Nguyễn Trường (phải) và BTV Anh Dũng
Anh cho biết thêm, quay flycam kinh nghiệm rất quan trọng. Ở cuộc đua Cúp Truyền hình năm nay đi qua nhiều địa hình phức tạp, cần phải biết cách xử lý các tình huống kịp thời để phù hợp từng cảnh quay, mà cũng an toàn cho thiết bị. “Khi đoàn đua xe qua các khu vực đô thị, cái khó nhất là chướng ngại vật như: trụ ăngten viễn thông, dây điện, nhà cao tầng… nếu bay thấp thì dính các vật cản này, bay cao quá thì không thấy vận động viện bên dưới, bắt buộc tôi kiếm cách bay ở độ cao vừa phải để thấy bố cục đẹp mà vẫn thấy được vận động viên. Điều này, đòi hỏi người quay và người không lưu phải phối hợp ăn ý. Lúc này, người quay flycam phải thông báo liên tục dự định của họ bay như thế nào và độ cao bao nhiêu. Còn người không lưu cũng đưa ra những lệnh cảnh báo là phía trước có những chướng ngại hay không, bay độ cao như thế nào là an troàn, có lệch trái, lệch phải hay không để người điều khiển kịp thời điều chỉnh. Hai bộ phận này kết hợp một cách nhuần nhuyễn và ăn ý, bố cục sẽ đẹp và hạn chế rủi ro thấp nhất”. Đạo diễn Nguyễn Trường chia sẻ bí kíp của mình.
Nhóm làm trực tiếp flycam tại đèo Hải Vân, chặng Huế - Đà Nẵng
Xuân Hiếu (trái) và Trung Hiếu
NÉT MỚI Ở CÚP TRUYỀN HÌNH
Anh Phạm Cao Thanh Hải - Tổng Đạo diễn các chương trình truyền hình Cúp Truyền hình 2018 cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Cúp Truyền hình có những cảnh quay từ flycam cho những chặng đua trực tiếp trên sóng HTV. Cách đây 5 năm, chúng tôi đã có ý tưởng làm việc này rồi. Tuy nhiên, thời điểm đó flycam kết nối với xe màu rất khó khăn bởi không đồng bộ về kỹ thuật. Thời điểm đó, trực tiếp truyền hình đoàn đua từ góc quay flycam chỉ mang tính chất thử nghiệm, nhưng để đạt hiệu quả tốt nhất thì chưa có. Về hiệu quả hình ảnh flycam trực tiếp các chặng đua năm nay, anh hào hứng nói: “Năm nay là năm đột phá của Cúp Truyền hình, để khai thác flycam một cách hiệu quả nhất HTV đã huy động những nhân sự có kỹ thuật flycam tốt nhất, đam mê và vững tay nghề để làm nên những hình ảnh tuyệt vời cho những chặng đua trực tiếp”.
Đoàn đua trên đèo Hải Vân nhìn từ flycam
Về việc thực hiện những cảnh quay trực tiếp từ flycam, Nguyễn Trường chia sẻ thêm: “Quay hình lên sóng trực tiếp truyền hình nên không được sai sót. Phải làm sao chính xác, hình ảnh đưa lên sóng thật là đẹp. Chứ điều khiển đường bay đẹp mà hình ảnh truyền về không tốt thì đạo diễn cũng không sử dụng được, truyền hình trực tiếp thì không có cơ hội bay tới bay lui nhiều lần nên cú bay phải mang tính an toàn, đẹp, hiệu quả tích hợp trong một thời điểm nhất định”.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của các kỹ thuật viên truyền dẫn phát sóng. Để chọn điểm quay, họ phải đi trước để khảo sát nơi đó có sóng 4G hay đường truyền cáp quang. Do bị áp lực về thời gian nên thiết bị phải gọn nhẹ, các thao tác kỹ thuật cần nhanh chóng, chính xác. Nói về kỹ thuật truyền dẫn, ông Trương Vũ An Chinh - Giám đốc Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng, cho biết: “Chuẩn bị cho cuộc đua năm nay, Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng được Ban Tổng Giám đốc Đài đầu tư một số thiết bị mới của truyền hình, cộng thêm việc nghiên cứu cải tiến, áp dụng nhiều phương pháp truyền dẫn khác nhau ở bất kỳ điểm nào trên đoàn đua. Chúng tôi dẫn tín hiệu video từ flycam đưa qua một thiết bị mã hóa chuyên dụng và truyền bằng sóng 4G hoặc cáp quang về cho xe màu để đạo diễn lấy hình ngay lập tức”.
Đoàn đua qua cầu Trần Phú – TP. Nha Trang
Cúp Truyền hình năm nay đã tròn 30 tuổi. Trong chặng đường ấy, chứng kiến bao sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của những người làm truyền hình HTV nhằm gửi đến khán giả những phóng sự, tường thuật về đoàn đua xe đạp một cách nhanh chóng, chính xác và sinh động nhất. Đạo diễn Phạm Cao Thanh Hải chia sẻ: “Hàng chục năm nay, chúng ta đã truyền hình trực tiếp nhiều chặng đua rồi, với những góc máy trên cao của đoàn đua, cùng lắm là đứng trên tòa nhà cao tầng, ngọn núi để quay lại nhưng không sinh động… Năm nay tổ truyền hình trực tiếp của chúng tôi không phải tìm kiếm những tòa nhà cao tầng nữa vì chúng ta đã có flycam mô tả đường đua rất cơ động. Rõ ràng khi flycam đã thông dụng như hiện nay và được điều khiển bởi những nhà quay phim chuyên nghiệp thì hình ảnh sinh động hẳn, nó động khuôn hình, mô tả được bối cảnh của đoàn đua về mặt chuyên môn. Ngoài ra, chúng ta còn thấy được hình ảnh đẹp dọc theo chiều dài đất nước, phải nói là cực kỳ thú vị!”.
Cảnh đoàn đua qua Đèo Nhông, tỉnh Bình Định
Qua những chặng đua được truyền hình trực tiếp hay những ký sự đồng hành, chúng ta sẽ dễ dàng thấy các điểm đèo, khúc đường quanh co, cánh đồng lúa, những cây cầu bắc qua sông, khu đô thị… hiện lên trong những cảnh quay flycam rất đẹp. Những hình ảnh này kết hợp với những cảnh quay bên dưới đường đua không chỉ giúp khán giả truyền hình thỏa mãn hơn về mặt thị giác mà qua đó giúp họ hiểu hơn về công việc của những người làm truyền hình, luôn sáng tạo tìm tòi, ứng dụng công nghệ mới để gửi đến khán giả những cảnh quay đẹp và ấn tượng nhất.