Dương Tử Giang sinh ra ở giữa vùng châu thổ sông Mê Kông. Nơi những con sông lớn Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên ngày đêm bồi đắp cho xứ dừa Bến Tre thành một màu xanh bất tận.
Chân dung Dương Tử Giang (Ảnh tư liệu)
Những năm 40, 50 của thế kỷ XX, lẽ ra Dương Tử Giang đã có thể là một công chức hanh thông trên bước đường hoạn lộ. Cũng có thể Dương Tử Giang sẽ là một thi sĩ với bao vần thơ thiết tha sầu não trong một thế giới nhiều đớn đau đang cần an ủi, vỗ về. Nhưng Dương Tử Giang đã lựa chọn và cương quyết đi theo con đường của những chông gai, gông cùm và máu thắm.
Dương Tử Giang sinh ra ở giữa vùng châu thổ sông Mê Kông. Nơi những con sông lớn Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên ngày đêm bồi đắp cho xứ dừa Bến Tre thành một màu xanh bất tận. Và cũng chính những dòng sông ấy đã hun đúc cho xứ sở của ông những cuộc đời không mất như Phan Thanh Giản, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, Đồ Chiểu, Trương Vĩnh Ký... Chính vì vậy, trong từng làn da thớ thịt, Dương Tử Giang có mùi phù sa mặn chát của mồ hôi và nước mắt bao người dân ấp, dân lân. Cũng như trong huyết quản ông luôn có dòng máu thơm thiên cổ của tổ tiên nòi giống. Và trong tâm trí ông luôn khắc ghi lời thề của những nghĩa sĩ Cần Giuộc ngày nào: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia...”.
Đường làng quê hương Dương Tử Giang
Khi học hết chữ ở trường làng, Dương Tử Giang về thị xã học tiếp những năm cuối bậc tiểu học để lấy bằng Frimaire rồi thi đậu vào Trường trung học Mỹ Tho. Tới năm 1933, ông đã cùng lúc lấy bằng Thành chung lẫn 2 bằng Brevet của chương trình Pháp. Ông không học tiếp tục lên bậc cao hơn. Với tấm bằng Diplôme, chàng trai xứ dừa đã có thể đi làm thầy thông, thầy ký. Vậy mà, ông ở lại thị xã Mỹ Tho, thuê một căn phố để bán sách vở, áo quần, cắt tóc cho trẻ em. Thời giờ rảnh rỗi, ông sáng tác văn chương. Nhiệt tình xã hội sôi sục trong lòng, ông lập cả gánh hát bội, đi biểu diễn các nơi. Tham vọng cải tạo xã hội bằng nghệ thuật của ông không đem lại kết quả đáng kể. Trái lại, bà mẹ nghèo đã phải bán cả vườn tược để trả nợ thay. Ông ngược về hướng đô thành Sài Gòn để tìm cách thỏa chí tang bồng của mình.
Ngôi trường nhà báo Dương Tử Giang đã từng học
Tại Sài Gòn, lúc đầu ông làm thầy giáo. Sau đó làm ở Sở Quan thuế. Khi Sài Gòn, Khánh Hội, lúc Hà Tiên, Rạch Giá... có dịp đi lại nhiều nơi, kết giao lắm bạn bè, mở mang thêm nhiều kiến thức. Chính cuộc sống tăm tối của những người lao khổ bên cạnh vẻ đẹp phù hoa chốn thị thành đã cày xới tâm hồn ông một lần nữa. Người trí thức xuất thân từ những cánh đồng đầy ắp phù sa bên dòng Cửu Long hiểu rõ hơn thiên chức của mình. Để rồi năm 1944, ông bỏ hẳn sở làm. Người công chức có tên thật là Nguyễn Tấn Sĩ ấy quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn. Ông muốn thông qua ngòi bút của mình vạch trần nỗi thống khổ của người dân nước Nam, muốn hét những tiếng thật to để những ai còn ngủ mê trong êm ái, dịu ngọt của sự phồn hoa, đô hội mà đã quên mất nỗi đắng cay, tủi nhục mất nước.
Cảnh tái hiện trong phim
Cuộc sống bên những người dân quê thật thà, bình dị mà kiên trung như tiếp thêm sức mạnh cho Dương Tử Giang. Ông lao vào viết tiểu thuyết, làm báo, dịch thuật những bộ sách có tư tưởng tự do và bác ái của phương Tây. Ông còn sáng tác thơ ca, hò vè, soạn tuồng và đích thân làm diễn viên, đạo diễn đi hát phục vụ đồng bào. Ông muốn dùng ngòi bút của mình “đâm” những kẻ cướp nước, và đả kích, phê phán bọn bán nước. Ông tả xung hữu đột trên trường văn trận bút. Những gì mà các cây bút khác e ngại, không dám công khai phê phán thì Dương Tử Giang lại “quất” cho kẻ thù những đòn trí mạng. Tiếng nói phản kháng của Dương Tử Giang mạnh đến nỗi hễ tờ báo nào có bài của ông sớm muộn gì cũng bị đình bản. Bọn chỉ điểm, mật thám nhất cử nhất động theo dõi từng bài viết, hành động của Dương Tử Giang. Việc tịch thu, đình bản các tờ báo của ông trở thành chuyện thường ngày.
Ngày đó, bộ máy kiểm duyệt báo chí của chính quyền thực dân – tay sai giăng bắt khắp nơi. Nhưng bằng mọi cách, Dương Tử Giang khi thì cộng tác với các tờ báo của phong trào đấu tranh thống nhứt như Dân quyền, Ánh sáng, Ngày mới, Thần chung... lúc thì tự mình ra lập ra các tờ báo như Bình Dân, Công lý, Điện báo... để công khai đòi độc lập, tự do, thống nhất nước nhà. Tờ báo này bị đình bản, tịch thu, thì ông sẽ tìm cách cho nó “đầu thai” ở tờ báo khác. Và Duy Tân là tờ báo cuối cùng ông vùng vẫy trước khi bị chính quyền tay sai bắt ông vào bót Catinat rồi đưa thẳng lên nhà lao Tân Hiệp, nơi đang giam giữ gần hai ngàn tù chính trị là những người yêu nước và cộng sản.
Việt Báo - một trong những tờ báo do Dương Tử Giang làm chủ bút (Ảnh tư liệu)
Ông để lại cho đời những tác phẩm tiêu biểu như: Bịnh học (tiểu thuyết, 1937); Con gà và con chó (tiểu thuyết, 1939); Tranh đấu (tiểu thuyết, 1949); Một vũ trụ sụp đổ (tiểu thuyết, 1949); Cô Sáu Tầu Thưng (1949); Vè Bảo Đại (1950); Trương Phi thủ Cổ thành (tuồng); Nửa đêm về sáng (truyện ngắn); Nguyễn Trung Trực quy thần (tuồng); Ký Charton và Le Page (tuồng)…
Khi Bến Tre là là nơi chôn nhau cắt rốn của Dương Tử Giang thì Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định lại là chốn làm nên một nhà văn, một nhà báo Dương Tử Giang lẫy lừng. Ông am tường và sáng tác nhiều lĩnh vực, thể loại. Ông trở thành “lý thuyết gia” của nhóm văn chương tranh đấu gồm những nhà văn: Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà...
Gói gọn trong thời lượng 40 phút, bộ phim tài liệu Dương Tử Giang trẻ mãi với quê hương không tài nào kể hết được những câu chuyện về cuộc đời ông. Nhưng phần nào sẽ giúp khán giả hiểu hơn lý tưởng, bút pháp của một người làm báo mà không có cái hùng tâm và dũng khí của một người chiến sĩ thì không thể nào có được một nhà báo – chiến sĩ cách mạng kiên trung Dương Tử Giang.
Đón xem bộ phim tài liệu “Dương Tử Giang trẻ mãi với quê hương” phát sóng lúc lúc 8g ngày 22/6 và 24/6.
Thùy Trang