Bộ phim được thực hiện mang ý nghĩa đón chào một năm mới sang – Năm Kỷ Hợi 2019.
Hợi là một trong những linh vật của Việt Nam
Chỉ vỏn vẹn 20 phút nhưng bộ phim sẽ mang đến cho người xem những sắc màu tươi vui về hình ảnh con Hợi (Lợn hay Heo, Trư, Ỉn… tùy theo cách gọi của từng vùng) và sự gắn kết giữa con Hợi trong văn hóa dân gian của người Việt Nam.
Đó là hình ảnh làng Cự Trữ ở tỉnh Nam Định – nơi có quần thể đình làng và chùa có tuổi đời trên 500 năm với các công trình kiến trúc độc đáo được phủ trên những lớp rêu phong của thời gian. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử vẫn còn được bảo lưu gần như nguyên vẹn các lớp hoa văn họa tiết trong đó có hình ảnh con Hợi.
Hay như hình ảnh của làng tranh Đông Hồ - một làng nghề truyền thống đã nổi tiếng với sự khắc họa con lợn với xoáy âm dương, được chạm nổi một cách trân trọng, cả một giai đoạn lịch sử dài mấy trăm năm hình tượng con lợn trong tranh Đông Hồ gần như là một bức tín ngưỡng mà hầu như người nông dân phía Bắc nào cũng mong muốn treo trong nhà.
Bức tranh Đông Hồ với chủ đề "Lợn nái"
Tranh lợn Đông Hồ được in bằng nhiều bản ván, mỗi ván một màu. Tranh “Lợn ăn cây ráy” in ba bản màu một bản nét, tranh “Lợn nái” nhiều màu hơn, có đến bốn bản màu. Màu của tranh Đông Hồ là màu truyền thống làm bằng các chất liệu có sẵn trong tự nhiên và được gọi là “thuốc cái”. Màu trắng là màu đặc trưng nhất của tranh Đông Hồ được làm từ vỏ điệp, sắc trắng có ánh lấp lánh rất quý. Màu vàng từ hoa hoè hay hạt dành dành, màu đỏ vang từ gỗ cây vang, đỏ son từ đất son, xanh lá cây là gỉ đồng, xanh chàm từ lá chàm và đen là than rơm nếp.
Bản vẽ mẫu tranh linh vật là con Hợi
Sắc màu dân gian rực rỡ trong tranh lợn đã nuôi bao nhiêu cảm xúc cho những ai chiêm ngưỡng “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong. Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Đó là sức mạnh của văn hóa dân gian trong việc lưu giữ những giá trị tinh thần của một dân tộc.
Ê-kíp hãng phim TFS đang tác nghiệp tại làng tranh Kim Hoàng (Xứ Đoài - Hà Tây)
Mỗi năm ứng với một linh vật khác nhau trong bộ linh vật 12 con giáp nhưng con Hợi dường như hiện diện trong tất cả các ngày lễ, Tết của dân tộc Việt và là một biểu tượng văn hóa đã đi vào thơ ca, ca dao, hội họa dân gian.
Tranh Kim Hoàng bắt đầu làm từ sau lễ giỗ tổ cho đến giáp Tết
Qua bộ phim Hình tượng con Hợi trong văn hóa dân gian Việt Nam, người xem có thể thấy được cho dù trong giai đoạn nào, nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân vẫn luôn mang hơi thở của sự lạc quan yêu đời trong lao động sản xuất, hình thành đức tín truyền thống tốt đẹp của những người con nước Việt.
Đón xem bộ phim tài liệu “Hình tượng con Hợi trong văn hóa dân gian Việt Nam” do TFS sản xuất, phát sóng lúc 7g50 ngày 4/2 (30 Tết) trên kênh HTV9.
Thùy Trang