Ông vốn là người lãng mạn, tinh tế nên thường gửi tình cảm qua từng câu ca, lời hát. Bà lại là một người lo toan mọi việc trong gia đình. Tình yêu của ông Trần Văn Chơn (89 tuổi) và bà Phạm Thị Năng (79 tuổi) ngày ấy ngọt ngào một cách bình dị.
Trước khi là vợ chồng, ông Trần Văn Chơn và bà Phạm Thị Năng vốn là hàng xóm của nhau
Ông Trần Văn Chơn và bà Phạm Thị Năng kết hôn khi bà vừa 17 tuổi. Đến nay, họ đã có với nhau 6 người con cùng 15 đứa cháu nội - ngoại.
Ngày trước, nhà của hai người chỉ cách nhau vài bước đi bộ. Tuy họ là hàng xóm nhưng cả hai chưa hề tiếp xúc với nhau. Chỉ đến khi được người chú qua dạm ngõ, bà Năng mới biết được “chồng tương lai” là một chàng trai hiền lành, mặc dù gia đình không hề khá giả.
Năm ấy, bà Năng mới 16 tuổi, cái tuổi dễ rung động trước một hình bóng ai đó. Bà là một cô gái xinh xắn, dễ thương lại rất nhiều “vệ tinh” bên cạnh. Cả hai có thời gian gặp gỡ khi cùng làm công việc trong xã. Những cái chạm tay rất vô tình của họ đã làm nên một câu chuyện tình yêu đẹp. Họ thành đôi trong sự tiếc nuối của biết bao nhiêu chàng trai làng khi trót si mê nét đẹp của bà.
Ông Chơn hài hước tiết lộ lý do vì sao mình lại nghe lời của vợ
Ngày đó, ông bà chỉ có những cái nắm tay bẽn lẽn, những nụ hôn e thẹn mà chỉ khi đã là vợ chồng mới dũng cảm thể hiện. Ông Chơn tiết lộ: “Cha mẹ có dặn vợ tôi rằng, mỗi khi chồng bước đi thì ở đằng sau, bà ấy phải đạp lên dấu chân của tôi; khi chồng treo áo lên thì phải lấy áo của mình treo chồng lên đó để tôi nghe lời. Vì thế, bà ấy nói gì, tôi đâu dám cãi”. Tiết lộ này khiến cho MC Ngọc Lan thích thú.
Trước đây, ông Chơn là thợ mộc, bà Năng ở nhà nội trợ, chăm con. Cuộc sống giản dị cứ thế trôi đi. Khi 6 người con lần lượt ra đời, cuộc sống của đôi vợ chồng này cũng bước vào giai đoạn khó khăn nhất. Cả nhà ông Chơn khi đó vẫn phải nương tựa nhờ vào gia đình anh chị.
Bà Năng kể: “Thời gian đầu, chúng tôi vẫn ở chung với anh chị chồng. Ngày đó, tôi về làm dâu cũng cực khổ lắm. Tôi phải dậy từ sáng sớm để nấu cơm, gánh nước, giặt đồ cho gia đình chồng. Thương chồng, để được ở bên chồng, tôi phải cố gắng”.
Sau một thời gian, ông bà bắt đầu ra riêng với một căn nhà nhỏ đối diện nhà anh chị. Vì cuộc sống mưu sinh, ông Chơn phải đi làm xa nhà thỉnh thoảng mới đạp xe về thăm gia đình. Ông Chơn tâm sự: “Bữa đó có dịp đi về, người quen thấy tôi vội vã la lên: Đi về lẹ lẹ, vợ sinh rồi. Tôi liền hỏi trai hay gái thì được biết là con gái. Tôi mừng quá vì đúng ý nguyện ban đầu của mình”.
Bà Năng phải tự mình chăm lo cuộc sống mưu sinh mà không có chồng ở bên cạnh
Ông Chơn bị bắt đi quân dịch, bà Năng vì chăm con mà “gầy rộc” cả người. Một mình nuôi con, bà Năng ngoài công việc may vá phải làm thêm đủ mọi công việc. Thậm chí bà còn “quảy gánh” lượm ve chai, bán kiếm tiền để duy trì cuộc sống. Đôi lúc bà Năng cũng thấy tủi thân, buồn vì không có chồng bên cạnh phụ giúp. Tuy nhà chẳng có tiền nhưng chưa lúc nào ông Chơn thấy vợ mình kêu ca, than phiền.
Hai ông bà sống với nhau đến nay đã 62 năm nhưng dường như lúc nào cũng như ngày mới cưới. Tình yêu mà ông Chơn dành cho bà Năng không phải những điều xa hoa hay bằng những lời nói ngọt ngào, mà được thể hiện bằng chính sự quan tâm, chăm sóc, thấu hiểu chân thành.
Ông Chơn cảm thấy may mắn khi cưới được một người vợ hiền như bà Năng
“Tôi viết thư này cho mình với những lời lẽ chân thành tha thiết để ôn lại kỷ niệm trong quá khứ mà trước đây tôi chưa từng nói với mình. Thật sự khi cưới được mình làm vợ, tôi thấy bản thân thật là có phước. Tôi may mắn lắm mới cưới được một người vợ hiền lành, trung hậu, đảm đang, đẹp người đẹp nết, người mà có đến 5, 6 chàng trai giàu có trong làng săn đón, ước mơ. Tại sao mình không ưng họ mà chịu làm vợ của đứa nghèo, mồ côi cha mẹ lại không có nhà cửa, đang ở nhờ nhà anh chị như tôi! Phải chăng vì thương tôi nên mình chấp nhận sống cảnh nghèo nàn cơ cực”, đây là những lời tâm sự được ông Chơn viết trong thư gửi vợ.
Ông Chơn cũng thú nhận từng có những lần “say nắng” và mong nhận được sự tha thứ của vợ
Cũng trong lá thư, ông Chơn thú nhận cũng có lần lỡ “say nắng”, và gửi lời xin lỗi vợ vì những lần như thế. Thời gian có thể làm thay đổi nhiều thứ nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, đó chính là tình yêu mà họ dành cho nhau. Tình yêu tuổi già không còn lãng mạn hay nhiệt huyết như thời còn trẻ tuổi, mà thay vào đó là tình thương, sự thấu hiểu và sự cảm thông.
Không gì hạnh phúc hơn khi vợ chồng có thể đi với nhau đến cuối con đường. Ông Chơn và bà Năng chẳng nói quá nhiều lời đường mật, quà cáp hay hứa hẹn. Tình yêu của họ là sự thấu hiểu lẫn nhau và nhẫn nhịn lẫn nhau. Bởi lẽ, ông bà hiểu rằng hạnh phúc là những thời khắc còn ở bên nhau. Tình yêu là thứ đáng trân trọng nhất, trải qua bao sóng gió, họ vẫn sánh bước bên nhau, người già nhưng tình vẫn còn trẻ mãi.
Chương trình "Tình trăm năm" phát sóng vào lúc 18g thứ Bảy hàng tuần trên kênh HTV7.
Khánh Linh