KỶ NIỆM 44 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2019)

Gian nan khi làm phim đề tài chiến tranh cách mạng

Mấy năm gần đây rất hiếm phim về đề tài chiến tranh cách mạng được sản xuất. Bởi lẽ, bên cạnh kịch bản chân thực về giá trị lịch sử mà vẫn cuốn hút khán giả, thì các nhà làm phim phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để hoàn thành được tác phẩm.


Cảnh trong phim "Huyền thoại 1C"

1. Kể từ khi ra đời (năm 1953), rồi xuyên suốt những thập niên 1960 - 1990, Ðiện ảnh Việt Nam đã có được “của kho” quý giá với hàng trăm bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng trải dài theo các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước. Có thể kể tên rất nhiều bộ phim nổi tiếng như: Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Ðường ra trận, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Cô Nết, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Hòn đất, Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa, Hà Nội mùa đông năm 46… 

Từ thập niên 2000 đến nay, dòng phim về đề tài chiến tranh cách mạng ngày càng ít về số lượng, bởi chiến tranh đã lùi xa, điện ảnh với vai trò phản ánh hiện thực xã hội có biết bao nhiêu đề tài khác. Tuy nhiên, vẫn có một số bộ phim điện ảnh và truyền hình ra đời như: Giải phóng Sài Gòn, Ðường thư, Ðừng đốt, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Sống cùng lịch sử, Ðường xuyên rừng, Dưới cờ đại nghĩa, Vó ngựa trời Nam, Cuộc vượt ngục thần kỳ, Ðường Hồ Chí Minh trên biển, Chiến hạm nổ tung, Huyền thoại 1C, Huế - Mùa mai đỏ... được sản xuất bởi kinh phí đầu tư của Nhà nước và các Ðài truyền hình lớn. Bẵng đi ba năm qua, hầu như không có thêm bộ phim nào, thì ở thời điểm này có bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên đang quay ở Quảng Bình, hay Nơi ta không thuộc về sắp công chiếu.

Cảnh trong phim "Chiến hạm nổ tung"

2. Trên thực tế, để có một bộ phim điện ảnh hay truyền hình về đề tài chiến tranh cách mạng thu hút người xem, bên cạnh cốt truyện hấp dẫn với các tuyến nhân vật được khai thác sâu về tâm lý, diễn xuất chân thực mà ấn tượng của dàn diễn viên, thì yếu tố cần và đủ là không khí chiến trận với sự hiện diện của các phương tiện, khí giới, bom, đạn. Hầu hết các nhà làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng thời nay đều khẳng định rằng, khó khăn lớn nhất là kinh phí quá thấp để đầu tư vào bối cảnh và kỹ thuật. Ðó là lý do tại sao, rất nhiều bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng sản xuất trong thời gian qua lại hạn chế sử dụng đại cảnh.

Việc thiếu vắng những trường quay khiến cho rất nhiều công đoạn làm phim chiến tranh cách mạng không thể thực hiện. Cũng vì bị động về địa điểm quay, không gian, ánh sáng, khói lửa khi tiến hành các đại cảnh đông người... nên phim chiến tranh chủ yếu dựa vào cảnh thực rồi cải tạo lại. Thế nên, khi cầm kịch bản Mùi cỏ cháy, cân đối số tiền được nhận, đạo diễn phải cắt bỏ nhiều đại cảnh hoành tráng, nhưng vẫn cố gắng giữ lại một số đại cảnh chính như: bộ đội vượt sông Thạch Hãn, pháo binh quân Việt Nam Cộng hòa pháo kích Thành cổ. Bối cảnh chính Thành cổ Quảng Trị được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, Sơn Tây), các bức tường thành, công sự được dàn dựng bằng xốp và gạch, đất, 100 quả nổ được sử dụng để có cảnh lửa cháy, khói mịt mù… Nhưng trong phim khán giả chỉ thấy một góc hẹp thành Quảng Trị, chứ không thể thấy được toàn bộ sự khốc liệt như thực tế mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Cảnh trong phim "Dưới cờ đại nghĩa"

3. Ðạo diễn Lê Cung Bắc - người thực hiện bộ phim Vó ngựa trời Nam về cuộc đời của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trong kháng chiến chống Pháp - cho biết: “Làm phim chiến tranh cách mạng cần phải có thời gian để chuẩn bị mọi thứ từ kịch bản, bối cảnh, phục trang, diễn viên… thật đầy đủ, hoàn thiện thì mới dám “đưa quân” ra phim trường”. Tuy nhiên, đoàn làm phim Vó ngựa trời Nam vẫn gặp phải khó khăn lớn nhất là bối cảnh và đạo cụ.

Nông thôn giờ đây hều hết đã được bê tông hóa. Ðể có được một làng Tân Uyên cách đây 80 - 90 năm, đoàn phim phải dựng cả một ngôi làng với chục căn nhà vừa ngói vừa tranh, có giếng nước, chuồng bò, đường làng... ở phim trường của HTV (Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Những cảnh quay ở rừng Sác, Cần Giờ thì phải dựng những ngôi nhà sàn trên đầm lầy. Lặn lội cả tuần lễ đoàn phim mới tìm được một nhà máy xay lúa xưa ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Trà Vinh nhưng phải quay “ăn gian” mặt tiền và con đường vào nhà máy ở một ngôi nhà cổ mãi Bình Dương. Ðoàn phim cần quay một đoàn xe nhà binh Pháp trong cảnh hành quân để tạo nên không khí rầm rập của thời chạy loạn, nhưng đành chịu vì không thể tìm được những chiếc xe thời đó. 

Cảnh trong phim "Những người viết huyền thoại"

4. Bộ phim Chiến hạm nổ tung (chuyển thể từ tiểu thuyết Câu lạc bộ chính khách của nhà văn Lê Tri Kỷ) kể về chiến công của các chiến sĩ tình báo từng làm nổ tung chiến hạm Amyot D’Inville ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Vì bối cảnh diễn ra vào những năm 1948 - 1950 nên chỉ riêng việc đi tìm bối cảnh nhà của nhân vật chính Trúc Lâm đã ngốn của đoàn làm phim sáu tháng trời từ Nam chí Bắc. Cuối cùng, ê-kíp đành phải chọn một ngôi nhà cổ giữa trung tâm thành phố. 

Ngay các đạo cụ như: gạt tàn, giày, dép, vũ khí… cho hợp bối cảnh cũng khó kiếm vô cùng. Gian nan nhất vẫn là bối cảnh chiến hạm Amyot D’Inville bởi mượn được một con tàu lớn như thế rất khó, mà cũng không có đủ tiền để đi thuê. Có lúc mọi người đã phải tính đến phương án thuê tàu cá, nhưng như thế sẽ hỏng cả bộ phim. May mắn được Bộ Tư lệnh Hải quân đã cho mượn một con tàu lớn, song cảnh chiến hạm nổ tung thì phải dùng kỹ xảo.

5. Bộ phim Huyền thoại 1C tái hiện cuộc chiến đấu suốt hơn 2.000 ngày đêm của những chiến sĩ trong Ðội TNXP trên tuyến đường khói lửa vận chuyển vũ khí, thuốc men, lương thực, thương binh… ở miền Tây Nam bộ cuối những năm 1960. Các di tích lịch sử rừng tràm huyện Mộc Hóa (Long An), hang núi Moso (Kiên Giang), đồi Tức Dụp (An Giang), rừng Sác (huyện Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh)… đã được “cải tạo” làm bối cảnh phim. 

Hiện trường quay một đại cảnh của phim "Đường Hồ Chí Minh trên biển"

Ngoài ra, đoàn làm phim phải đóng 34 xuồng ba lá khác nhau, thuê đàn trâu 30 con từ Campuchia để kéo hàng trên mặt nước lệt xệt vì trâu của ta không làm được như thế. Ðã có 457 khẩu súng các loại, 1.500 kg thuốc nổ, 300 kg khói màu, hơn 1.000 lít xăng dầu cùng trực thăng, thiết giáp… đã được sử dụng phục vụ cho các đại cảnh bom rơi đạn nổ. Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói rằng có những đại cảnh chưa thật hoàn hảo nhưng không thể làm lại vì quá tốn kém, vì một phút kỹ xảo phải tiêu tốn đến cả triệu USD.

6. Hiện nay, với thế mạnh của kỹ xảo, phim về đề tài chiến tranh cách mạng có thể khắc phục được một số hạn chế về bối cảnh. Kỹ thuật quay flying-cam (quay phim bằng máy bay mô hình) sẽ  giúp ghi lại hình ảnh mô phỏng trận chiến chân thực và sống động nhất. Thế nhưng, kinh phí sản xuất quá lớn vẫn luôn là bài toán khó cho việc sản xuất dòng phim này. 

Vì vậy, đã có không ít dự án phim đề tài chiến tranh cách mạng phải ngừng sản xuất giữa chừng hoặc vẫn chỉ nằm trên giấy. Và dù vẫn có những ê-kíp làm phim tâm huyết, không ngại khó, ngại khổ để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhưng để có được một vài bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng giúp người xem, nhất là giới trẻ phần nào hiểu thêm về lịch sử nước nhà thì cần những sự đầu tư một cách thỏa đáng về nhiều phương diện.

Phúc Như Thủy