Đã bước qua tuổi 80, nhưng GS.TS Võ Tòng Xuân vẫn lội ruộng băng đồng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để chia sẻ với nhà nông về chăn nuôi, trồng trọt. Ông tâm niệm nếu giúp được người nông dân đạt nhiều lúa gạo, thì ông càng "đạt chỉ tiêu".
Hành trình đặc biệt của ông xuất phát từ thời còn học trung học, với mong muốn làm sao phải thay đổi đời sống của người nông dân Việt Nam. "Thời ấy, cứ mỗi lần vào vụ mùa, tôi lại thấy dì dượng của mình làm việc quá vất vả. Cuộc sống của người nông dân Việt Nam nhìn chung rất cực khổ. Từ đó, tôi muốn làm thế nào để học thật tốt, rồi tham gia cải thiện cuộc sống của người nông dân để dân ta bớt khổ" - ông chia sẻ.
Năm 1969, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Nông hóa tại Đại học Nông nghiệp Philippines, ông được Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) nhận vào làm. Năm 1971, ông quyết định về nước với mong muốn mang kiến thức nông nghiệp phổ cập tới người dân, từ đó góp phần giúp nông dân trồng lúa hiệu quả hơn. Nhưng phải tới năm 1976, bước ngoặt trong hành trình của GS.TS Võ Tòng Xuân mới diễn ra.
Khi ấy, nông dân ĐBSCL ai nấy đều gặp khó khi hầu hết các giống lúa cao sản đương thời như TN73-2, IR26... bị hư hỏng hàng loạt bởi rầy nâu Biotyp-2. Trước tình thế nguy cấp, GS.TS Võ Tòng Xuân tìm cách liên hệ với Viện IRRI để tìm sự trợ giúp. Ông được TS Gurdev Khush (Viện IRRI) gửi 5g hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện. GS.TS Võ Tòng Xuân nghĩ rằng để cứu nông dân, cách duy nhất là phải tìm ra cách nhân giống nhanh nhất có thể.
Nhờ vậy mà chỉ trong 3 tháng, từ 5g hạt giống ban đầu, đã thu về hơn 2 tấn giống. Sau đó, ông tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân, đưa giống lúa IR36 phủ kín khắp các vùng lúa cao sản. Lần đầu tiên, người nông dân thoát khó khi đánh bại "giặc" rầy nâu, thậm chí còn trúng mùa.
Năm 2023, GS.TS Võ Tòng Xuân cùng với nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn, Giáo sư Gurdev Singh Khush, đã giành giải đặc biệt, dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển với công trình "Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh". Hai nhà khoa học được vinh danh cho đóng góp quan trọng trong việc phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
GS.TS Võ Tòng Xuân tâm sự: "Cho tới nay, 83 tuổi, tôi cảm thấy đam mê cây lúa của mình, sâu xa nhất là giúp người nông dân đỡ khổ. Bởi vì đích đến của việc làm ra giống lúa tốt chính là người nông dân sử dụng được để giúp họ no đủ rồi khấm khá hơn".
Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Kim Quyên