Đơn giản là Tết

Mùa xuân - Tết - mùa đoàn viên bây giờ mới thật sự đến với ông bà, trong cả tiếng chim lích chích sau vườn, trong cả tiếng chổi loẹt quẹt vun lá mai rụng nhà hàng xóm, và trong cả lời trách yêu con gái.


Mùa xuân - Tết - mùa đoàn viên đã đến

Không hiểu vì sao năm nay Na đòi viết thiệp Tết và ra bưu điện gửi ông bà. Dắt con ra phố, thấy trời đất đã đổi mùa… Mùa xuân. Mới hôm qua những cành cây khô còn tơi bời rụng lá, gió cuốn lên xao xác đám bụi mờ. Nay các nhành non đã nhu nhú lộc, như cô gái nhỏ một sớm mai thức giấc ngỡ ngàng pha lẫn niềm vui nhè nhẹ lâng lâng khi thấy mình thành thiếu nữ. Tuổi thơ của Na cũng êm đềm trôi qua như vậy, rồi bé con trở thành cô gái nhỏ như nụ hoa đàm tiếu chực nở mà vẫn còn ấp ủ, e dè…

Cánh thiệp đến tay ông bà vào những ngày cận Tết. Khi bà ngoại mở tấm thiệp nhìn thấy dòng chữ cháu gái đôi chỗ còn hơi nghiêng nghiêng và chưa đều tăm tắp giống chữ mẹ nó ngày xưa, nhưng sao bỗng bồi hồi và thân thương lạ! Hình như cả ký ức xưa cũ ùa về tựa dải khăn lụa hồng ai đó bỏ quên, được người đi đường nhặt lên buộc thành cái nơ trên cành cây góc phố, như mùi hương của những nụ ngọc lan cuộn vào tấm lá sen người gánh đi bán mà giờ không tìm thấy nữa. 

Sau này, chắc cũng mười năm có lẻ, không còn ai viết thư hay tặng thiệp cho ông bà mỗi dịp Tết đến, chỉ một cú điện thoại hay mấy cái click chuột trên máy tính là cả rừng mai đào bay lả tả xuống màn hình. Bà vui cười khâm phục, hay quá, công nghệ làm con người gần nhau hơn bao giờ hết. Vậy mà, chẳng hiểu sao những ngày lễ hội trong năm bà không cảm thấy bùi ngùi nhưng cứ Tết đến bà lại nhơ nhớ cái cảm giác đợi chờ người đưa thư đi ngang nhà. Và khi cầm lá thư của con, cảm thấy Tết đã rất gần, khi thấy đôi chỗ dòng mực bị phai phôi, là bà nghĩ chắc giọt mồ hôi đi chợ về của con vừa rơi xuống. Mà chợ Tết thì đông đúc, thiếu mẹ, ai cùng bưng phụ dăm ký trái cây, hay mớ lá dong xanh mướt? 

Dòng chữ hỏi thăm chợt nghiêng qua, rối rít rồi xấu hẳn là bà biết ngay con bé Na chợt vòi mẹ, lại khóc, hay đòi măm măm. Sau đó, dòng chữ ấy bay bổng ngay, rạng rỡ ngay bởi bà hiểu Tết đã đến trước cửa nhà rồi mà, niềm vui sẽ được nhân ba, nhân tư và vỡ òa khi con gái bảo mùng Hai, mùng Ba sẽ đi tàu về thăm mẹ. Ngày ấy, ông thường trách bà là khéo tưởng tượng, nhạy cảm quá, nhìn chữ mà biết con cháu đang làm gì, đơn giản là Tết thôi mà. Trách vậy, nhưng ông lại đi ra đi vào, mùng Hai thể nào cũng đứng dựa hàng rào trước cửa, diện bộ đồ mới nhất, tóc chải keo, ngóng ra con đường phía trước, tủm tỉm cười đầy chờ đợi.

Tình yêu thương không hề mất đi trong gia đình dù cách xa hàng ngàn cây số

Tình yêu thương không hề mất đi trong gia đình dù cách xa hàng ngàn cây số, dù đã bước sang thời internet và smartphone, dù thời gian làm mắt bà mờ hơn và làn da con gái bắt đầu có những nốt chân chim nho nhỏ. Ông bà gọi điện thoại cho con bao giờ cũng động viên con công tác tốt, lo sức khỏe cho Na chứ có bao giờ bảo con viết lại cho mình dòng thư xưa cũ. Con gái đối với mẹ ăm ắp tình, ngày xưa bao giờ cũng là cân đường hộp sữa, ngày nay là lạng yến, hộp sâm. Con yêu mẹ bằng những điều thực tế làm bà cảm động nhưng người ta thường nói người già như con nít, bà vẫn mong một lời yêu thương, vỗ về như sóng biển, như ngọn gió mùa xuân mát lành. Con gái làm thơ, làm văn viết về bao điều mỹ miều, mộng tưởng nhưng có bao giờ viết cho mẹ trong một chiều hoàng hôn nắng vừa chợt tắt bên bến sông, khi những chiếc thuyền nâu kéo theo bao đám lục bình lờ lững trôi qua…

Mười mấy năm sau nhận tấm thiệp chúc Tết của cháu gái là ngày bà đang ho sù sụ. Tuổi già và thời tiết, ngong ngóng và nhớ thương, bốn mùa đan xen - những quy luật của đất trời muôn đời vẫn thế. Ba hôm rồi uống thuốc không đỡ, vậy mà nhận được thiệp của Na bà khỏe hẳn. Cứ như phép màu, như thuốc thần Na gửi hàng trăm, hàng ngàn cây số đến cho bà. Và nhẹ bẫng, và êm đềm, và dịu ngọt… ấy chỉ có thể là mùa xuân đã đến trên cành mai vàng vừa nhặt lá lấp lánh góc vườn nhà. 

Bà ngồi dậy, lấy mảnh gương cũ ra soi, bà chải lại đầu, vấn lại tóc, bà gỡ đi tờ lịch mùng Một, mùng Hai, bà lần lần tìm chiếc dép mà mẹ Na mua tặng ngỡ đến chục năm rồi nhưng bà chỉ để dành đến Tết mới đi. Đơn giản là Tết thôi mà, sao bà lại rồi luống cuống thế khi nghe tiếng cháu rộn ràng gọi trước ngõ: “Bà ơi, cháu về rồi!”. 

Mùa xuân - Tết - mùa đoàn viên bây giờ mới thật sự đến với ông bà, trong cả tiếng chim lích chích sau vườn, trong cả tiếng chổi loẹt quẹt vun lá mai rụng nhà hàng xóm, và trong cả lời trách yêu con gái: “Đi đường mệt lắm không, mà sao bố mẹ Na mua nhiều đồ về thế, hết Ba mươi, mùng Một rồi, cần gì bày vẽ tụi bay!”
Ngân Giang (Ảnh: Internet)