Tình trăm năm

Em lặng lẽ bên đời anh tất bật

Với họa sĩ Lê Triều Điển, cảm xúc chỉ dâng tràn khi nhắc đến hai câu chuyện: hoặc là sáng tác nghệ thuật hoặc nói đến vợ ông - nhà thơ, họa sĩ Hồng Lĩnh.


Họa sĩ Lê Triều Điển sinh năm 1943 ở Bến Tre, lớn lên trong một gia đình nghèo, ông tự học vẽ từ sớm và thích lang thang trên những con đường làng quanh co. Những phác thảo đầu tiên được ông vẽ trong vở ô li, đó là ngôi nhà thờ cổ, khung cảnh thiên nhiên sông nước mênh mang, hữu tình của vùng quê miền Tây bình dị.


Từng bôn ba ở Sài Gòn, Đà Nẵng rồi các tỉnh miền Tây, họa sĩ Lê Triều Điển có cho mình một hội quán văn nghệ ở Cần Thơ, đó là nơi hội tụ những bạn bè văn nghệ và học sinh, sinh viên yêu thích nghệ thuật. Cũng chính từ nơi ấy, "cánh cửa trái tim" của người họa sĩ phong trần đã mở ra khi vô tình gặp cô gái Phạm Thị Quý (nhà thơ - họa sĩ Hồng Lĩnh).

Nói về cái duyên ấy, hoa sĩ Hồng Lĩnh chia sẻ: "Dạo ấy tôi hay xem triển lãm tranh và rất thích tranh của anh Lê Triều Điển dù chưa biết mặt. Đến lúc anh mở hội quán văn nghệ Góp gió tại Cần Thơ, trong một buổi họp mặt anh chị em văn nghệ sĩ, tôi mới lần đầu gặp anh. Sau đó, trên chuyến xe đi sinh hoạt văn nghệ, anh Điển bất ngờ nắm tay tôi. Tôi để yên tay mình trong tay anh ấy. Chúng tôi hiểu tình yêu của mình đã chính thức bắt đầu".


Ngày họa sĩ Lê Triều Điển kết duyên với nhà thơ - họa sĩ Hồng Lĩnh, người quen tặc lưỡi: "Một đứa làm nghệ sĩ đã nghèo, cả vợ lẫn chồng làm nghệ sĩ thì sao lo cuộc sống nổi". Song, dù đúng là cuộc sống có chật vật, thì cả hai vẫn không bao giờ chấp nhận chịu thua số phận. Sau giải phóng, hai vợ chồng ông đã làm đủ nghề để tồn tại: bán chè, gói bánh, cắt cỏ thuê, bán báo, bán sữa đậu nành... để nuôi sống bản thân và giữ gìn nghiệp vẽ.


Giai đoạn đổi mới, cả hai lại cùng các con lặn lội từ Vĩnh Long lên thành phố. Họa sĩ Lê Triều Điển hiểu rằng muốn làm nghệ thuật phải làm ở Sài Gòn. Nhiều nghệ sĩ Pháp, Mỹ, các tay sưu tập quốc tế đều đang dồn sự tò mò về đấy. Quan trọng hơn, có lẽ cùng với mở cửa, một loạt phong trào nghệ thuật mới sẽ bùng nổ - họa sĩ nhủ thầm. Chính từ thời điểm đó, cuộc sống của cả hai dần bước sang trang mới, họa sĩ Lê Triều Điển mang tranh đi gửi các gallery, tranh bán được, gallery trả bao nhiêu ông cũng nhận, bền bỉ để theo đuổi đam mê của mình. 


Giới hội họa có thói quen rất lạ: Mỗi lúc trông thấy họa sĩ Hồng Lĩnh, họ lại đưa cái nhìn lục lọi vào đám đông để tìm vóc dáng họa sĩ Lê Triều Điển hoặc ngược lại. Cả hai đã tựa nhau qua mưa nắng dãi dầu suốt nửa thế kỷ. "Em lặng lẽ bên đời anh tất bật" - Câu thơ từ nhà thơ - họa sĩ Hồng Lĩnh như gói gọn 50 năm chung lưng đấu cật của hai vợ chồng. Họa sĩ Lê Triều Điển cũng bùi ngùi chia sẻ: "Tôi biết ơn vợ tôi. Chúng tôi vừa là vợ chồng vừa là bạn bè, vừa là đồng nghiệp. Sống đến nay, cả hai vẫn chưa cãi nhau to tiếng. Tôi có thể toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật là vì có hậu phương này".


Ngoài những giờ coi sóc bếp núc, con cái, bà dành trọn thời gian cho sáng tác. Gốm của bà ý nhị, những cánh hoa trổ trên bình men xanh Biên Hòa, khi là những đường màu ngoằn ngoèo trên tượng trâu như dòng Cửu Long nuôi nấng văn minh lúa nước. Nhưng, bà yêu ông nhiều hơn tất cả, và khi nói về cuộc tình này, bà thỏ thẻ:

"Em lặng lẽ bên đời anh tất bật 

 Mặc cho vòng quay cuộc sống cứ xoay vần 

 Lặng lẽ bên đời vẫn một bóng em 

Cho anh chút hương hoa chút vầng trăng huyền ảo 

Đêm tuyệt vời sau ngày dài huyên náo 

Lặng lẽ bên anh, em ngọn gió dịu dàng".

Bên người tri kỷ này, con đường nghệ thuật của họa sĩ Lê Triều Điển dường như chưa bao giờ đứt mạch. Bà là một dòng sông khác của ông, dù không khởi phát từ thiên nhiên nhưng lại do tay người đào mà thành, do nguyện gìn giữ mà chảy mãi.

Tình trăm năm - 17g20 thứ Bảy trên HTV7.

Kim Quyên