“Hỏa ngục”: Cuộc tẩu thoát kịch tính đến từng phút giây

Có một sự thật là mọi tác phẩm của Dan Brown được chuyển thể từ trước tới nay đều ăn khách, mà một trong số đó là “Hỏa ngục” (Inferno) - tác phẩm kịch tính đầy những nút thắt lấy cảm hứng từ trường ca “Thần khúc” của đại thi hào Dante Alighieri.

 “Hỏa ngục” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Dan Brown

Mở đầu bộ phim Hỏa ngục (Inferno), giáo sư Robert Langdon (Tom Hanks) tỉnh dậy sau cơn hôn mê, phát hiện ra mình đang ở Florence, Italy. Ông bị mất trí nhớ tạm thời và không còn bất cứ ký ức nào về khoảng thời gian vài ngày trước đó. Ngay khi vừa tỉnh giấc, Langdon bị truy sát bởi một tay sát thủ lạ mặt (Ana Ularu). Nhờ sự giúp đỡ của nữ bác sĩ Sienna Brooks (Felicity Jones), ông chạy thoát và tìm được chỗ ẩn náu an toàn. Sau đó, Robert Langdon phát hiện ra mình đang mang theo một chiếc ống bảo mật, bên trong chứa dữ liệu về bức tranh Vực địa ngục do danh họa Sandro Botticelli sáng tác để minh họa cho bài thơ Hỏa ngục của Dante.

Tom Hanks tiếp tục là linh hồn của bộ phim với vai diễn giáo sư Robert Langdon

Ẩn trong bức tranh Vực địa ngục ấy là những thông điệp bí ẩn được để lại bởi Bertrand Zobrist (Ben Foster) - một tỷ phú, thiên tài trong lĩnh vực di truyền học và siêu nhân học. Zobrist là kẻ có quan điểm cực đoan về vấn đề quá tải dân số của loài người, bị ám ảnh bởi Hỏa ngục khi cho rằng thế giới hiện đại chính là địa ngục mà Dante từng mô tả. 

Hắn tin rằng mình đã tìm ra một thứ có thể chấm dứt sự quá tải dân số, đồng nghĩa với việc hàng tỷ người trên Trái đất có thể sẽ biến mất hoàn toàn. Từ manh mối đó, Robert Langdon lại phải tiếp tục dấn thân vào hành trình khám phá những dữ kiện mà Zobrist để lại để tìm ra thứ phát minh khủng khiếp trước khi quá muộn.

Hỏa ngục sở hữu mô-típ không đổi so với hai phần trước. Trong phim, giáo sư Langdon tiếp tục bị đẩy vào một cuộc phiêu lưu không mong muốn, với nhiệm vụ là phải giải mã những câu đố, kết nối dữ liệu, qua đó từng bước tìm đến mục tiêu cuối cùng. Về cơ bản, nhân vật chính vẫn phải chạy đi chạy lại giữa các địa điểm khác nhau, tìm kiếm các thông điệp ngầm và diễn giải chúng với vốn kiến thức uyên bác của bản thân. Điểm khác có chăng là lần này, Langdon còn phải tìm lại phần ký ức đã mất trong vài ngày trước đó.

Vẫn như những phần phim trước, giáo sư Langdon tiếp tục bị cuốn vào những câu đố không chút manh mối

Vẫn giữ nguyên “linh hồn” của những phần trước, Hỏa ngục chào đón sự quay trở lại của Tom Hanks trong vai Robert Langdon. Thật khó có thể thay thế Hanks bởi bất kì tài tử nào khác, vì người ta không tưởng tượng được ra ngoài Tom Hanks thì ai có thể khiến khán giả chịu lắng tai nghe nhân vật giảng giải mớ kiến thức rối rắm từ thời Phục Hưng trên màn ảnh. Trái lại, bạn sẽ cảm thấy thích thú với vốn hiểu biết của Langdon về những mê cung trong toà lâu đài Vecchio và nhà rửa tội Florence cùng những kiến thức về lịch sử khác.

Trong khi đó, vai nữ chính Sienna Brooks được trao cho người đẹp Felicity Jones. Nữ diễn viên hoàn thành tương đối tròn vai, với vẻ mảnh mai nhưng trí tuệ và kiên quyết của mình. Cùng nhau, họ vượt qua sự lùng sục của WHO, sự săn đuổi của một nữ cảnh sát tận tâm với nghề sát thủ, và một vài nhân vật bí ẩn khác để hoàn thành nhiệm vụ giải cứu thế giới của mình.

Vai phản diện Betrand Zobrist được giao cho Ben Foster, hình mẫu chán đời của các tỉ phú trẻ lắm tiền nhiều của. Hỏa ngục được xây dựng với Zobrist như trung tâm của một thứ tôn giáo xây dựng nên từ học thức và sự chán ghét với bùng nổ dân số - chứ không phải từ niềm tin. 

Zobrist là hình mẫu của những thái cực khắc nghiệt nhất mà con người từng nghĩ tới, để thoát khỏi tình trạng bế tắc do bùng nổ dân số và các hệ lụy gây ra: Nghĩ ra một thứ thuốc tiêu diệt một nửa nhân loại. Tương tự như một kẻ truyền giáo cực đoan thành công, Zobrist có những môn đồ trung thành – những kẻ mang niềm tin về sự hồi sinh từ địa ngục.

Ben Foster cũng ghi được dấu ấn với khán giả trong vai nhà khoa học điên Betrand Zobrist

Bên cạnh nội dung phim, nếu bạn là người yêu thích nghệ thuật phục hưng Ý thì không nên bỏ qua Hỏa ngục. Là cái nôi của phong trào phục hưng, Florence trong bộ phim vẫn thể hiện được cái tính nghệ thuật của bản thân thành phố. Những bức bích hoạ đẹp không tưởng, những cung điện, nhà thờ lộng lẫy với những căn hầm bí mật, những đường phố đông đúc người đi bộ cùng những chú chim bồ câu. 

Hỏa ngục bắt những góc quay đẹp nhất tại Italia, Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Budapest. Từ cảnh mở đầu phim là tháp chuông Badia Fiorentina đứng sừng sững trong cái nắng của Casa di Dante, những dãy hành lang trong Vasari Corridor tới khu vườn tuyệt đẹp The Grand Boboli, một Venice nhộn nhịp… châu Âu hiện lên như một áng thơ cổ trữ tình sau cái vẻ ồn ào đầy xô bồ của du khách thập phương. 

Trên nền nhạc của Hans Zimmer, Hỏa ngục đồng thời cũng vẽ lên một bức tranh đáng sợ về địa ngục dưới con mắt của Dante, hòa lẫn với ảo giác và ký ức của Dan Brown. Tại nơi đây, một địa ngục của đại thi hào Dante được thể hiện trong bức hoạ Bản đồ địa ngục (La Carte de l’Enfer) của hoạ sĩ Sandro Botticelli, được tái hiện một cách chân thật trên đường phố Florence thông qua ảo giác của Langdon. Dữ dội và trữ tình, cổ kính và hiện đại, không ngoa khi nói Hỏa ngục là thước phim cho những kẻ hoài cổ đã "phải lòng" châu Âu.

 “Hỏa ngục” làm người xem choáng ngợp với những khung cảnh trữ tình đầy đặc trưng của nước Ý

Như mọi tác phẩm chuyển thể của Dan Brown, Hỏa ngục chứa đựng lượng kiến thức khổng lồ về lịch sử, văn học, kiến trúc, nghệ thuật địa lý… Những ai từng mê mẩn thuyết âm mưu trong Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code) hẳn sẽ phải trầm trồ khi một lần nữa, Dan Brown và Ron Howard đã biến các chất liệu cổ xưa thành một cuộc săn đuổi bằng trí tuệ và thể chất. Hỏa ngục giống như “Cuộc đua kỳ thú” phiên bản kinh dị cho các giáo sư vậy. 

Thật khó để cô đọng nội dung và lượng tri thức của một cuốn tiểu thuyết trong hai tiếng đồng hồ trên màn ảnh, tuy nhiên ở chừng mực nào đó xét cho một phim hạng B, đã là một thành công. Với những độc giả của tiểu thuyết gốc, Hỏa ngục có thể là một bức tranh chưa hoàn chỉnh, nhưng những ai chưa từng đọc nó, không khó để họ thưởng thức hành trình giải mã địa ngục của Dante trên màn ảnh rộng.

Bộ phim “Hỏa ngục” (Inferno) phát sóng vào lúc 14g15 thứ Ba (18/8) trên kênh Fox Movies HD thuộc hệ thống HTVC. Mời bạn đọc đón xem và theo dõi.

Song Anh