Gõ cửa âm nhạc: Chân dung nhạc sĩ tài hoa Trần Thanh Hà

Trong nhiều năm qua, nhạc sĩ tài hoa Trần Thanh Hà đã dùng những “sợi tơ” cảm xúc để dệt nên những tác phẩm nghệ thuật làm lay động lòng người.


Nhạc sĩ Trần Thanh Hà (trái) trong một buổi giảng dạy 

Trong chương trình Gõ cửa âm nhạc tháng Bảy, phát sóng lúc 9g10 ngày 18/7/2018 trên HTV9, chúng ta cùng tìm hiểu chân dung nhà soạn nhạc Trần Thanh Hà - Giảng viên chuyên ngành sáng tác, khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học (Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh), và một số sáng tác tiêu biểu của ông: Tình em mãi còn xanh, Đêm rừng, Biến tấu viết cho Flute & Piano, Đôi mắt - tiếng lòng (romance cho Barytone & amp; Piano), Tình lặng (romance cho Soprano, Flute & Piano)... qua sự thể hiện của các nghệ sĩ: Nguyễn Lữ Hiệp (Piano), Phan Nguyễn Minh Trang (Flute), Đoàn Thanh Minh (Barytone), Phạm Khánh Ngọc (Soprano)...

Nhạc sĩ Trần Thanh Hà sinh năm 1960 tại Hà Nam. Từ năm 1995, ông tham gia giảng dạy tại Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2011 đến nay, ông giữ cương vị Quyền Trưởng khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học.

Về sáng tác, ông đã viết các tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: Biến tấu viết cho Flute & Piano, (đã được biểu diễn tại Hoa Kỳ); Tứ tấu đàn dây Hát ru, (đã được biểu diễn tại Ba Lan). Các tác phẩm viết cho dàn nhạc như Overture 1968; Giao hưởng số 1 đã được công diễn tại TP. Hồ Chí Minh bởi Dàn nhạc Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh và Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.


Những đóng góp của nhạc sĩ Trần Thanh Hà đã được ghi nhận 

Những đóng góp của ông đã được ghi nhận bằng các giải thưởng của Thành phố và của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, như: Ca khúc Đồng lúa quê em - do Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 1997; tiểu phẩm cho violon và piano Lời mẹ ru trên đất địa đạo xưa – nhân sự kiện “300 năm Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh” (năm 1998),  tác phẩm Tứ tấu đàn dây Hát ru - Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2002.

Nhạc sĩ Trần Thanh Hà chia sẻ: “Tôi yêu thích công việc giảng dạy vì tôi đem được kiến thức đến cho các em và truyền được cảm hứng sáng tác cho các học sinh của mình. Tôi cũng yêu thích việc sáng tạo ra những tác phẩm mới. Qua những trải nghiệm của bản thân, tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ yêu thích sáng tác âm nhạc cổ điển rằng, nếu các bạn có khả năng và đam mê sáng tác thì các bạn hãy mạnh dạn, tự tin thực hiện đam mê".


Nhạc sĩ Trần Thanh Hà (giữa) trong buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ 

Còn ở mảng sáng tác khí nhạc, ông cho biết: “Khi viết các tác phẩm khí nhạc, tôi thường chú ý vận dụng các đặc trưng trong âm nhạc truyền thống, kết hợp với các kỹ thuật trong sáng tác của âm nhạc phương Tây, cũng như khả năng biểu hiện âm nhạc của các nhạc cụ để thể hiện. 

Một trong những tác phẩm như vậy là Tứ tấu đàn dây Hát ru…, đã được biểu diễn ở Ba Lan. Ngoài ra, tác phẩm còn được chuyển soạn cho Dàn dây và cũng đã được công diễn bởi các chỉ huy như Trần Vương Thạch và Adrian Tan”.