"Giành anh từ biển" là chuyện tình lãng mạn nhưng cũng đầy bi kịch với hành trình sống sót và chiến đấu giành lại người yêu từ biển cả của cô gái Tami Oldham. Bộ phim được xem như là phiên bản Titanic thời hiện đại.
Giành anh từ biển được dựa trên câu chuyện có thật
Dựa trên một câu chuyện có thật
Giành anh từ biển (Adrfit) là bộ phim của STX Films sản xuất, do Baltasar Kormákur đạo diễn, dựa trên một sự kiện có thật xảy ra vào năm 1983.
Từ những dữ liệu từ quyển tự truyện Red Sky at Mourning: A true story of love, loss, and survival at sea của Tami Oldham Ashcraft xuất bản năm 2002, bộ ba biên kịch Aaron Kandell, Jordan Kandell và David Branson Smith đã khéo kéo kể một câu chuyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ, của những ngày mới yêu với biết bao ngọt ngào, những mộng ước mà đôi tình nhân trẻ trong phim không ngừng tin tưởng, đối lập hoàn toàn với thời khắc sinh tử ở thời điểm hiện tại họ đang phải đối đầu.
Bộ phim xoay quanh một đôi tình nhân Tami Oldham (Shailene Woodley thủ vai) và chàng thủy thủ Richard Sharp (Sam Claflin thủ vai) vượt biển 4000 dặm từ Tahiti đến San Diego để theo đuổi những chuyến phiêu lưu.
Shailene Woodley và tài tử Sam Claflin trong phim
Nhưng cả hai không ngờ rằng họ sẽ đi thẳng vào một cơn bão thảm khốc nhất trong lịch sử. Sau cơn bão, Richard bị thương nặng còn con thuyền đã bị phá tan. Không có cơ hội được cứu, Tami phải tìm lấy sức mạnh và lòng quyết tâm để cứu lấy bản thân và người đàn ông duy nhất cô từng yêu. Giành anh từ biển là một câu chuyện cảm động về tình yêu và nghị lực phi thường để chiến đấu giành sự sống.
Với kinh nghiệm đạo diễn những bộ phim mô phỏng thiên tai và ý chí đấu tranh sinh tồn, Baltasar Kormákur không chỉ xây dựng một câu chuyện tình yêu cảm động mà còn tái hiện một cách chân thật ý chí sống còn của Tami Oldham trong 41 ngày lênh đênh trên biển.
"Nàng Rose" thời hiện đại
Xem Giành anh từ biển lại khiến ta nhớ tới bộ phim Titanic huyền thoại, câu chuyện tình yêu đẹp đẽ nhưng bi kịch của Jack và cô tiểu thư Rose đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả biết bao thế hệ. Tuy tình yêu của Tami và Richard cũng bị thách thức bởi đại dương, bị chia cắt bởi những cơn bão tố dữ dội, điên cuồng nhưng Tami lại bi thảm hơn Rose nhiều.
Sau khi tỉnh lại sau cơn bão, Tami trèo lên boong tàu để tìm kiếm hi vọng, cô nhận ra không có một chiếc thuyền nào trong tầm mắt. Những ngày sau đó, Tami còn gặp nhiều điều tệ hơn: động cơ thuyền hỏng, các thiết bị điện tử để liên lạc bị hư hại, radio không còn, Richard thì biến mất, lương thực chỉ còn một ít. Điều may mắn nhất của Tami lúc này là bánh lái của tàu vẫn hoạt động.
Tami giành giật sự sống từ biển cả bao la
Đối với các tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại đấu tranh sinh tồn, đa phần nhân vật chính đều là nam giới. Từ 127 giờ sinh tử (127 Hours), Đỉnh Everest (Everest), Về với thiên nhiên (Into The Wild) đến Cuộc đời của Pi (Life of Pi)... hiếm khi nhân vật nữ nào trở thành trọng tâm của câu chuyện. Nhưng Shailene Woodley của Giành anh từ biển lại làm được.
Cô đã tạo ra được một nhân vật Tami sinh động, quyến rũ nhưng lại vô cùng can đảm, mạnh mẽ. Những phân cảnh đòi hỏi sự thể hiện nội tâm phức tạp, sự chuyển biến tình cảm của Tami dành cho Richard trong nửa đầu phim hay sự thay đổi về hình ảnh, trở thành một người tháo vát, mạnh mẽ với ý chí sóng sót kiên cường trong nửa phim còn lại cũng được Woodley diễn xuất một cách trơn tru.
Thử thách lớn của đạo diễn chuyên trị dòng phim sinh tồn
Giành anh từ biển là sự kết hợp của đạo diễn Baltasar Kormákur (phim Đỉnh Everest - 2015) và anh em nhà biên kịch nhà Kandell (Aaron & Jordan) của bộ phim hoạt hình Hành trình của Moana (Moana - 2016).
Bộ phim được quay trong vòng 49 ngày, chủ yếu tại Fiji (một đảo quốc tại châu Đại Dương, thuộc phía nam Thái Bình Dương, phía tây Vanuatu, phía đông Tonga và phía nam Tuvalu). Dù có kinh nghiệm trong việc mô tả các thiên tai bằng ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn Kormákur vẫn cảm thấy Fiji là một thách thức lớn.
Đạo diễn Baltasar Kormákur nổi tiếng với những bộ phim sinh tồn khốc liệt
Ông cho biết: “Ra ngoài khơi xa bằng chiếc thuyền nhỏ, lênh đênh trên đại dương rộng lớn 12-14 giờ mỗi ngày, bạn không thể giả mạo nó được. Những kĩ thuật quay phim trên đất liền không giống như quay trên mặt nước và thỉnh thoảng, có một số dụng cụ quay phim bị “lạc trôi” mất". Điều này đã gây áp lực rất lớn cho Kormákur và đồng nghiệp của ông là đạo diễn hình ảnh Robert Richardson, vì họ không thể tái hiện lại những cảnh quay không thành công khi ở giữa biển như thế.
Đạo diễn hình ảnh Robert Richardson (trái) và ê-kíp quay phim tại đảo Fiji
Kết hợp với anh em biên kịch Moana, đạo diễn Kormákur sẽ lại tái hiện lại cơn bão thảm khốc nhất Thái Bình Dương cùng với những giây phút lãng mạn của đôi tình nhân trẻ và hành trình sống sót giành lấy sự sống. Với sức mạnh bất diệt của tình yêu và ý chí sinh tồn, sau 41 ngày lênh đênh trên biển khơi, liệu họ có thể tìm đường trở về được đất liền?
Đón xem bộ phim "Giành anh từ biển" (Adrift) phát sóng lúc 11g10 ngày 30/6 trên kênh Fox Movies thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.
Giao Huỳnh