Bộ phim tài liệu này nói về một loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt, nơi các diễn viên xuất thân từ những khối gỗ, mặt nước là sàn diễn, con người thầm lặng đứng sau hậu trường cho các diễn viên gỗ tỏa sáng trên sân khấu.
Bộ phim tài liệu hứa hẹn nhiều đặc sắc "Gìn giữ làng nghề trăm năm" sẽ được phát trên sóng HTV9 vào 8g thứ Ba (24/1), tức Mùng 3 Tết Quý Mão.
Lấy bối cảnh ngôi làng cổ Đào Thục yên bình nằm dưới bờ đê sông Cà Lồ, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km, phim sẽ đưa khán giả đến một không gian đặc biệt, nơi nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế với nghề truyền thống: Múa rối nước.
Theo sử sách ghi lại, làng nghề múa rối nước Đào Thục có từ thời Hậu Lê (cách đây trên 3 thế kỷ). Lúc bấy giờ, trong làng có người tên Nguyễn Đăng Vinh (tên thật là Đào Đăng Khiêm) giữ chức vụ Nội giám dưới thời nhà Lê. Trong thời gian làm quan trong triều đình, ông học hỏi được nhiều kỹ nghệ của các phường nghề, đặc biệt trong đó có nghề múa rối nước.
Từ các phường rối trong cả nước từng đến biểu diễn phục vụ triều đình, ông tiếp thu nghệ thuật này rồi chọn lọc và đem về truyền dạy cho dân làng mình.
Phường rối Đào Thục từ đó ra đời, những nghệ nhân đồng thời là những người nông dân trong làng - đã tiếp thu, gìn giữ và lưu truyền nghệ thuật múa rối nước. Không chỉ truyền dạy cách biểu diễn, Ông Tổ của nghề còn hướng dẫn dân làng cách tạo tác quân rối theo một cách riêng, để khi trình diễn con rối thể hiện được linh hoạt, bắt mắt và có hồn.
Đồng hành với từng thước phim được chăm chút trong "Gìn giữ làng nghề trăm năm", khán giả sẽ có cảm nhận sâu sắc rằng, mỗi con rối là một khối vật thể sống, đại diện cho một số phận, một con người có thật trong lịch sử.
Theo dõi phim, quan sát nghệ nhân đục đẽo tạo hình rối, người xem sẽ thấy được ở họ những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, tỉ mỉ; cách họ tạo đường nét, thần thái cho rối gỗ; cách họ tính toán để cấu trúc quân rối sao cho linh hoạt các chuyển động... Qua sự tinh tế trong chế tác và trái tim đầy tình yêu với nghề, người nghệ nhân đã tạo nên những quân rối rất riêng, rất có hồn.
Thông qua bộ phim, khán giả cũng sẽ hiểu thêm về ý nghĩa loại gỗ sung được sử dụng để đục quân rối, hiểu được nguyên do khiến các nghệ nhân thích đục rối bằng tay, biết rõ các bước để tạo thành quân rối, phân biệt được sự khác nhau giữa rối Đào Thục với các phường rối khác...
Bên cạnh đó, những trò diễn dân gian có từ những ngày đầu, được phường rối Đào Thục lưu giữ, cũng được khắc họa trong bộ phim này. Cùng với đó là việc sáng tạo những nội dung mới, đơn cử như câu chuyện về tiết mục rối nước "Điện Biên Phủ trên không".
Không chỉ nói về những điểm đặc thù của nghệ thuật múa rối nước, bộ phim "Gìn giữ làng nghề trăm năm" còn nói về những nỗ lực của thế hệ hôm nay trong việc bảo tồn và lưu giữ nghệ thuật múa rối nước.
Dù loại hình nghệ thuật này không mang hào quang đến cho nghệ nhân và những người biểu diễn, nó cũng không mang đến tiền tài vật chất cho những người đang làm nghề, nhưng làng rối nước Đào Thục vẫn còn không ít những người cố gắng bám trụ với nghề. Đó không chỉ xuất phát từ tình yêu với nghệ thuật truyền thống mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của những người trẻ, trong việc lưu giữ món quà vô giá mà tổ tiên để lại cho thế hệ mai sau.
Đón xem bộ phim tài liệu đầy chiều sâu "Gìn giữ làng nghề trăm năm" vào 8g thứ Ba (24/1), tức Mùng 3 Tết trên HTV9.
Thiên Bình (Ảnh: TFS)