Xã hội có muôn vàn ngành nghề khác nhau. Nếu biết khai thác thì đó sẽ là nguồn đề tài vô tận cho phim truyền hình dài tập mang đến sự trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho đông đảo khán giả, nhất là giới trẻ.
Các phim từ trái qua: Cung đường bí ẩn - Mặn hơn muối - Gọi yêu thương - Mùi ngò gai
Trong hầu hết các bộ phim truyền hình đều ít nhiều đề cập đến nghề nghiệp, không trực tiếp cũng gián tiếp qua các nhân vật. Những năm qua đã có khá nhiều ngành nghề như nhà báo, nhà giáo, bác sĩ , luật sư, cảnh sát, vệ sĩ, kiểm lâm, tiếp thị, quảng cáo, kinh doanh, thiết kế thời trang, người mẫu, ca sĩ, nuôi cá tra, làm bánh tráng, nấu phở, nuôi vịt, trồng cây ăn trái, làm kẹo dừa, chế biến cà phê, dệt chiếu, nuôi bò sữa, giúp việc, đầu bếp, thủ công mỹ nghệ, công nhân may… trở thành câu chuyện chính trên phim truyền hình dài tập.
Cảnh trong phim Cung đường bí ẩn – kể về nghề công nhân làm đường
Trong đó có những nghề đặc thù, như phim Dấu chân du mục kể về cuộc sống của người dân du mục làm nghề chăn bò, chăn dê, chăn cừu thuê ở vùng đồi cát Ninh Thuận; Cung đường bí ẩn khai thác đề tài về cuộc sống và công việc của những công nhân làm đường; Con dâu là câu chuyện về những kỹ sư, nông dân, công nhân trồng điều và chế biến hạt điều xuất khẩu; Nhịp sinh tử đặc tả cuộc sống của những người lấy rác làm nguồn kiếm sống; Gỡ rối tơ lòng khai thác về nghề phát thanh viên - biên tập ở đài phát thanh; Nghề thế thân phản ánh nhiều chiều về nghề "đóng thế khóc mướn"; Mặn hơn muối là câu chuyện vui buồn của nghề làm muối; Mắt lụa có câu chuyện rất đời về nghề dệt lụa tơ tằm ở vùng lụa Tân Châu (An Giang) nổi tiếng; Người đứng trong gió kể về những người nuôi ngựa đua ở Đà Lạt…
Cảnh trong phim Mặn hơn muối – kể về nghề làm muối
Không mượn nghề là cái cớ hay làm nền cho câu chuyện chính, nhiều bộ phim đã khai thác được ở mức độ có tìm hiểu trên thực tế, đào sâu, phản ánh đúng và chân thực những đặc thù, tính chất của từng nghề, mang đến cho khán giả cơ hội tìm hiểu cụ thể về ngành nghề gắn liền với xã hội bên ngoài. Bên cạnh việc đi sâu vào chuyên môn của nghề, khán giả còn thấy được những câu chuyện hậu trường hấp dẫn và thú vị, nhất là với những phim làm về nghề “hot” như phát thanh viên, luật sư, bác sĩ, người mẫu. Khá nhiều bộ phim về nghề còn chuyển tải được vấn đề thời sự được xã hội quan tâm như sự mai một của các làng nghề truyền thống – phim Mắt lụa; muối sạch là gì và tệ nạn buôn lậu muối ngoại – phim Mặn hơn muối; tệ nạn bớt xén nguyên vật liệu làm đường giao thông, công việc giải tỏa mặt bằng làm đường khó khăn và phức tạp - phim Cung đường bí ẩn. Điều đáng kể là nhiều ê-kíp làm phim về nghề đã chịu khó lặn lội tìm chọn bối cảnh chính ở những nơi tập trung thể hiện tính đặc trưng cho nghề như: lụa Tân Châu, rừng điều bạt ngàn ở Bình Phước, đồng muối típ tắp ở Phan Rang, hoang mạc đầy nắng gió của Ninh Thuận, vùng cao nguyên Buôn Mê Thuột bạt ngàn đồng cỏ… giúp cho câu chuyện thêm sinh động và chân thực, và mang lại những hình ảnh đẹp cho khán giả du lịch qua màn ảnh nhỏ.
Cảnh trong phim Gọi yêu thương – kể về nghề vệ sĩ
Tất nhiên vẫn có không ít phim Việt về nghề chỉ dừng lại ở việc mượn bối cảnh, phục trang chứ chưa thật sự toát lên bản chất nghề nghiệp cần truyền tải. Đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo cho biết, so với làm phim về đề tài tình yêu, mâu thuẫn trên thương trường, tranh giành tài sản trong gia đình thì phim về nghề vất vả hơn nhiều lần. Đầu tiên là do các đạo diễn hầu như là người “ngoại đạo”, không có chuyên môn sâu về nghề mà bộ phim sắp làm đề cập. Ngoài việc phim phải hấp dẫn và thuyết phục được số đông khán giả thì áp lực lớn nhất của đạo diễn là làm sao phản ánh được đặc trưng của nghề để không bị chính người trong nghề khi xem phim bắt bẻ. Tìm hiểu qua sách báo, internet và gặp gỡ, mời các nhà chuyên môn làm cố vấn cho phim (nhất là các phim về nghề cảnh sát, bộ đội, luật sư, bác sĩ…) là cách mà nhiều đạo diễn áp dụng.
Bên cạnh đó, vốn sống, sự từng trải của đạo diễn cũng có ảnh hưởng đến thành công của phim về nghề. Trước khi làm đạo diễn phim Dấu chân du mục, Đinh Thái Thụy từng là phóng viên viết phóng sự về đề tài này nên có vốn hiểu biết nhất định. Đạo diễn Nhâm Minh Hiền của phim Mặn hơn muối cũng từng nhiều năm làm phim tài liệu, phóng sự về nghề ở Đài truyền hình tỉnh Lâm Đồng.
Cảnh trong phim Mùi ngò gai – kể về nghề nấu phở
Còn với các biên kịch thì viết về nghề là một trong những chủ đề rất rộng cho họ. Bao nhiêu nghề trên đời, bấy nhiêu lĩnh vực cần khám phá và ở đó có biết bao số phận nhân vật khác nhau. Hơn nữa, mỗi nghề lại có một đặc trưng giúp biên kịch sáng tạo nhiều tình huống riêng. Từ đó các diễn viên cũng có “đất diễn” phong phú hơn. Diễn viên Quốc Huy chia sẻ, khi quay những cảnh lao động của người nông dân Phan Rang trong phim Mặn hơn muối, anh và ê-kíp diễn viên được trải nghiệm cách chăn dê, đóng tàu, cào muối trên cánh đồng nắng cháy. Còn khi đóng vai anh nông dân trồng điều trong phim Con dâu, diễn viên Trí Quang phải quan sát, học hỏi rất nhiều từ những người dân địa phương, đặc biệt là học cách thu hái, chế biến hạt điều. Bù lại, hóa thân vào người làm các ngành nghề khác nhau mang đến cho họ nhiều nét mới mẻ trong diễn xuất, tránh bị “đóng khung” một loại vai.
Nhìn chung, những bộ phim về nghề có kịch bản hay, đạo diễn chắc tay, diễn viên có ngoại hình đẹp và diễn xuất tốt đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Tuy nhiên, hiện nay việc tìm chọn được kịch bản làm phim về nghề hay, phản ánh đúng đặc trưng của nghề không dễ dàng. Bởi biên kịch trẻ ít vốn sống, kinh nghiệm sống, lại thiếu kiến thức nên kịch bản thiếu chiều sâu, thiếu thực tế; còn biên kịch lớn tuổi lại đặt vấn đề theo lối mòn, không mới nên không hấp dẫn được khán giả trẻ - những người mà thông qua phim về nghề có thể truyền được cảm hứng, cung cấp thông tin hữu ích giúp họ lựa chọn và theo đuổi nghề nghiệp phù hợp ngoài xã hội.
Đan Khanh