâu, mỗi người dân Việt đều tự hào về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, biểu trưng của một Việt Nam năng động, trẻ trung, đầy lòng mến khách. Thành phố Hồ Chí Minh với lịch sử hào hùng, đang cùng cả dân tộc kết vòng tay lớn bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, thịnh vượng, phát triển và phồn vinh.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - sự lựa chọn của lịch sử  

Với cương vị người đứng đầu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Luật sư đã lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng Liên Minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam tập hợp, đoàn kết, động viên quân và dân miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang, chính trị, ngoại giao, binh vận gay go và ác liệt vào bậc nhất trong thế kỷ XX, chống đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền Sài Gòn theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” và đã giành được thắng lợi hoàn toàn, đất nước thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà.

Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng 

Ông thầu khoán biệt động Sài Gòn

Một câu chuyện về anh hùng biệt động Trần Văn Lai trong vai nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, nhận trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập. Tại một cơ quan đầu não của chế độ Sài Gòn, các tin tức do ông điều tra tình hình và báo cáo về Quân khu đều có giá trị. Và chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã mua và xây dựng trên 20 cơ sở bảo đảm có khả năng vừa cất giấu vũ khí, vừa giấu cán bộ hoạt động bí mật, để tấn công vào Dinh Độc Lập.


Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai

Là một cán bộ hoạt động đơn tuyến trong thời kháng chiến chống Pháp, và là một chiến sĩ biệt động thời kháng chiến chống Mỹ giữa thành phố Sài Gòn, ông Trần Văn Lai đã dành hết cuộc đời mình để phục vụ Cách mạng. Khi thực hiện nhiệm vụ, dù khó khăn đến mấy, dù nguy hiểm thế nào, vị thầu khoán Mai Hồng Quế cũng không so đo, tính toán, bởi ông hiểu được, cái giá phải trả cho độc lập dân tộc là vô cùng lớn lao.

Những khoảnh khắc đời người

Đó là câu chuyện về một Chuẩn tướng trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa – Nguyễn Hữu Hạnh, người có 29 năm trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa đồng thời cũng là người với tư cách là đại diện của Bộ Tổng tham mưu, ngày 30/04/1975 tại Dinh Độc Lập đã ra lệnh cho quân đội Sài Gòn hạ vũ khí. 

 Ông Nguyễn Hữu Hạnh 

Quyết định và hành động của ông trong thời khắc lịch sử trọng đại ấy đã gây cú sốc bất ngờ và thú vị cho nhiều người. Làm thế nào để chọn cho mình một con đường đi đúng? Đối với ông và nhiều quân nhân chuyên nghiệp khác lúc đó, lội ngược dòng không phải là chuyện dễ làm. Và dù có muốn, cũng không dễ dàng có những cơ hội. Và ông đã làm được.

Khánh Phương