Hóa trang trên phim Việt: Chỉ xấu – đẹp thôi thì chưa… đủ

Hóa trang đẹp hay xấu chưa đủ mà còn cần phải thể hiện được cái “thần” của nhân vật. Nhưng người làm công việc hóa trang trong nhiều đoàn phim truyền hình Việt bấy lâu chủ yếu là chuyên viên trang điểm chuyển sang.

Hẳn khán giả còn nhớ đến cô nàng Huyền Diệu răng hô phải đeo niềng cùng cặp kính cận quá khổ che gần hết mặt trong phim truyền hình Cô gái xấu xí; anh Gù có dáng đi dặt dẹo, mặt mũi xấu xí với vết sẹo to tướng trong phim Ngõ lỗ thủng; hay dung nhan “bác sĩ xấu xí” với chiếc mũi to, răng hô và vóc dáng phục phịch trong phim Thẩm mỹ viện… Để có được những nhân vật “xấu” đến thế, các nhân viên hóa trang và cả diễn viên đã phải rất vất vả. 

Trung Hiếu đóng vai Gù kể rằng: “Ban đầu nhân viên hóa trang đắp một cái sẹo giả lên mặt tôi, sau đó bóp lại cho khuôn mặt nhăn nhúm. Sau mấy ngày quay thì những vết nhăn ấy hằn sâu, nếu quay phim kéo dài mấy tháng thì có nguy cơ để lại sẹo nên họ nghĩ ra cách đắp một chiếc mặt nạ vừa đúng cái sẹo. Nhưng mỗi lần hóa trang cũng mất hơn tiếng đồng hồ mới xong”. 

Phi Thanh Vân hóa trang thành “bác sĩ xấu xí” trong phim Thẩm mỹ viện (đã phát sóng trên HTV)

Để hóa thân thành “nữ bác sĩ xấu xí” Phi Thanh Vân và nhân viên hóa trang phải “nghiên cứu” tạo ra chiếc mũi to thật tự nhiên bằng cách dùng keo, bột thẩm mỹ đắp ngoài mũi thật; và đặt bác sĩ nha khoa một hàm răng hô, độn nhiều vải bên trong quần áo cho mập ú. Việc hóa trang mỗi ngày quay cho Ngọc Hiệp - đóng vai “cô gái xấu xí” ngốn hết vài ba giờ của nhân viên hóa trang, chưa kể lúc nào cũng phải để mắt đến diễn viên để kịp thời chỉnh sửa tránh bị sai rắc-co (raccord: thuật ngữ quy phạm điện ảnh, diễn tả sự tương thích của các cảnh đứng liền nhau).

Với những phim đề tài xưa, lịch sử như Ngọn nến hoàng cung, Dưới cờ đại nghĩa… việc hóa trang cho các nhân vật còn kỳ công gấp bội. Theo đó, nhân viên hóa trang phải nghiên cứu từ đặc điểm chân dung, cá tính, đầu tóc, đến cuộc đời hoạt động của nhân vật  nào đó trong từng giai đoạn khác nhau. Như ở phim Dưới cờ đại nghĩa, chuyên gia hóa trang và cộng sự hầu như làm suốt cả giờ nghỉ để hóa trang cho kịp và chuẩn bị rất kỹ các “đạo cụ” như râu tóc nhiều loại. Phân đoạn Bảy Viễn 70 tuổi ngồi ngẫm lại thời oanh liệt, nhưng diễn viên Quốc Thái mới gần 30 tuổi, người hóa trang đã mày mò đổ mặt nạ hóa trang bằng khuôn thạch cao, dùng cao su làm từng nếp nhăn dán lên mặt để đáp ứng yêu cầu phải thật khi quay cận cảnh. 

Trương Minh Quốc Thái vai Bảy Viễn trong phim Dưới cờ đại nghĩa (đã phát sóng trên HTV)

“Hiện nay hiệu ứng 3D đã giúp nghệ sĩ hóa trang mô phỏng nên hình hài, gương mặt, vết thương… chính xác trên màn hình để ứng dụng vào thực tế, không phải mất hàng giờ ngồi hóa trang. Công nghệ hóa trang ngày nay giống thật hơn nhờ nguyên vật liệu nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng ở Việt Nam chưa có đội ngũ chuyên viên được đào tạo bài bản để ứng dụng công nghệ này”- NSƯT Xuân Chính cho biết. 

Khi xem nhiều phim truyền hình Việt, khán giả thấy nhân vật chính là con nhà nghèo ở quê hay sinh viên mà lúc nào cũng má hồng, môi đỏ, mắt viền xanh ngay cả khi đi ngủ. Một cô diễn viên còn trẻ đóng vai mẹ (ở tuổi 50) tuy mặt mũi trông già nhưng khi cận cảnh lại thấy bàn tay và cổ nuột nà như đôi mươi. Những “lỗi” hóa trang kiểu này nhặt được khá nhiều. Một điểm chung trong hóa trang ở nhiều phim truyền hình Việt là không làm nổi bật được tính cách, hoàn cảnh nhân vật. Nghĩa là gương mặt chính diện hay phản diện, nhà giàu hay nghèo đều được làm mặt mày na ná giống nhau. Bởi thế đoàn phim nào cũng có người làm hóa trang, song công việc chủ yếu là trang điểm “bôi nền, quét phấn má hồng, tô môi cho diễn viên”. 

Nghệ sĩ Xuân Chính hóa trang cho Anh Thư trong phim "Khi người đàn ông trở lại" (đã phát sóng trên HTV)

Không ít diễn viên còn có  tâm lý sợ xấu, sợ lên hình không đẹp nên bất kể hoàn cảnh nhân vật ra sao lúc nào cũng trang điểm thật đẹp, thậm chí đã hóa trang xong theo yêu cầu của đạo diễn mà còn lén bôi thêm son phấn. Ngay chuyện chọn diễn viên quá đẹp có vóc dáng hiện đại vào vai nghèo lam lũ thì dù không trang điểm vẫn đẹp lung linh khi lên hình, nên cần phải hóa trang ít nhiều để giảm bớt phần rực rỡ của nhan sắc thật.  

Có thể vì hầu hết phim truyền hình Việt thuộc đề tài tâm lý xã hội, bối cảnh và nhân vật sống ở thời hiện đại, nên hóa trang chỉ đơn giản là… làm đẹp cho diễn viên. Nghệ sĩ hóa trang Thanh Ngọc chia sẻ: “Bấy lâu hóa trang chỉ được xem là thành phần thứ yếu trong đoàn phim. Nhiều người làm hóa trang tạo hình vốn là chuyên viên trang điểm chuyển sang. Cần phải phân biệt trang điểm là giúp cho người khác đẹp hơn. Còn với hóa trang, không chỉ làm xấu – đẹp mà là biết tạo hình nhân vật, làm thay đổi diện mạo của diễn viên để phù hợp theo từng tính cách nhân vật. Như có thể biến một diễn viên trẻ thành người già, một gương mặt hiền lành thành kẻ dữ và ngược lại. Để làm được điều đó, đòi hỏi nghệ sĩ hóa trang tạo hình phải biết đủ các kỹ năng - từ hội họa, trang điểm, râu tóc, điêu khắc, nha khoa, phụ kiện đến cả trang phục”. 

Đại Nghĩa (phải) hóa trang thành nhân vật “khờ” trong phim "Xương rồng trên cát" (đã phát sóng trên HTV)

Trên thực tế, đội ngũ làm hóa trang của ta khá đông. Nhưng chủ yếu học theo cách truyền nghề và tích lũy kinh nghiệm thực tế, hoặc học trang điểm làm nền tảng, chứ không được đào tạo bài bản về chuyên ngành. Kể từ khóa cao đẳng đầu tiên với 12 sinh viên tốt nghiệp vào năm 2009 đến nay, trường Sân khấu và Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh không đào tạo về hóa trang. Những người làm hóa trang được đào tạo bài bản như NSƯT Xuân Chính chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó người thì đã lớn tuổi và người thì không còn đủ sức khỏe để theo nghề thường xuyên. 

Cách đây hai tháng, nghệ sĩ hóa trang Thanh Ngọc sau chục năm theo nghề và hơn hai năm học chuyên sâu về hóa trang ở Hollywood, đã liên kết với Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh lập một viện đào tạo về hóa trang tạo hình sân khấu và điện ảnh. Khi số lượng phim Việt sản xuất ngày càng tăng, để đa dạng các thể loại và đề tài, rất cần sự giúp sức của đội ngũ nghệ sĩ hóa trang tạo hình chuyên nghiệp có đủ tri thức và kỹ năng thích ứng với thời hội nhập. 

Đan Khanh
Bếp nhà mình - Tập 139

Bếp nhà mình - Tập 139

Trịnh Tài lần đầu làm “sinh tố mây”
Việt Nam đi là ghiền - Mùa 3 - Tập 23

Việt Nam đi là ghiền - Mùa 3 - Tập 23

Về Hồng Ngự, Đồng Tháp khám phá làng dệt choàng trăm tuổi