ONE Championship

Giorgio Petrosyan: Đứng trên đỉnh vinh quang biết ơn về xuất thân khiêm tốn

Kickboxer huyền thoại cho biết, việc luôn nhìn về tuổi thơ cơ cực và đầy biến động là điều giúp anh tiến lên phía trước và trân trọng những gì mình đạt được.



Là một trong những kickboxer vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại, Giorgio Petrosyan sở hữu bảng thành tích đủ làm cho bất cứ ai cũng phải cúi đầu bái phục: hàng loạt chiếc đai danh giá và kỷ lục 102-2-2 (thắng-thua-hòa). Thế nhưng, mấy ai biết được rằng trước khi sống trong hào quang sáng chói như ngày hôm nay, huyền thoại kickboxing người Ý gốc Armenia từng trải qua ngày tháng tăm tối trong sự tha hương cầu thực vô cùng khó khăn.

Cuộc sống ở quê cũ

Võ sĩ 35 tuổi vốn sinh ra thủ đô Yerevan của Armenia, nơi lưu giữ đầy kỷ niệm đầu đời đẹp đẽ, hạnh phúc của anh cùng gia đình. Cậu bé năng động đặc biệt yêu thích những anh hùng võ thuật xuất hiện trên màn ảnh và nhen nhóm ước mơ trở thành một chiến binh từ đó. Sớm định hình được con người mà mình muốn trở thành trong tương lai nên mỗi lần xem xong phim, cậu đều bắt chước thần tượng luyện tập.

Tuy nhiên, cuộc sống êm đềm không kéo dài quá lâu. Gia đình Petrosyan cùng rất nhiều người dân Armenia lâm vào cảnh khốn cùng khi bị mắc kẹt trong cuộc xung đột với Azerbaijan.

Petrosyan nhớ lại: “Chúng tôi không có điện, không có thức ăn và các gia đình phải xếp hàng để lấy một ổ bánh mì”. Anh nói thêm: “Bạn phải đứng xếp hàng để lấy nhiên liệu sưởi ấm vì trời rất lạnh. Vì vậy, cha tôi đã phải đưa ra quyết định để bảo vệ con cái mình, mục tiêu là chuyển đến một nơi tốt hơn vì khó mà sống được ở Armenia vào thời điểm đó”.

Năm 1991, cha Giorgio đã ôm hai đứa con trai của mình bỏ trốn khỏi Armenia để tìm chỗ ổn định trước khi đưa vợ và hai đứa con khác theo sau. Họ đã có một hành trình dài và gian khổ vượt biên bất hợp pháp trên một chiếc xe tải và gần như không hề có kế hoạch cụ thể về nơi mình sẽ đến.



Lăn lộn tìm chỗ dừng chân nơi đất khách quê người

Chân ướt chân ráo bước vào nơi đất khách quê người tại Milan, Ý, ba cha con không một mái nhà che thân, không tiền, thậm chí không có cả thức ăn. Họ phải trú tạm trong nhà ga xe lửa để xoa dịu Giorior, lúc này đang bị viêm amidan.

Chân đá gốc Armenia rùng mình nhớ lại: “Tôi thật sự sợ mình sẽ xảy ra chuyện, vì tôi sốt tới 40°C và gần như không cảm nhận được gì từ cơ thể mình lúc đó. Tôi vừa đói vừa khát, nhưng tôi như một cái xác thậm chí không còn cảm nhận được sự mệt mỏi hay cơn đói nữa”.

Đỡ mệt, ba cha con tiếp tục ôm hy vọng đến Turin nhưng vẫn không được chính quyền giúp đỡ. Họ thử tiếp vận may ở thị trấn Gorizia nhỏ và cuối cùng cũng tìm được nơi đón nhận mình. Sau một năm rưỡi lăn lộn, họ rút cuộc cũng gửi được lời nhắn cho mẹ và hai anh chị em khác của Giorior đến đây đoàn tụ và xây dựng lại từ đầu một cuộc sống tốt hơn.



Những bước chân đầu tiên hướng tới sự vĩ đại

Dù vật lộn với cuộc sống khó khăn khôn xiết ở xứ lạ, “The Doctor” cũng không hề quên niềm đam mê võ thuật của mình. Anh cũng may mắn khi được cha khuyến khích và tạo điều kiện tập luyện dù họ có nghèo đi chăng nữa.

Petrosyan kể lại: “Sau khi nương nhờ tại nhà trú ẩn Caritas, tôi đã tự mình tập luyện ngay khi sắp xếp được một không gian để có thể tập đấm đá. Tôi chỉ cố gắng bắt chước vì tôi không có kiến thức gì. Cha tôi động viên rằng ‘Đừng lo lắng, cha sẽ tìm cho con một phòng tập, cho dù chúng ta đang sống ở một nơi nhỏ bé đi chăng nữa’”.

May mắn thay, chắp cánh cho ước mơ của Giorior lại là “một khoản đầu tư có lời” của gia đình Petrosyan vì anh quả thật là một tài năng thiên bẩm trên võ đài. Võ sĩ sinh năm 1985 có trận đấu đầu tiên đáng nhớ ở tuổi 16.

Nhà vô địch hạng lông kickboxing kể: “Chiến thắng trận đấu đầu tiên đã cho tôi can đảm để tiến về phía trước, dù tôi bị gãy một ngón chân. Sau đó tôi đã vừa được điều trị trong phòng cấp cứu, vừa xem video về trận đấu của mình. Tôi thường làm vậy nhưng không bao giờ tự mãn khi xem chúng. Tôi luôn tìm cách cải thiện bản thân, và đó chính là điều mang lại động lực và can đảm cho tôi để tiến về phía trước”.



Bước lên đỉnh thế giới nhờ sự khiêm tốn và trân trọng quá khứ

Petrosyan thi đấu theo luật Muay Thái trong vài năm đầu tiên của sự nghiệp và giành được nhiều đai. Anh chỉ thua một trận duy nhất trước Nonthanan Por. Pramuk tại Bangkok.

Dù có bảng thành tích đồ sộ và tài năng ai cũng phải công nhận, anh vẫn luôn rất khiêm tốn và chưa bao giờ dám tự nhận mình là võ sĩ đẳng cấp thế giới. Mãi cho đến khi hạ gục liên tiếp ba đối thủ đáng gờm chỉ trong một đêm và giành chiến thắng tại K-1 World MAX Grand Prix 2009 – giải đấu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, Giorior mới tự tin rằng mình đã có tên tuổi quốc tế.

Anh chia sẻ: “Khi tôi giành được danh hiệu thế giới của K-1 MAX lần đầu tiên, họ hỏi tôi có cảm nhận được mình là một nhà vô địch thế giới chưa, và đó là khi tôi nói, ‘Vâng, lần đầu tiên tôi có thể nói rằng tôi là một nhà vô địch thế giới’. Trước đó, dù có giành được 1.000 đai đi nữa, tôi vẫn luôn cảm thấy mình chẳng là ai cả”.

Sau đó, võ sĩ kickboxing huyền thoại tiếp tục giành được danh hiệu vô địch K-1 thêm nhiều lần nữa trong vài năm tiếp theo và chỉ chịu thêm một trận thua.

Năm 2018, anh đầu quân cho ONE Championship và trở thành võ sĩ tiên phong cho cả hai thể thức kickboxing và Muay Thái. Một lần nữa, anh lại đánh bại ba trong số những võ sĩ giỏi nhất hành tinh để nắm lấy ngôi vương hạng cân Featherweight của ONE Kickboxing World Grand Prix và nhận được giải thưởng 1 triệu USD. Từ đó đến nay, bảng thành tích cùng cộng đồng người hâm mộ của Giorgio Petrosyan vẫn tiếp tục mỗi ngày một khổng lồ.



Giờ đây, đứng trên đỉnh vinh quang, Giorgio Petrosyan khẳng định thành công của mình ngày hôm nay chính là nhờ công lao của những khó khăn ngày bé và của sự khiêm tốn.

Võ sĩ 35 tuổi chia sẻ: “Thử thách đó rõ ràng đã khiến tôi trở thành một con người trưởng thành hơn, cụ thế chính là sự nghèo đói đã biến tôi thành con người hôm nay”. 

Anh nói tiếp: “Điều quan trọng nhất là sự khiêm tốn, thứ mà không phải ai cũng sở hữu. Tôi đã giành được mọi thứ có thể, nhưng trong tôi vẫn là cậu bé khởi nghiệp ở tuổi 16. Đối với tôi, điều quan trọng không chỉ là nhìn về phía trước, mà còn là nhìn lại phía sau, về nơi tôi sinh ra và nơi tôi bắt đầu, để trân trọng những gì mình đã đạt được”.

Thanh Anh