Điện ảnh đã phá bĩnh khoa học như thế nào? (P1)

Công chúng thường băn khoăn liệu điện ảnh có nên tuân thủ các định luật khoa học căn bản, đặc biệt với những tình huống diễn ra trên Trái đất. Thế nhưng, chúng ta cũng đừng đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối hay hiện thực tuyệt đối, vì nghệ thuật thứ bảy là vùng đất của trí tưởng tượng.

Chúng ta sẽ không có phi thuyền USS Enterprise, xe vượt thời gian DeLorean DMC-12, Cảnh sát người máy Alex J. Murphy hay mặt trăng Pandora lạ thường, nếu muốn giới hạn trí tưởng tượng của giới làm phim.

BẠN CÓ THỂ CHẠY THOÁT T-REX

Với thân hình khổng lồ, những cơ bắp cuộn chắc mạnh mẽ, khủng long Tyrannosaurus Rex từng là kẻ thống trị của tất cả loài săn mồi đỉnh cao. Chúng đủ sức đập vỡ tường, quật ngã kẻ địch, ngoạm lấy con mồi. Nói đơn giản hơn, nếu chúng muốn bạn chết, bạn sẽ chết. 

Điện ảnh đã chứng thực điều này. Rất nhiều bộ phim khắc hoạ cảnh T-Rex đuổi theo nhân vật, chỉ sau một bước chân đã bắt kịp nạn nhân và giúp họ siêu thoát. Phải thôi, ai có thể thoát khỏi cơn háu ăn cuồng nộ của chúng. Hollywood muốn bạn tin như thế, rồi cũng chính Hollywood, cụ thể là loạt phim Jurassic park (Công viên kỷ Jura), lại khiến bạn “ngã ngửa”. Đạo diễn lừng danh Steven Spielberg nhiều lần cho nhân vật chạy bán sống bán chết trước mũi con quái vật, và thoát thân. Vậy bên nào mới đúng?

Cảnh trong phim "Jurassic Park"

Dựa trên nghiên cứu về các mẫu xương T-Rex hóa thạch, những chuyên gia khủng long khẳng định, bạn hoàn toàn có thể chạy thoát T-Rex chỉ với tốc độ chạy trung bình. Mỗi người trưởng thành trong các bộ phim khủng long thừa sức bỏ xa hàm răng khủng khiếp kia nếu đừng vấp ngã giữa đường hay đứng lại kiểm tra điện thoại. Giới khảo cổ đã ước tính, tốc độ tốt nhất của T-Rex vào khoảng 20 km/giờ.

Nếu bạn nghĩ ý kiến trên vô lý, rất có thể Hollywood đã tiêm nhiễm bạn thành công. Xem nào, động vật có kích thước càng lớn, lực hấp dẫn tác động lên chúng càng nặng nề. Chúng mất khá nhiều thời gian để tăng tốc. Chúng không có cấu trúc xương như báo hay chó săn mà chạy bổ vào con mồi. Chúng thường nhắm vào những động vật chậm chạp, nặng nề khác, và ngay cả thế thì khả năng thành công cũng tương đối thấp. Với T-Rex, nguồn thức ăn chủ yếu của chúng là giống khủng long ăn cỏ khổng lồ như Brachiosaurus, Triceratops… Ngẫm lại những sinh vật trên cạn to lớn nhất hiện nay, như voi, hà mã mà xem, rõ ràng, kích thước vượt trội là một bất lợi.

Từ nay, nếu đang đi dạo mà bất ngờ chạm trán T-Rex, bạn hết phải lo rồi nhé.

CHỚ TIN CÁC VỤ VƯỢT NGỤC

Trong điện ảnh, thoát khỏi nhà giam kín bưng là chuyện dễ như bỡn. Cứ tìm một chỗ để đào, khéo léo phi tang đất cát, rồi xoay sở thế nào để chui vào ống xả thải. Xong.

Tất nhiên, với các bộ phim kinh điển, The Shawshank redemption (Nhà tù Shawshank) chẳng hạn, quá trình này cần được miêu tả sao cho tinh vi hơn, thông thái hơn. Andy Dufresne mất đến 20 năm để tự giải thoát mình, cũng là 20 năm nghiên cứu về nơi đang giam giữ anh. Người anh hùng nhắm đến ống xả thải rộng khoảng 13 cm, rồi bò khoảng 500 m là giành được tự do. Đây là phân cảnh biểu tượng của phim, hành trình vinh quang của một con người muốn đòi lại công lý. 

Cảnh vượt ngục trong phim "The Shawshank redemption"

Đạo diễn Frank Darabont không khuyến khích bạn thử nghiệm điều này tại nhà, hay tại phòng giam mà bạn không may mắc kẹt, bởi nó sẽ dẫn đến kết cuộc thảm khốc. 

Không ai có thể sống sót khi bò qua một đường ống ngột ngạt. Hàng tá khí độc hại như Amoniac, Hydro sulfua, Mêtan... sẽ hoàn toàn chiếm chỗ Oxy. Trước khi tử vong vì ngạt thở, kẻ liều lĩnh còn phải chịu vô vàn đau đớn, mắt mù, da bỏng rát, tai ù... Mêtan sẽ giết nạn nhân trong vòng vài phút. Chẳng cần phải rơi vào một đường cống, tai nạn do Mêtan vẫn thi thoảng xảy ra ở hầm giữ xe, bãi chôn lấp, khe nứt công nghiệp... những nơi vốn thông thoáng hơn đôi chút. Từng có rất nhiều vụ vượt ngục qua ống dẫn hơi nước, ống thoát nước, các đường hầm nối cống rãnh, nhưng chưa phạm nhân nào đào thoát thành công nhờ một đường ống 13 cm chứa đầy chất thải. Năm 2003 tại Brazil, 13 phạm nhân phải bỏ mạng vì kế hoạch liều lĩnh như trên. Nhà chức trách khi ấy phải còn mượn đến cần cẩu để thu nhặt thi thể bởi khu vực ấy quá độc hại, không thể trực tiếp tiếp cận.

CHÚNG TA KHÔNG THỂ THU NHỎ, DÙ KHOA HỌC LÀM ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ HAY KHÔNG

Chưa, khoa học chưa đạt đến nấc thang này. Nhưng đây là điện ảnh, cũng phải cho đạo diễn, biên kịch tưởng tượng chứ.

À thì, phòng trường hợp bạn tìm ra cách thu nhỏ, muốn làm một chuyến phiêu lưu như Antman (Người kiến), hay Honey, I shrunk the kids (Cưng ơi, anh đã thu nhỏ các con)... lời khuyên là đừng bao giờ. 

Honey, I shrunk the kids quy tụ mọi điều bạn muốn về một tác phẩm phiêu lưu: làm bạn với côn trùng, bay trên một con ong, ăn uống thoả thuê giữa cái bánh vòng khổng lồ. Thợ cắt cỏ, vòi tưới cây trở thành đao phủ đến từ ngày tận thế. Sau 90 phút cận kề cái chết, vượt qua chướng ngại vật, những đứa trẻ trở nên đoàn kết, yêu thương nhau hơn bao giờ hết.

Cảnh trong phim "Honey, I shrunks the kids"

Các em bị thu nhỏ 10.000 lần, nghĩa là tế bào trong cơ thể nhân vật cũng giảm đi 10.000 lần, trong khi Oxy, nước, vô số các yếu tố, phân tử khác mà ta cần để tồn tại vẫn giữ nguyên kích cỡ. Nếu bạn đinh ninh rằng chúng sẽ giảm theo, thì không, kích cỡ là điều kiện để vật chất duy trì đặc tính. Do đó, nếu có một phân tử nước lớn gấp 10.000 lần mạch máu bạn, bạn “chết chắc”. Những biến động hết sức nhẹ nhàng trong đặc tính hoá học của tế bào hay chuỗi phân tử chung quanh cũng dẫn đến nhiều hậu quả thảm khốc, như khiến tế bào phát nổ, rút kiệt nước, hay thay đổi chức năng. 

Sự thật này có thể khiến những ai hâm mộ Honey, I shrunk the kids cùng ông bố kiêm nhà khoa học đại tài Wayne Szalinski vỡ mộng, nhưng thà thế còn hơn để bạn tin rằng chúng ta vẫn an toàn khi thu nhỏ hình dạng, hoặc tin bất cứ điều gì liên quan đến khoa học mà Hollywood tuyên bố.

Tất nhiên, điện ảnh không phải trường học. Miễn là họ kể một câu chuyện thú vị, những tình tiết khác có thể tạm bỏ qua. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu bạn nhận thức đúng đâu là hiện thực, đâu là điện ảnh, để tránh rơi vào những tình huống oái oăm mà phim ảnh cam đoan về mức độ thành công, như vượt ngục chẳng hạn.

Việt Hằng