Đất Gia Định thời sơ khai bao trọn phần đất Nam Bộ hiện nay. Thủ phủ của miền đất ấy là vùng Gia Định – Sài Gòn - Chợ lớn, nay là địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Phối cảnh đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Công viên Lịch sử, văn hóa dân tộc Quận 9, TP. Hồ Chí Minh
Gia Định thành xưa vốn được Nguyễn Ánh dùng làm nơi bố phòng quân sự, làm “hậu cứ” để tấn công Tây Sơn, một mặt còn là nơi bố phòng chống lại các thế lực xâm lược. Đây được xem là công trình kiến trúc quy hoạch Thành phố có phân khu “đường sá và phố phường” chỉ sau Lũy bán Bích xây dựng năm 1772. Đây cũng là nơi đầu tiên hình thành Thành Thị đúng nghĩa khách quan của nó.
Cùng với những bến cảng, bến sông, các khu chợ ở xứ này thực sự là nét nổi bật của diện mạo xã hội của một vùng trù phú nông hải sản và năng động thương mại lúc bấy giờ. Các khu chợ Điều Khiển, chợ Đa Còm, chợ Bến Thành, chợ Tân Kiểng hình thành nên một hệ thống thương mại sầm uất của Gia Định thành xưa. Khi đã có chợ có thuyền, lúa gạo trở thành hàng hóa, Gia Định-Sài Gòn-Chợ Lớn thành trung tâm thương mại trung chuyển hàng hóa, làm xuất hiện một nền kinh tế hàng hóa trong lòng xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ XVIII.
Trở về với giai đọan đầu của công cuộc khẩn hoang mở cõi, Gia Định thành và cả miền Nam thời bấy giờ còn hoang hoá, đất đai chưa thuần thục, nạn trộm cướp hoành hành nhiều nơi. Có thể nói, Nguyễn Hữu Cảnh là người có công đặt đơn vị hành chính Gia Định và toàn miền Nam, còn người đã có công khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc lại chính là Tả quân Lê Văn Duyệt.
Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong bốn vị đại tướng được xem là đệ nhất công thần có công phò giúp Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế. Ông là một nhân vật có số phận lịch sử đặc biệt. Sau khi ông qua đời, có nhiều nhận định, đánh giá trái ngược nhau. Ca ngợi tài năng và công lao của ông cũng nhiều, mà phê phán cũng không ít. Qua từng thời kỳ, nhiều sử sách đánh giá khác nhau về cuộc đời danh tướng Lê Văn Duyệt. Nhưng, đối với nhân dân Gia Định và cả miền Nam, ông vẫn là một người có nhiều công đức đối với nhân dân và đất nước.
Nhân dân khởi nghĩa bảo vệ thành (nguồn WikipediA)
Sau khi ông qua đời, nhân dân Nam Kỳ lục tỉnh đã nhiều lần đóng góp công sức tiền của để xây dựng, tu sửa, tôn tạo khu mộ và đền thờ Lê Văn Duyệt. Khu lăng mộ của ông hiện tọa lạc giữa trung tâm quận Bình Thạnh. Người dân Nam bộ cho rằng, đây là nơi linh thiêng nên gọi bằng cái tên kính cẩn: Lăng Ông, ghép với tên vùng đất Bà Chiểu xưa, nơi lăng tọa lạc, gọi luôn theo kiểu Nam Bộ là Lăng Ông Bà Chiểu. Đây được xem là một biểu tượng của Sài Gòn - Gia Định xưa và từ lâu đã trở thành một địa điểm gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của người dân thành phố.
Được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989, Lăng Ông Bà Chiểu sở hữu những nét kiến trúc truyền thống đặc trưng thời Nguyễn. Đến đây thắp nén nhang cũng là một cách thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ về người đã có công khai hoang, mở mang và giữ bình yên cho vùng đất Sài Gòn – Gia Định từ thưở đầu khai hoang lập ấp.
Lăng ông Bà Chiểu - một địa điểm gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của người dân TP.Hồ Chí Minh
Qua thời gian, những kiến trúc cổ xưa trở thành những di sản vô giá, góp phần làm tăng thêm sự đa dạng văn hoá của vùng đất Sài Gòn – Gia Định, tô đẹp thêm cho những hình thái kiến trúc cổ song hành cùng kiểu thức kiến trúc thuộc địa của người Pháp và những công trình kiến trúc hiện đại của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Cùng với Lăng Ông Bà Chiểu, dấu tích kiến trúc văn hóa của Gia Định thành xưa còn được lưu giữ đến nay cần được kể đến là đình Minh Hương Gia Thạnh. Đình là nhà việc của xã Minh Hương, một xã được thành lập vào năm 1698, tập hợp con cháu người Hoa ở dinh Phiên Trấn.
Năm 1808, vua Gia Long ban cho tên "Gia Thạnh đường" nên đình còn có tên Minh Hương Gia Thạnh. Năm 1867, chính quyền thuộc địa thay đổi cơ cấu hành chính, đình không còn là nhà việc của xã và trở thành hội quán của hội Minh Hương Gia Thạnh. Đình Minh Hương Gia Thạnh thờ nhiều danh nhân có công với đất nước, ngoài ý nghĩa là một di tích của xã Minh Hương, nơi thờ tự hương hỏa của người Minh Hương, đình còn có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm khắc gỗ mang phong cách Việt Nam thế kỷ XIX.
Sài Gòn – Gia Định là vùng đất có bề dày lịch sử hơn ba trăm năm, là nơi lưu giữ dày đặc những công trình kiến trúc cổ in đậm dấu ấn một thời của cha ông từ thủa đi khai hoang mở đất. Theo dòng lịch sử, vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa đã mang nhiều tên khác nhau như: Phiên Trấn dinh, Phiên An trấn, Gia Định phủ, Gia Định trấn, Gia Định thành và cuối cùng là Gia Định tỉnh trước khi bị xóa tên.
Cũng giống như số phận trầm luân của vùng đất này, nhiều công trình kiến trúc cổ của Sài Gòn – Gia Định đã bị bánh xe lịch sử nghiền nát và biến vào hư không. Trong số đó, Gia Định thành - một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa – lịch sử đặc sắc của vùng đất Nam kỳ Lục tỉnh cũng không nằm ngoài quy luật này.
TP. Hồ Chí Minh trên đường phát triển
Trong suốt hơn 270 năm tồn tại, tùy theo thời đại và các biến cố lịch sử đổi thay khôn lường, địa danh Gia Định luôn hàm chứa một lịch sử oai hùng của dân tộc trong công cuộc mở cõi về phương Nam trù phú và trong các cuộc chiến tranh oai hùng của dân tộc chống ngoại xâm.
Thành Gia Định giờ không còn nhưng những ký ức hào hùng một thưở sẽ mãi mãi còn in đậm trong hồn cốt những người con đất Việt.
Văn Nguyễn