Hải Triều cho biết mình nuôi ước mơ tham gia cuộc thi "Én vàng" từ thời sinh viên, nhưng đến nay, khi đã trở thành giảng viên mới thực hiện được. Hải Triều cũng là gương mặt gây được sự chú ý khi từng đoạt Quán quân "Micro Vàng 2016".
Hải Triều trong một tiết mục dự thi
Xin chào Én bạc Hải Triều. Anh có thể chia sẻ lý do “cảnh báo giới trẻ đi trên con đường của người khác” trong cuộc thi Én vàng vừa qua?
Là người từng trải qua chứng tự kỷ và hiện là giảng viên dạy kỹ năng sống, tôi đã không ngần ngại đưa câu chuyện của chính mình vào bài thi để tăng tính thuyết phục. Thời điểm khó khăn, tôi đã trải qua những nỗi sợ, trong đó có nỗi sợ vì mất mục tiêu, mất phương hướng. Do vậy, tôi không dừng lại ở việc cảnh báo cho giới trẻ mà còn chia sẻ những phương pháp để đứng lên thoát khỏi nỗi sợ đó. Theo tôi, điều đáng sợ nhất không đơn thuần là đi sai đường, mà là các bạn trẻ đi con đường của người khác vạch sẵn cho mình.
Trong cuộc thi, Hải Triều từng tháo gỡ khung ghế để làm đạo cụ, rồi lại đập đễ bình bông để minh họa cho bài thi. Điều gì khiến Hải Triều lại có những hành động mạnh mẽ đến như vậy?
Điều đó khiến NSƯT Vũ Thành Vinh dí dỏm tặng cho tôi danh hiệu “én phá hoại” – (cười lớn). Lúc đó, tôi cầm trên tay một chiếc bình “siêu đáng yêu” – hình ảnh tượng trưng cho vị thần mang nước của cung Bảo Bình, nhưng tôi đập vỡ nó ngay tại sân khấu để tạo nên sự sáng tạo và phá cách cho bài thi.
Chi tiết tôi muốn diễn tả là sau khi chiếc bình vỡ tan, tôi cặm cụi nhặt từng mảnh vỡ, ôm trọn chúng vào lòng, như từng ôm trọn những tan nát trong tình yêu. Mong muốn là vậy, nhưng tôi lại bị Ban giám khảo chê “uổng” vì chưa đủ sức nặng để đẩy cao trào lên đến mức cần thiết.
Hải Triều dùng khung ghế làm đạo cụ
Trong những cuộc thi trước, phần thi dẫn chương trình truyền hình luôn là thử thách đầy khó khăn và nhiều áp lực. Hải Triều đã thể hiện phần thi này ra sao?
Phần dự thi của tôi là dẫn chương trình đêm chung kết Én vàng Kid – một phiên bản mới chưa từng xuất hiện trên truyền hình. Đây là thử thách không hề dễ dàng bởi tôi phải xây dựng định dạng mới hoàn toàn cho chương trình, tạo được sân chơi dành cho các bạn nhỏ thể hiện niềm đam mê với công việc dẫn chương trình.
Đứng trước những khó khăn như thế, tôi hiểu mình cần phải bình tĩnh xử lý tốt các tình huống xuyên suốt chương trình. Đầu tiên, là phải tạo ra một không khí phù hợp với thiếu nhi. Tiếp đến, với thế mạnh vốn có là giảng viên kỹ năng sống, tôi sử dụng cử chỉ và lời nói thân thiện khi tiếp xúc với các bé để khán giả cảm nhận được sự gần gũi giữa người dẫn và khách mời.
Bên cạnh những phút giây sôi động, cũng không thiếu những khoảng lặng đầy cảm xúc. Ít ai ngờ những tâm tình mà các bé chia sẻ lại là những vấn đề mang tính xã hội vì nhiều gia đình gặp phải, điều đó góp phần giúp chương trình chạm được đến sự đồng cảm của nhiều người.
Hải Triều trong phần thi "Én vàng Kid"
Giai đoạn cuối luôn đòi hỏi các thí sinh phải tập trung cao độ để tạo nên những bứt phá ở chặng đua nước rút, nhưng vì sao Hải Triều vẫn “trung thành” với khách mời nhí có vẻ khó tương tác hơn?
Có lẽ cũng là cái duyên (cười). Hải Triều mang đến bài dự thi về cột mốc 10 tuổi với tính chất nhẹ nhàng, thú vị. Nhân vật đồng hành cùng tôi ở tiết mục này là bé Tuấn Vinh – một “vũ công nhí” siêu đáng yêu. Để kết nối với khách mời đặt biệt này, tôi đã phải chuẩn bị những câu hỏi về cuộc sống của cậu bé, và được cậu bé trả lời bằng vũ đạo và âm nhạc.
Qua những suy nghĩ hồn nhiên của bé Tuấn Vinh, tôi muốn gửi đến những bậc phụ huynh lời nhắn nhủ rằng, chúng ta đừng vội ép một đứa trẻ 10 tuổi phải xỏ đôi chân yếu mềm của mình vào một đôi giày mà chúng ta cho rằng nó là đẹp nhất, hoàn hảo nhất, nhưng thật ra nó không phù hợp.
Cảm nghĩ của Hải Triều giành tấm vé cuối cùng vào chung kết Én vàng sau cú lội ngược dòng đầy khó khăn?
Sau tập 12, Én vàng đã công bố 2 cái tên đầu tiên ghi danh vào chung kết là Nhật Trường và Lee Thanh Tâm. Như vậy, 4 thí sinh còn lại của top 6 (trong đó có Hải Triều) sẽ cùng với 6 thí sinh đã bị loại từ các vòng trước bước vào đêm thi lội ngược dòng ở tập 13.
Tuy 10 cánh én, nhưng chỉ có duy nhất 1 tấm vé cuối cùng bước vào chung kết. Ở vòng thi này, mỗi thí sinh đã mang đến một bức tranh với những ẩn dụ đầy thú vị, thông qua đó, họ sẽ đưa ra những quan điểm của chính mình. Không chỉ thế, mỗi thí sinh còn phải đối mặt với thử thách đặc biệt là phản biện những câu hỏi hóc búa từ 1 trong 4 vị giám khảo.
Kể lại như vậy để thấy áp lực lớn như thế nào mà tôi cũng như 9 thí sinh khác đã phải trải qua. Ơn trên và thêm chút may mắn, tôi đã thoát qua khe cửa hẹp, góp tên mình trở thành mảnh ghép cuối cùng của top 3 Én vàng vừa qua.
Hải Triều hóa thân vai phóng viên tại hiện trường trong một cơn bão
Đêm thi chung kết xếp hạng với quá nhiều lo lắng - đó có phải là nguyên nhân khiến kết quả của Hải Triều không được như ý?
Tôi lo lắng để thấu hiểu chính mình hơn, chứ không có lý do nào khác. Là thí sinh cuối cùng của đêm thi với đề tài “Tết lo”, tôi đã cố gắng vận dụng sở trường là tính khôi hài để diễn tả những tình huống “dở khóc dở cười” về bao nỗi lo ngày Tết. Tôi nghĩ, hành trình về quê ăn Tết đầy vất vả nhưng “con đường hạnh phúc nhất và đẹp nhất là con đường về quê sum họp gia đình”. Biết bao người xem những chuyến trở về là sự mong đợi, dù có thể chỉ đơn giản là để được nằm trên chính chiếc giường mà mình từng lớn lên.
Để chuẩn bị cho bài thi này, tôi đã chọn lọc những chi tiết “đắt” nhất để đẩy câu chuyện mà mình chia sẻ lên đến cao trào. Đó là người mẹ gói ghém đòn bánh Tét cho con trở lên thành phố sau Tết, hay cô con gái với câu nói xé lòng: “Con làm dâu người ta thì làm cả năm, mà sao con làm con gái tía chỉ có ba ngày Tết cũng không được?”.
Dù không giành giải Quán quân nhưng tôi nhớ mãi câu nói của đạo diễn Vũ Thành Vinh khen ngợi về khả năng phá bỏ những không gian bó hẹp để vươn mình ra khỏi giới hạn của bản thân. Còn nhà báo Hà Quang Minh cho rằng, tôi đã làm đến 200% khả năng của mình… Tất cả những điều đó khiến tôi rất vui và cảm thấy hạnh phúc ở phần trình bày của mình.
Cám ơn Én bạc Hải Triều về cuộc trò chuyện thú vị này!
Minh Đăng