Trên cuộc đời này, còn gì cao đẹp hơn sự hy sinh của một người dành cho bằng hữu của mình, huống gì là cho người không thân thích? Đó là câu chuyện của hiệp sĩ bắt cướp Trần Văn Hoàng.
Anh Trần Văn Hoàng không xuất thân từ nghề công an, hay bất cứ ngành nghề nào liên quan đến việc bắt cướp đường phố, anh chỉ là một người lái xe ôm bình thường như bao người, nhưng đã từ rất lâu, anh còn kiêm thêm một nghề "tay trái" nữa, đó là nghề bắt cướp. Cái nghề được người đời gọi là nghề "bao đồng", vừa không được trả lương, vừa nguy hiểm đến tính mạng.
Anh Trần Văn Hoàng
Cơ duyên của anh đến với công việc này lần đầu tiên là vào năm 1995, khi anh cùng một người bạn đang chạy... xe đạp mà vẫn bắt cướp. Kể từ đó, cùng với việc chứng kiến nhiều người dân bị tai nạn vì bọn cướp giật, để lại hậu quả là những vụ tai nạn, thậm chí là tang thương, trong số đó có những người bạn của anh, thì anh đã bắt đầu công việc này một cách tự nguyện, không biết từ lúc nào. Nhóm của anh khi “hành nghề” bắt cướp, không được trang bị như những đồng chí công an, không có đồ bảo hộ, không được có vũ khí, chỉ có hai bàn tay, và một tấm lòng hy sinh vì người khác.
Anh Hoàng hướng dẫn người dân cách cầm điện thoại an toàn khi ra đường
Trải qua nhiều năm, số vụ cướp mà anh cùng những người bạn của mình "phá" được lên đến hàng trăm vụ, trong đó có những vụ án rúng động như vụ bọn cướp xe SH đâm gục tài xế xe grab diễn ra vào ngày 13/5/2018, người ra đi mãi mãi đó chính là một người bạn của anh, và chính bản thân anh cũng bị đâm đến thương tật 68%. Con số nghe thật lạnh lùng, liệu với một người bình thường, 68% thương tật sẽ khiến cho người ta quyết định dừng công việc nguy hiểm mình đang làm hay không? Ấy thế mà trong cuộc trò chuyện với Khoảnh khắc cuộc đời, anh vẫn nói về những chiến tích của những người bạn của anh, một cách say sưa, anh vẫn theo dõi thường xuyên và biết đâu, đến một ngày khi sức khỏe đã phục hồi, anh sẽ lại quay trở lại.
Đón xem Khoảnh khắc cuộc đời, được phát sóng vào lúc 22g45 mỗi ngày trên kênh HTV9.
Mai Anh