Các video âm nhạc (MV) cụ thể hoặc trừu tượng hoá tinh thần của một bài hát bằng những hình ảnh được sáng tác và sắp xếp một cách nghệ thuật, được thực hiện bởi DOP và kỹ thuật viên dựng phim. Đây là hai trong số nhân sự quan trọng của đoàn làm phim.
Nhà báo Hà Quang Minh - Người kết nối chương trình
Dưới sự dẫn dắt của nhà báo Hà Quang Minh trong chương trình Talk show Khoảnh khắc cuộc đời, Nguyễn Đức Hải (DOP) và Nguyễn Thanh Duy (dựng phim) đã kể về câu chuyện của những người góp phần làm nên những MV triệu view (lượt xem) thời gian qua.
Nguyễn Đức Hải – Câu chuyện trong MV được kể với tinh thần tích cực
Hà Quang Minh: DOP là gì?
Nguyễn Đức Hải: DOP (director of photography) là cánh tay phải của đạo diễn, hỗ trợ về mặt hình ảnh và động tác máy, tạo ra hình ảnh mượt mà nhất khiến người xem thoải mái nhất về mặt thị giác. Nói cách khác, DOP là người giúp đạo diễn kể lại câu chuyện bằng hình ảnh.
Cơ duyên nào Hải đến với nghề đạo diễn hình ảnh?
Hải được đào tạo chuyên ngành đạo diễn, nhưng sở thích chụp ảnh từ nhỏ đã hướng Hải đến với nghề DOP. Xuất thân trong gia đình không có ai làm nghệ thuật nên con đường này trước đây bị cha mẹ ngăn cản khá nhiều. Nhưng Hải chỉ làm và cứ làm, để kết quả công việc thuyết phục họ.
Khoảnh khắc cuộc đời của Nguyễn Đức Hải, khoảnh khắc đó ảnh hưởng đến nghề nghiệp như thế nào?
Khi mới vào nghề, Hải quan niệm làm MV đẹp là được và cũng được nhiều người khen. Nhưng cái chết của một người bạn cấp ba, vì buồn chuyện gia đình mà tự tử đã làm Hải suy nghĩ rất nhiều. Phim tốt nghiệp “Sợi dây” ra đời trong hoàn cảnh đó, là lời cảnh tỉnh cho những ai muốn tìm “giải pháp” bằng cách huỷ hoại bản thân mình. Biến cố đó cũng đã định hình phong cách tư duy tích cực và nét đẹp duy cảm trong những MV của Hải sau này.
Cảnh trong phim “ Sợi dây”
Những MV thành công mà Hải từng tham gia?
“Bao giờ lấy chồng” của Bích Phương, “Anh ở đâu đấy anh” của Hương Giang.
Một tác phẩm ra đời đều chịu sự ảnh hưởng từ yêu cầu của khách hàng, gu thẩm mỹ chung của khán giả. Làm thế nào để dung hoà giữa yếu tố thị trường, tính nghệ thuật và cảm xúc tích cực mà Hải mong muốn?
MV của Hải thường được kết thúc có hậu một cách khéo léo để đem đến cho khán giả một món ăn tinh thần nhẹ nhàng, giúp giải phóng nỗi buồn và hướng suy nghĩ của người xem theo hướng tích cực. Còn việc chiều theo thị hiếu là điều không thể tránh khỏi vì đa phần MV là công cụ để nghệ sĩ kết nối với khán giả, cần có những yếu tố giúp cho sản phẩm thu hút người xem.
Định hướng tương lai của Hải?
Có thể trở thành đạo diễn và làm phim bằng câu chuyện của mình.
DOP Nguyễn Đức Hải
Nguyễn Thanh Duy – Hậu kỳ là nghề của những người hùng thầm lặng
Hà Quang Minh: Công việc của người dựng – graphic designer thể hiện qua MV “Lớn rồi còn khóc nhè” như thế nào?
Nguyễn Thanh Duy: MV mở đầu bằng tình huống khôi hài “dựng đến lần thứ 5 thì được yêu cầu lấy thành phẩm là bản đầu tiên” Đó cũng là nỗi lòng của những người làm hậu kỳ, dù có vất vả bao nhiêu lần cũng phải làm, vì nói cho cùng, sản phẩm phải làm hài lòng khách hàng.
Khi mới vào nghề, Duy cho rằng, người dựng chỉ cần cắt và ghép hình ảnh cho khớp với nhau theo kịch bản. Nhưng càng làm lâu, Duy nghiệm ra rằng, ngoài kỹ thuật, người dựng cũng cần có tư duy kể chuyện bằng hình ảnh. MV “Lớn rồi còn khóc nhè” là MV đầu tay mà Duy khá hài lòng vì được tự do sáng tạo để kể câu chuyện theo cách của mình, mang đậm xúc cảm của bản thân Duy.
Cảnh trong MV “Lớn rồi còn khóc nhè”
Khoảnh khắc cuộc đời Duy muốn chia sẻ là gì?
Đó là chuyến đi Nepal một mình sau cú sốc mất người cha quá nhanh vì bạo bệnh. Tại đó, sau một thời gian dài mất phương hướng trong cuộc sống, Duy đã thức tỉnh được lý trí và cảm xúc của mình. Mỗi bước đi trên hành trình Nepal, giữa vùng tuyết trắng mênh mông, như là một bước đi trong cuộc đời, để Duy hiểu rằng, “Thời gian sẽ không dừng lại vì nỗi buồn và cuộc sống vẫn tiếp diễn theo quy luật của nó. Cuộc đời tuy nhiều khó khăn, nhưng cũng còn nhiều điều để khám phá và một người mẹ để yêu thương”. Chuyến đi này đã đem lại tư duy tích cực và trở thành động lực để Duy vượt qua khó khăn về sau.
Chuyến đi Nepal mang lại sự thay đổi và tư duy tích cực cho Nguyễn Thanh Duy
Nếu không có thách thức thì không thể trưởng thành. Trong quá trình hành nghề có khi nào Duy cảm thấy tủi thân vì công việc vất vả nhưng không được vinh danh?
Khi làm việc, Duy chỉ dồn hết tâm huyết để kể câu chuyện sao cho hay và chuyển tải được ý đồ nghệ thuật của đạo diễn. Giống như người nghệ sĩ chân chính không cần bản thân họ toả sáng, mà chỉ mong sản phẩm của họ đến với khán giả theo đúng tinh thần mà họ mong muốn, Duy cho rằng hậu kỳ là nghề của những người hùng thầm lặng.
Nguyễn Thanh Duy - Người kể chuyện bằng hình ảnh
Nếu xem thị hiếu của khán giả là yếu tố lý trí, thì trong thành công của một MV, Duy định lượng tỷ lệ phần trăm giữa cảm xúc và lý trí là bao nhiêu?
Trong phạm vi của công tác dựng, thì 70% sẽ dành cảm xúc và 30% cho lý trí. 30% này sẽ là các yếu tố về thị trường như sở thích xem MV, màu sắc mà khán giả yêu thích... Nó giúp cho người dựng định hình ranh giới sáng tạo, tự do phát huy cảm xúc trong khuôn khổ hợp lý.
Đối với nhà báo Hà Quang Minh, số lượng hàng triệu view của MV chỉ mang tính chất thương mại đơn thuần chứ không phải là thước đo về nghệ thuật. Nó có thể đưa MV vào danh sách “top thịnh hành” và đánh bóng tên tuổi nghệ sĩ hiệu quả. Nhưng để nâng cao thị hiếu âm nhạc chung, MV cần thỏa mãn cả hai yếu tố lý trí và cảm xúc để đạt cả hai mục tiêu quảng bá và nghệ thuật. Mà sự cân bằng đó sẽ chỉ được tạo từ những con người làm nghệ thuật chân chính và tâm huyết.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi