Diễn viên đóng phim đề tài xưa: Chưa bao giờ là cũ!

Dù chỉ chiếm số lượng khiêm tốn trong loạt phim sản xuất hàng năm, phim đề tài xưa vẫn luôn thu hút khá đông khán giả. Và nhiều diễn viên trẻ đã được hưởng lợi khi tham gia đóng phim xưa, bởi “tuy xưa nhưng chưa bao giờ là cũ”.

Vân Trang trong phim “Lòng dạ đàn bà”

Tiên phong sản xuất dòng phim đề tài xưa là Hãng phim TFS của Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh với loạt phim truyền hình dài tập có kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học, trong đó chiếm số lượng lớn nhất là tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, có thể kể như: Người đẹp Tây Đô, Đất phương Nam, Tân Phong nữ sĩ, Khóc thầm, Tại tôi, Tình án, Ngọn cỏ gió đùa, Con nhà nghèo, Đò dọc, Vó ngựa trời Nam, Dưới cờ đại nghĩa, Lều chõng, Tơ hồng vương vấn… Trước sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo khán giả, sau đó nhiều nhà sản xuất khác cũng quan tâm đến dòng phim này, cho ra đời loạt phim như: Hai khối tình, Lòng dạ đàn bà, Luật trời, Khúc tương tư, Sám hối, Ải mỹ nhân, Đò xuôi vạn lý, Tiếng sét trong mưa, Thế thái nhân tình, Yêu trong đau thương, Dâu bể đường trần… 

Ngay ở thời điểm phim truyền hình nói chung rơi vào “khủng hoảng” thì các bộ phim đề tài xưa vẫn có được lượng khán giả khả quan. Bởi dòng phim này không chỉ được lòng lớp khán giả trung niên do đã khơi gợi trong họ những nỗi niềm hoài cổ, mà còn được lớp khán giả trẻ yêu thích vì sự khác lạ giữa “rừng” phim đề tài hiện đại na ná nhau. Mỗi bộ phim đề tài xưa không chỉ giúp khán giả phần nào hiểu biết về cuộc sống của thế hệ ông bà, cha mẹ xưa mà còn để lại nhiều bài học bổ ích về những nề nếp trong gia đình truyền thống, phong tục, tập quán, văn hóa, đối nhân xử thế và những thông điệp về luật nhân quả,  nhân nghĩa, hướng thiện.

Lê Phương (áo xanh) trong phim “Khúc tương tư”

So với mặt bằng chung thì nội dung kịch bản phim đề tài xưa khá tốt, nên luôn thu hút được sự hào hứng tham gia của nhiều diễn viên còn trẻ. Các đạo diễn như Nguyễn Phương Điền, Hồ Ngọc Xum từng chia sẻ rằng, làm phim đề tài xưa ngoài việc phải tốn công phục dựng bối cảnh, trang phục thì khâu tuyển lựa diễn viên cũng là một thử thách không nhỏ. Dù ngoại hình đẹp, biết diễn xuất vẫn chưa đủ, diễn viên đóng phim đề tài xưa phải có gương mặt phảng phất nét cổ điển, tác phong nho nhã trong lời nói và cử chỉ, khác biệt với các phim hiện đại. Họ còn phải mất thời gian rất lâu để học thêm về những quy tắc ứng xử, ăn nói sao cho phù hợp với văn hóa người xưa. Bù lại, khi vượt qua được các vòng casting, tuyển chọn khắt khe của đạo diễn, trên thực tế đã có khá nhiều diễn viên trẻ tạo được ấn tượng riêng nhờ đóng phim đề tài xưa. 

Đầu tiên phải kể đến Quỳnh Lam với biệt danh “Nữ hoàng phim xưa” do khán giả đặt. Ngoại hình sáng, diễn xuất tự nhiên và chân thật Quỳnh Lam đóng đạt từ vai bi đến vai phản diện trong hàng loạt phim như: Khóc thầm, Vó ngựa trời Nam, Lời sám hối, Lời nguyền, Con gái chị Hằng, Ải trần gian, Thế thái nhân tình, Hai khối tình, Hai người vợ… Nhật Kim Anh không đóng nhiều phim đề tài xưa như Quỳnh Lam, song đã chiếm trọn tình cảm của khán giả qua vai diễn Lệ Hằng từ ngây thơ, hiền lành đến sắc sảo, mưu mô và độc ác trong phim Lời sám hối, hay cô hầu gái Thị Bình có số phận ba đào, bi thương trong phim Tiếng sét trong mưa

Lương Thế Thành và Thúy Diễm trong phim “Dâu bể đường trần” 

Thanh Trúc sở hữu nét đẹp dịu dàng, mộc mạc nên rất hợp với những vai diễn thời xưa. Nhất là đôi mắt biết nói của cô đã góp phần làm cho nhân vật thêm sống động và chân thật. Từ Anh Huê dịu dàng, tội nghiệp trong Đoạn trường Nam ai đến cô vợ bé hiểm độc mưu mô trong Giông tố cuộc đời, rồi lương y nhân nghĩa trong Trần Trung kỳ án đều được Thanh Trúc hóa thân trọn vẹn. Lê Phương mang vẻ đẹp chuẩn miền Tây và gắn liền với hình ảnh người phụ nữ tảo tần, chịu đựng khó khăn, đắng cay trong các phim Giông tố cuộc đời, Khúc tương tư, Vó ngựa trời Nam

Hà Trí Quang là một trong số nam diễn viên có duyên với nhiều bộ phim đề tài xưa. Từ phim Lâu đài tình ái, Tại tôi, Hai khối tình, Lời sám hối đến Dâu bể đường trần… nam diễn viên ghi dấu với hình ảnh đa năng và chứng tỏ được độ hợp phim đề tài xưa của mình. Nam diễn viên Lương Thế Thành cũng đã “bỏ túi” khá nhiều vai diễn khác nhau trong những phim đề tài xưa như: Dâu bể đường trần, Khúc tương tư, Ải mỹ nhân.


Thanh Trúc trong phim “Trần Trung kỳ án”

Ngoài ra, các diễn viên khác như Ngọc Lan, Kim Tuyến, Diệp Bảo Ngọc, Oanh Kiều, Dương Cẩm Lynh, Cao Thái Hà, Quang Sự, Thanh Bình, Thanh Duy, Kha Ly, Thúy Diễm, Vân Trang, Minh Luân, Văn Phượng, Nguyễn Bích Trâm, Lê Bê La, Quốc Trường… đều từng bén duyên với ít nhất một bộ phim đề tài xưa. Theo xu hướng của truyền hình Việt, những bộ phim hiện đại về gia đình, hôn nhân, công sở, thương trường luôn chiếm số lượng lớn được sản xuất mỗi năm, nhằm đáp ứng thị hiếu của khán giả. Nhưng như trên đã đề cập, dòng phim đề tài xưa vẫn luôn có được vị trí và dấu ấn riêng, thu hút được lượng khán giả khá cao mỗi khi phát sóng. Bởi vậy, những diễn viên đóng phim đề tài xưa tuy chọn cũ nhưng lại giúp họ tạo nên sự thu hút riêng, mới lạ trong mắt khán giả so với phim đề tài hiện đại. 

Cách đây 10 năm khi đóng phim Khóc thầm, đạo diễn Võ Việt Hùng có nói rằng, Quỳnh Lam sẽ nổi tiếng nếu theo dòng phim xưa. Bản thân Quỳnh Lam cũng rất thích thể loại phim xưa, vì nội dung sâu sắc và nhân văn. Vì vậy, cô quyết định theo đuổi dòng phim này vì thấy “tuy cũ nhưng 10 năm xem lại vẫn như thế”. Để đi đúng hướng, Quỳnh Lam phải chấp nhận “hi sinh” ngay ở giai đoạn phim truyền hình “nở rộ”,  thay vì mỗi năm đóng từ 4 - 5 phim đề tài hiện đại thì cô chỉ tập trung diễn xuất cho một hoặc hai phim đề tài xưa có chất lượng tốt. 

Quỳnh Lam trong phim “Luật đời”

Bù lại, Quỳnh Lam “trụ” được với nghề một cách đặc biệt chứ không phải xuất hiện nhiều nhưng nhạt nhòa. Cô cũng nhận thấy mình đẹp hơn, luôn cảm thấy rất thích thú và thăng hoa khi diễn xuất trong các bộ phim đề tài xưa, dù đóng phim đề tài xưa vất vả hơn rất nhiều so với các phim hiện đại. Bộ phim đề tài xưa mới nhất mà Quỳnh Lam thủ vai nữ chính là Luật đời vừa ra mắt đã được đông đảo khán giả đón nhận. 

Đan Khanh