Cuộc trò chuyện giữa đạo diễn - nhà báo Thanh Hiệp và ba vị khách mời: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Tuấn, NS Bảo Anh về những vấn đề hậu liên hoan sân khấu cải lương sẽ được phát sóng trên HTV9, lúc 13g15, ngày 4/11/2018.
Đạo diễn Thanh Hiệp (phải) cùng các nghệ sĩ khách mời tham gia trò chuyện trong chương trình
Kỳ vọng vào lớp trẻ
Liên hoan cải lương toàn quốc 2018 diễn ra với 32 vở diễn của 25 đơn vị nghệ thuật (17 đơn vị công lập và 8 đơn vị xã hội hóa). NSND Bạch Tuyết khẳng định, Liên hoan đã xóa bỏ ranh giới giữa đoàn công lập và xã hội hóa để hướng đến sự chuyên nghiệp chung. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của nhiều đơn vị nghệ thuật trong việc trẻ hóa đội ngũ diễn viên, đạo diễn, nhạc công, còn có nhiều vấn đề vốn là căn bệnh trầm kha chưa thoát khỏi của người làm sân khấu cải lương.
“Liên hoan năm nay gặt hái được một thành tích lớn là sự trưởng thành của các thành phần tham gia vở diễn, từ đạo diễn, diễn viên cho đến nhạc công. Đây là tín hiệu mừng khi họ đốt ngọn lửa yêu nghề, dù có thể đây sẽ là Liên hoan cuối cùng trước khi các đoàn nghệ thuật cải lương sẽ sáp nhập vào các trung tâm văn hóa tỉnh.
Những gương mặt đào kép trẻ của ngày nào, nay đã khiến người xem và giới chuyên môn khen ngợi như: Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Tô Tấn Loan, Kim Luận, Đào Vũ Thanh, Nhơn Hậu, Thu Vân, Thành Vinh, Nguyễn Văn Đáng, Hồng Thủy, Lê Duy, Phương Anh, Hoàng Khanh, Hoàng Việt Trang, Diễm Thanh, Hồ Ngọc Trinh, Võ Thành Phê, Nguyễn Thanh Toàn, Minh Trường, Công Thắng, Bùi Trung Đẳng, Mỹ Vân, Kim Phụng, Tuyết Nhung… Họ đã nỗ lực ghi dấu son cho sự nghiệp khi ca diễn đầy tự tin và giàu cảm xúc” – NSƯT Thanh Tuấn đã chia sẻ.
Từ trái qua: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Tuấn, NS Bảo Anh
Về đạo diễn, đã có một thế hệ đạo diễn trẻ đạt chất lượng với thủ pháp dàn dựng sinh động như: NSND Hoàng Quỳnh Mai với vở Chiếc áo thiên nga và Kiếp tằm; NSƯT Triệu Trung Kiên với Ngạ quỷ; Lê Nguyên Đạt với Người đồng bằng và Tổ quốc nơi cuối con đường; Cao Đức Xuân Hồng với Tiếng vọng hang hòn; Trương Văn Trí với Hồn của đá; Phan Quốc Kiệt Hiu hiu gió bấc và Thành phố buổi bình minh; Lê Trung Thảo với Ngày đó họ đều còn trẻ.
NSND Bạch Tuyết cho rằng, sân khấu cải lương không thiếu lực lượng kế thừa, các vở diễn tại Liên hoan có nội dung phong phú, trong đó một số vở diễn như: Ngạ quỷ, Cuộc đời của mẹ, Hồn của đá, Tổ quốc nơi cuối con đường, Chiếc áo thiên nga, Kiếp tằm, Rạng ngọc côn sơn, Lối về, Tiếng vọng hang hòn… đã có sự tìm tòi, đổi mới, đưa sàn diễn cải lương đến gần hơn với nhu cầu thưởng thức của khán giả hôm nay.
NSND Bạch Tuyết chia sẻ trong chương trình
Đưa cải lương đến khán giả
NS Bảo Anh – đại diện cho một trong 8 đơn vị xã hội hóa đã nói: “Bằng chứng là rời khỏi Liên hoan, vở Nỗi niềm sau cuộc chiến của CLB Truyền thống văn công giải pháp - Chi hội nghệ sĩ Cà Mau, đã đưa đến phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh”.
Liên hoan năm nay đã không còn những lấn cấn khi các giám khảo: NSƯT Lê Chức, NSND Bạch Tuyết, Quang Chí, NSƯT Thanh Tuấn, Thanh Nam, Văn Môn, Quế Trân đều là những nhân vật được công chúng biết đến của sân khấu cải lương. Trong 32 vở diễn, hơn hai phần ba là vở diễn có đề tài hiện đại, số còn lại khai thác đề tài về lịch sử, dã sử, dân gian.
NS Bảo Anh
Dù vậy, sự khởi sắc đáng mừng chính là hình thức dàn dựng có nhiều đổi mới khi dung nạp: múa rối (vở Ngạ quỷ), tranh cát (vở Hồn của đá), cách tân âm nhạc tuồng cổ cho một kịch bản đầy chất thơ (vở Rạng ngọc Côn Sơn), vận dụng nghệ thuật chèo (vở Trống trận Ba Đình)… đã làm cho cải lương hấp dẫn hơn.
Khép lại hành trình cải tiến để Liên hoan cải lương hạn chế những tiêu cực, không gây tổn thương cho nghệ sĩ khi đón nhận kết quả từ phía ban giám khảo hết sức công tâm, vẫn là một nỗi lo lớn: Liên hoan cần tạo điều kiện để các vở đoạt giải đưa đến khán giả.
Thanh Hiệp