Trong lộ trình 16 chặng đua năm nay, có đến 10 ngọn đèo mà các vận động viên phải vượt qua. Và Đồng Tháp là một trong những đội tuyển đáng gờm trong cạnh tranh áo đỏ.
Còn hơn một tuần nữa là Cúp Truyền hình 2019 sẽ bắt đầu. Theo đó, các đội đua đang ở những ngày cuối cùng để chuẩn bị cho một mùa đua mới đầy sôi động. Như đã nói, cuộc tranh tài năm nay mang độ khó cao hơn với thử thách lớn hơn, có đến 10 ngọn đèo trên tổng 16 chặng mà các vận động viên phải chinh phục. Theo giới chuyên môn, để có thể vượt đèo tốt, các cua-rơ phải mang dáng gầy để có cơ bắp tốt và ít cản gió, ngoài tim mạch tốt, họ còn phải có ý chí cao để không e sợ trước những ngọn đèo thẳng đứng. Và đây cũng là những tiêu chí để Đồng Tháp tuyển chọn tay đua cho mình.
Nhắc đến Đồng Tháp là nhắc đến những chân leo đèo hạng nhất Việt Nam, với nhiều tên tuổi như: Lê Ngọc Sơn, Nguyễn Trường Tài, Phan Hoàng Thái, Nguyễn Tấn Hoài... Câu hỏi đặt ra là, tại sao một đội đua ở vùng trũng nhất của Đồng bằng sông Cửu Long lại sản sinh ra những chân đèo cự phách như vậy? Điều này có lẽ bắt nguồn từ truyền thống của đội, với thành tích áo đỏ có được ngay trong lần đầu tiên tham gia giải đấu (1997). Thêm vào đó, điều kiện tập luyện giới hạn trong những cung đường chật, nhiều phương tiện giao thông qua lại, không thể tập nước rút nên buộc lòng Đồng Tháp phải trui rèn để có thể ghi dấu ấn của họ trong thử thách vượt đèo.
Dù ra về trắng tay trong mùa giải năm ngoái, Đồng Tháp vẫn là một trong những đối thủ đáng gờm trong thử thách vượt đèo bởi bề dày thành tích và truyền thống của họ. Lần đầu tiên tham dự Cúp Truyền hình vào năm 1997 cũng là lần đầu tiên họ giành được Áo đỏ với công của Mai Công Hiếu. Từ đó, việc bảo vệ chiếc áo đỏ đồng nghĩa với việc bảo vệ danh tiếng của những chân đèo cự phách đã trở thành truyền thống của các tay đua Đồng Tháp. Có thời điểm liên tiếp 4 năm (2003 đến 2006), không một tay đua nào có thể tranh chấp được danh hiệu áo đỏ từ tay Mai Công Hiếu và Trịnh Phát Đạt của Đồng Tháp.
Trong khi các đội khác ít nhiều đều tuyển thêm "binh hùng tướng mạnh", thì Đồng Tháp vẫn trung thành với chiến lược sử dụng các tay đua nội binh, cây nhà lá vườn, liệu họ có đủ sức để bảo vệ truyền thống vua leo đèo của mình? Huấn luyện viên người Sa Đéc sẽ có những chiến thuật nào để các tay đua của ông có thể đạt được mục tiêu? Bộ đôi Nguyễn Tấn Hoài, Phan Hoài Thái - ba năm liên tiếp (2015 đến 2017) chiếm giữ danh hiệu Áo đỏ nhưng lại không bảo vệ được vị trí của mình trong cuộc đua năm 2018 và thất bại trước một tay đua ngoại của Đồng Nai - có thể lấy lại phong độ của mình trong mùa thi năm nay?
Ê-kip Đồng Tháp đã và đang có những chuẩn bị kĩ lưỡng cho mùa thi sắp tới. Họ sẽ mạnh mẽ vươn lên như thế nào, đặc biệt là trong các chặng vượt đèo? Chờ xem diễn biến các trận đua vào 8g sáng các ngày đua, được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9, HTV Thể thao.
Thiên Bình