Trong chương trình “Gõ cửa âm nhạc” phát sóng lúc 15g20 ngày 11/4 trên HTV9 sẽ giới thiệu đến khán giả âm thanh đặc sắc qua tiếng đàn Mandoline, với các tiết mục được thể hiện bởi các nghệ sĩ trong dàn nhạc Sài gòn Mando – Guitare (SMGO).
Tiết mục hòa tấu: “Joyeux Naples – Sur les rives Tage” (Tác giả: Mario Maciocchi - Biểu diễn: Dàn nhạc Saigon Mando – Guitar)
Cùng giao lưu với Tiến sĩ Trần Kiều Lại Thủy - Đại diện Dàn nhạc Saigon Mando – Guitar để tìm hiểu thêm về loại nhạc cụ đặc biệt này cùng dàn nhạc SMGO.
Xin chào Tiến sĩ. Xin chị cho biết đôi điều về nhóm Sài gòn Mando – Guitare?
Trân trọng và muốn tiếp nối những gì mà dàn nhạc Mandoline – Guitare – Accordeon mà Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh đã thành lập và hoạt động sôi nổi từ sau những năm 1975, vào giữa năm 2018, chúng tôi là những sinh viên và cựu sinh viên của Nhạc viện đã cùng nhau lập nhóm để duy trì và phát triển các bộ môn nghệ thuật đàn mandoline và guitar. Chúng tôi thể hiện hầu hết các tác phẩm là âm nhạc của các nhạc sĩ kinh điển Ý và Pháp.
Mandoline là loại đàn đã có một thời vô cùng phổ biến tại Việt Nam vì nó dễ học, dễ chơi. Người chơi có thể độc tấu, hòa tấu, đệm hát, từ những bài hát phổ thông nhất, những khúc dân ca quen thuộc nhất cho đến những tác phẩm kinh điển, có trình độ kỹ thuật cao. Đàn mandoline có kích thước nhỏ, có thể vừa tầm ôm cả đối với các em nhỏ. Nó lại nhẹ, gọn, dễ dàng mang theo đi khắp nơi.
Vì những ưu điểm đó mà mandoline nhanh chóng phát triển ở mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Người ta thường xuyên thấy mandoline trong trường học, trong phòng trà, trong sinh hoạt gia đình… mandoline theo chân nghệ sĩ vào cả chiến khu. Có những cô chú từng là bộ đội đã kể rằng, họ chỉ cần học mandoline vài ngày là có thể ngồi đàn chung với dàn nhạc trong chiến khu.
Tiến sĩ Trần Kiều Lại Thủy - Trưởng Dàn nhạc Saigon Mando – Guitar
Xin chị cho biết về quá trình du nhập của đàn mandoline vào Việt Nam?
Đầu thế kỷ 20, theo phong trào phát triển ở châu Âu, mandoline đã lan tràn sang Việt Nam. Khoảng thập niên từ 1927 đến 1937, các nghệ nhân Việt Nam đã thử đưa đàn mandoline vào nhóm đờn ca tài tử vì họ thấy nó có 4 dây giống đàn nguyệt. Khoảng năm 1930, ở Rạch Giá có các ông Giáo Tiên, Bảy Thông, Ba Lạc, Năm Lắm… rất nổi tiếng trong việc dùng mandolin để chơi nhạc tài tử, cải lương. Tuy nhiên bấy giờ mandoline chỉ đàn được các bài bản hơi Bắc, còn các bài bản mùi mẫn hơi Nam và Oán thì chưa thể hiện được.
Đến năm 1935, đàn mandoline trong nhạc tài tử được đục lõm các phím bấm xuống để chơi được các bài bản hơi Nam, hơi Oán, nhất là bài vọng cổ. Ông Hai Nén và Hai Nhành được cho là những người đầu tiên sử dụng mandolin phím lõm. Tuy đã được Việt hóa, nhưng về sau do âm sắc đàn mandoline phím lõm quá sáng, trong trẻo chứ không đủ ấm và mềm nên người ta dần bỏ qua loại mandoline phím lõm mà chuyển sang guitare phím lõm, phù hợp hơn với tính chất mùi mẫn của ca nhạc tài tử, cải lương.
Vậy, mandoline được đưa vào trường âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam như thế nào thưa chị?
Ngay từ những ngày đầu thành lập trường Quốc gia âm nhạc Sài gòn (năm 1956, ngày nay là Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh), đàn mandoline đã có mặt như một bộ môn nhạc cụ được học chuyên nghiệp trong trường, có giáo trình, bài bản chỉn chu. Học viên thi vào học mandoline rất đông.
Mandoline giữ các bè chính trong dàn nhạc Mandoline – Guitare – Accordeon của trường Quốc gia âm nhạc Sài gòn cho đến sau năm 1975 vẫn vậy. Người có công lớn trong việc biên soạn chương trình giảng dạy Mandoline tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh là nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Nhung. Bà đã soạn chương trình cho bậc trung cấp dài hạn 9 năm, trung cấp cơ bản 4 năm và đại học 5 năm.
Tiết mục “Algésiras” (Tác giả: Joseph Rico, được chuyển soạn cho song tấu Mandoline, do các nghệ sĩ mandolin Thụy Uyên – Trâm Anh và nghệ sĩ guitar Hoài Bảo thể hiện)
Mặc dù đã có quá trình phát triển qua mấy chục năm và đã từng là bộ môn mạnh của Nhạc viện Thành phố, tuy nhiên từ thập niên 90 của thế kỷ 20 trở đi, số lượng người học mandoline ngày càng ít đi. Năm 1999, bộ môn Mandoline tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh ngưng tuyển sinh và đến năm 2002 chính thức ngưng hoạt động.
Có nhiều thành viên trong dàn nhạc đã tốt nghiệp từ rất lâu, trong đó có nhiều gương mặt thủ khoa, thậm chí đạt giải quốc tế nhưng đến nay họ vẫn yêu nhạc cụ này và chơi tới tận bây giờ, thậm chí họ còn mở kênh youtube riêng của mình.
Hiện nay, trên thế giới chỉ còn có 3 nước hoạt động mạnh về dàn nhạc mandoline đó là Ý, Đức và Nhật Bản. Riêng nước Ý, đã có khoảng 40 dàn nhạc mandoline. Còn ở Việt Nam, theo tôi biết hiện nay chỉ có dàn nhạc Sai gòn Mando – Guitare. Sợi dây duy nhất và chắc chắn nhất kết nối các thành viên chúng tôi phát triển dàn nhạc là tấm lòng yêu mến đàn mandoline nhiệt thành.
Tiết mục hòa tấu: “Ciel de Seville” (Tác giả: Mario Maciocchi - Biểu diễn: Dàn nhạc Saigon Mando – Guitar)
Vậy, hiện nay bộ môn mandoline tại Việt Nam đã được đưa vào việc giảng dạy tại Nhạc viện hay các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp?
Tuy đã có một thời rất phổ biến tại Việt Nam, nhưng hiện nay loại đàn này lại ít được biết đến, thậm chí rất nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của đàn mandoline.
Một số ít người biết và yêu đàn mandoline (thường là những người thế hệ trước), muốn học đàn thì lại thường không tìm thấy ai hoặc nơi nào có dạy loại đàn này. Tại các sân khấu và những nơi biểu diễn âm nhạc nói chung, rất hiếm khi bắt gặp bóng dáng của mandoline.
Đến nay, sau 17 năm vắng bóng trên giảng đường đại học, mandolin đã được đưa trở lại vào giảng dạy trong hệ chính quy của Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Đó là chuyện mừng nhất của các thành viên trong dàn nhạc chúng tôi, vì việc này sẽ mở ra con đường đào tạo chuyên nghiệp trở lại cho mandoline Việt Nam.
Bên cạnh đó, dàn nhạc Sài gòn Mando – Guitare chúng tôi sẽ cố gắng tập và lên chương trình biểu diễn các tác phẩm cho mandoline ở các thể loại khác nhau như nhạc cổ điển, dân ca, nhạc đại chúng. Dàn nhạc cũng sẽ cố gắng kết nối với khán giả thông qua các phương tiện truyền thông, như thông qua chương trình “Gõ cửa âm nhạc” này chẳng hạn.
Tiết mục hòa tấu: “Flots du Danube” (Tác giả: Ivanovici - Biểu diễn: Dàn nhạc Saigon Mando – Guitar)
Thông qua chương trình, SMGO có những mong muốn gì trong việc phát triển bộ môn mandoline?
Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều khán giả hiểu và quan tâm, yêu thích bộ môn nhạc cụ này. Đặc biệt, chúng tôi mong muốn mandolin sẽ được phục hồi và sớm được đưa vào giảng dạy chính thức tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp để giúp các thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận và giới thiệu rộng hơn về bộ môn này. Hiện nay, ở việt Nam chỉ có duy nhất Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh là dạy chuyên về bộ môn này.
Cám ơn Tiến sĩ về những chia sẻ thú vị này. Chúc cho dàn nhạc SMGO sẽ sớm thực hiện được những gì mà các nghệ sĩ mong muốn!
Á Quân