Gia Định – dấu xưa thành cổ (Phần 1)

Trên bình diện lịch sử, nếu Thăng Long là linh hồn của đất Bắc, Thuận Hóa là trái tim của miền Trung, thì Gia Định chính là biểu tượng của miền Nam kiên cường, bất khuất. Biểu tượng ấy liên tục được các thế hệ người Việt vun đắp, dựng xây, để chúng ta có được một thành phố Hồ Chí Minh hào hoa và tráng lệ như ngày hôm nay.

 Thành Gia Định (nguồn WikipediA)

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, và công việc của Nguyễn Hữu Cảnh trong chuyến kinh lược này được Trịnh Hoài Đức ghi lại trong “Gia Định Thành Thông Chí” như sau: “Lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị”. 

Như vậy, đây là lần đầu tiên vùng đất này được định danh, được phân ranh, được đăng ký vào sổ bộ của Việt Nam. Qua việc làm này, Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức xác lập và tuyên bố chủ quyền quốc gia Việt Nam trên vùng đất mới. Danh xưng Gia Định ra đời lúc đầu chỉ mới là một phủ bao gồm cả Sài Gòn. Vào năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho lập Phủ Gia Định, tên gọi đầu tiên chỉ chung cả vùng đất mới ở phương nam vừa được khai khẩn. 

Tên “Gia Định” được đặt với hàm ý nói vùng đất đã được sắp xếp an ổn, vững vàng. Hai địa danh Sài Gòn - Gia Định luôn gắn liền nhau bởi Sài Gòn là lỵ sở của Gia Định, và năm 1698 là cái mốc chính cho danh xưng Sài Gòn – Gia Định. Năm 1998, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tưng bừng kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển là xuất phát từ mốc lịch sử này.

Đường phố Sài Gòn năm 1915 (nguồn WikipediA)

Sử còn ghi, trước khi được lên làm vua, Nguyễn Ánh đã phải bôn ba trong vùng Gia Định để chiến đấu chống lại quân Tây Sơn. Vào năm 1790, Nguyễn Ánh cho xây Gia Định thành, hay còn gọi là thành Bát Quái trên khu Gò Tân Khai để thiết lập Gia Định Kinh (kinh thành Gia Định) theo kiểu hình Vauban có chu vi 3,8km nằm lọt giữa 4 con đường hiện nay là Lê Thánh Tôn, Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Đức Thắng nối với Đinh Tiên Hoàng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Năm 1833, Lê Văn Khôi là con nuôi của Lê Văn Duyệt, do tư thù đã nổi loạn, đánh chiếm thành Bát Quái và biến nơi đây thành căn cứ chính cho cuộc nổi dậy của mình. Đến năm 1835, sau khi đánh bại Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng ra lệnh phá bỏ thành Bát Quái, cho xây mới Thành Gia Định thứ hai hay còn được gọi là Phụng Thành. 

Phụng Thành được xây dựng ở Đông Bắc thành cũ theo kiểu thành trì kinh điển của Vauban nhưng nhỏ hơn thành Bát Quái, chỉ có bốn pháo đài bốn góc so với tám pháo đài của thành Bát Quái cũ. Tường thành cao 4,7 m, mỗi cạnh dài trên 490 m được làm từ đá granite, gạch và đất. Xung quanh thành có hào nước bao bọc. 

Đối chiếu với ngày nay, vị trí của Phụng Thành nằm trong phạm vi bốn con đường: Nguyễn Bỉnh Khiêm là mặt đông thành, Mạc Đĩnh Chi là mặt Tây thành, Nguyễn Đình Chiểu là Bắc thành và Nguyễn Du là mặt Nam thành.

Hướng Pháp tấn công thành Gia Định (nguồn WikipediA)

Năm 1867, thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ. Do không chịu đựng nổi trước sức mạnh quân sự của thực dân Pháp nên sứ thần Phan Thanh Giản theo lệnh của triều đình đã lần lượt ký nhượng cho quân Pháp 3 tỉnh miền đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường rồi tiếp theo là 3 tỉnh miền tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. 

Sau khi chiếm toàn bộ Nam kỳ, Pháp chỉ giữ lại tên gọi chung này, nhưng xoá bỏ cách phân chia hành chính của triều Nguyễn. Thay vào đó, người Pháp đã phân chia và tổ chức “Nam Kỳ Lục tỉnh” thành nhiều tỉnh nhỏ. Gia Định được chia ra thành 5 tỉnh là: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh và Gò Công. Những thành quách quân sự có vai trò rất quan trọng về mặt chính trị, quân sự, địa lý của vùng Gia Định trong một khoảng thời gian dài đều bị san phẳng, đốt cháy rụi vì binh lửa.

Dấu tích của Gia Định thành xưa hầu như không còn. Một trong những chứng tích hiếm hoi còn sót lại cho đến ngày nay là Gò Cây Mai nằm ở góc đường Hồng Bàng và Nguyễn Thị Nhỏ, thuộc phường 16, quận 11. Sử còn ghi, năm 1860, Nguyễn Tri Phương từng cầm cự với quân Pháp ở Gò Cây Mai, lúc bấy giờ gọi là Mai Sơn, trước khi rút về cố thủ tại đồn Kỳ Hòa. Đến năm 1895, sau khi thành Gia Định thất thủ, quân triều đình từ Vĩnh Long và Định Tường tới đóng ở Mai Sơn nhằm mưu chiếm lại thành nhưng bị quân Pháp tấn công đành phải rút lui về Vĩnh Long. 

 Khu vực cổng chính hướng đông nam thành Gia Định bị tấn công, hiện nay là ngã tư Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng

Sau khi đánh chiếm được Mai Sơn, quân Pháp đã xây dựng một đồn binh trên Gò này. Lúc bấy giờ ở gò đất này có một ngôi chùa rất nổi tiếng, tên chữ là Mai Sơn Tự. Mai Sơn có cảnh chùa, lại có Bạch Mai là giống mai quý, nên là một thắng cảnh được nhiều tao nhân mặc khách tới đảnh lễ Phật, ngắm cảnh, thưởng mai và ngâm vịnh. Một hội tao đàn đã được thành lập ở đây, lấy tên là thị xã Bạch Mai. 

Khi quân Pháp xây đồn lính ở Mai Sơn, chùa Cây Mai bị triệt hạ, dần dần chẳng còn dấu vết gì nữa ngoài một cây Bạch Mai sống sót. Ngày nay, nơi đây đã trở thành một công viên nhỏ, trên đó có ngôi miếu nhỏ nằm e ấp dưới một gốc mai già.

(Còn tiếp)

Văn Nguyễn
Bếp nhà mình - Tập 139

Bếp nhà mình - Tập 139

Trịnh Tài lần đầu làm “sinh tố mây”
Việt Nam đi là ghiền - Mùa 3 - Tập 23

Việt Nam đi là ghiền - Mùa 3 - Tập 23

Về Hồng Ngự, Đồng Tháp khám phá làng dệt choàng trăm tuổi