“Mãi mãi thanh xuân” tập 12 đã “gây sốt” bởi sự xuất hiện của nữ nhạc trưởng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng học trò cưng – nhạc sĩ Hồ Hoài Anh.
Cô Thục Anh chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị cùng những kỷ niệm làm nghề khi xuất hiện trong chương trình "Mãi mãi thanh xuân"
Nữ thí sinh khiến các bình luận viên bất ngờ
Trong đoạn video giới thiệu, cô Thục Anh là người phụ nữ bán nước vỉa hè, ngồi làm sấu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm “ăn sấu lâu năm” của nghệ sĩ Quyền Linh và Ốc Thanh Vân thì 2 Bình luận viên cho rằng, cô Thục Anh không phải là người chuyên làm sấu để kinh doanh. Có thể cô chỉ thường làm ở nhà, vì nhìn vẻ ngoài, cô không có dáng vẻ giống với những người phụ nữ làm công việc này.
Sau khi xem clip giới thiệu, cô Thục Anh khiến các bình luận viên bất ngờ, mỗi người đưa ra các đáp án khác nhau
Với các gợi ý mà chương trình đưa ra, gồm: hát nhạc tiếng Pháp, tiếng Anh và đệm đàn piano khiến bộ ba Ban bình luận thêm phần hoang mang. Cuối cùng, 3 nghệ sĩ mỗi người một đáp án. Nếu Ốc Thanh Vân chọn gợi ý hát nhạc tiếng Anh, Diệu Nhi chọn hát nhạc tiếng Pháp thì Quyền Linh suy đoán cô vừa hát nhạc tiếng Pháp đồng thời đệm đàn piano.
Ngay sau đó, cô Thục Anh khiến Ban bình luận và khán giả bất ngờ khi bước ra sân khấu cùng với nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Thì ra, cô là giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và cũng chính là cô giáo lâu năm của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh với kinh nghiệm hơn 60 năm trên giảng đường đại học.
Đến với chương trình, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã đệm đàn, hỗ trợ cho tiết mục nhạc Pháp mang tên Que Sera, Sera của cô Thục Anh. Cả 2 đã có màn kết hợp tuyệt vời giữa giọng hát của cô Thục Anh và tiếng đàn piano của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh – một hình ảnh đẹp tái hiện những giây phút ý nghĩa nhất của hai cô trò trên cùng một sân khấu.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và cô giáo cũ đã có những khoảnh khắc đẹp, tái hiện sâu sắc tình cảm cô trò
Hành trình trở thành nhạc trưởng
Tên thật của cô là Đàm Anh Thục, cô lấy nghệ danh Đàm Thị Thục Anh trong cả sự nghiệp âm nhạc của mình. Khi còn là một cô bé 5, 6 tuổi, cô Thục Anh đã may mắn gặp được nhạc sĩ Huy Thục cùng với Đoàn Văn công tuyên truyền tại Ninh Bình. Do thấy cô còn nhỏ nhưng lại yêu ca hát nên nam nhạc sĩ đã đưa cô đi diễn cùng với đoàn. Mãi về sau, vào năm 1954, cô Thục Anh lần nữa gặp lại nhạc sĩ Huy Thục ở Nam Định. Lần này, nhạc sĩ đã đưa cô lên Hà Nội và thi vào Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô bắt đầu con đường âm nhạc khi trở thành học sinh trong lớp thanh nhạc.
Cô Thục Anh trong một lần chỉ huy đêm diễn
Sau khi tốt nghiệp thanh nhạc, cô Thục Anh làm thêm một việc nữa là dạy lý luận âm nhạc, dạy xướng âm, hòa thanh, phối khí và lịch sử âm nhạc. Sau này, cô còn học thêm sáng tác và chỉ huy. Và cũng nhờ các nhạc sĩ nổi tiếng ở nhạc viện như nhạc sĩ Trần Quý, Phi Liệt là những người thầy đã dìu dắt, dạy cô từng bước nên từ đấy, cô Thục Anh trở thành nữ nhạc trưởng của Nhạc viện Hà Nội. Nắm bắt cơ hội ấy, và vận dụng kiến thức nhiều năm cùng niềm đam mê âm nhạc, cô Thục Anh bắt đầu dàn dựng rất nhiều các bản hợp xướng cho Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Cô Thục Anh bắt đầu học nhạc từ năm 18 tuổi, sinh sống và giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã trên 60 năm. Với bề dày kinh nghiệm ấy, cô đã đào tạo ra những thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ tài năng như Thanh Lam, Trọng Tấn, Hồ Hoài Anh,…
Được gặp lại cô giáo trong chương trình "Mãi mãi thanh xuân" khiến nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cảm động
Không những thế, cả gia đình cô từ con gái, con trai, con dâu đến con rể đều làm âm nhạc và đi theo nghệ thuật. Hiện giờ, cô chỉ có một nguyện vọng duy nhất là làm sao có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc với âm nhạc cho đến 80 tuổi, 90 tuổi hay kể cả 100 tuổi. Còn sức khỏe là cô còn muốn hát, vẫn muốn tiếp tục được chỉ huy dàn hợp xướng và cống hiến hết mình cho âm nhạc.
Khánh Nguyễn