Nếu biết khai thác tốt và sáng tạo phù hợp thì hoài niệm sẽ là “mỏ vàng” chất liệu cho điện ảnh, âm nhạc và truyền hình, khi đang được khán giả ưa chuộng bởi sức lắng đọng, giàu cảm xúc và những giá trị nhân văn tốt đẹp.
Các diễn viên mặc trang phục cổ điển trong phim Đò dọc (TFS sản xuất)
Vài năm gần đây, hoài niệm đã trở thành cảm hứng cho nhiều nhà làm phim Việt từ truyền hình đến điện ảnh, như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Sài Gòn anh yêu em, Em là bà nội của anh, Dạ cổ hoài lang, Lô tô, Mẹ chồng, Cô Ba Sài Gòn, Tháng năm rực rỡ, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Cô gái đến từ hôm qua, Người bất tử, Song lang, Ước hẹn mùa thu, Tháng 5 để dành, Mộng phù hoa, Thương nhớ ở ai, Tơ hồng vương vấn, Mỹ nhân Sài Thành, Lòng dạ đàn bà, Ðò dọc, Không có gì và không một ai, Duyên định kim tiền, Ải mỹ nhân, Con gái chị Hằng, Hai khối tình, Khúc tương tư (truyền hình)…
Nhìn chung các phim này đều tạo được hiệu ứng “hot trend” (xu hướng được ưa chuộng) về truyền thông, hoặc người xem bởi sự lắng đọng, khơi gợi những hoài niệm về số phận con người, về tình bạn, về tình yêu, tuổi thanh xuân cùng những giá trị nhân văn và văn hóa trong nội dung, bối cảnh hay đạo cụ, phục trang được tái hiện chân thực, sống động. Hay nói một cách khác, ở thời điểm có quá nhiều phim đề tài hiện đại đang đi vào lối mòn và quẩn quanh đến nhàm chán, thiếu những câu chuyện có cảm xúc chân thật thì hoài niệm dù chỉ chiếm số ít trong kho phim sản xuất mới mỗi năm, nhưng vẫn mang đến sự “đổi vị” đáng kể khi nhẹ nhàng chạm vào trái tim khán giả.
Tơ hồng vương vấn (TFS sản xuất) mang dấu ấn hoài niệm về văn hóa, xã hội Nam bộ xưa
Xu hướng hoài niệm cũng khá đậm nét trong nhạc Việt thông qua những MV triệu view (lượt xem). Như Gửi anh xa nhớ của ca sĩ Bích Phương với phong cách cổ điển nhẹ nhàng toát lên từ khung cảnh Hội An xưa và những bộ trang phục cổ điển; Cả một trời thương nhớ của Hồ Ngọc Hà được thực hiện theo phong cách đậm chất hoài niệm cùng những khung hình rất lãng mạn. Đừng hỏi em của ca sĩ Mỹ Tâm, Chạm khẽ tim anh một chút thôi – Noo Phước Thịnh, Em gái mưa – Hương Tràm, Tái bút anh yêu em - Hà Anh Tuấn, Ta đã yêu chưa vậy – Issac, Nếu yêu thương là chuyện một người - Phương Trinh Jolie, Sống chung với mẹ chồng - Khánh Linh, Xin đừng lặng im - Soobin Hoàng Sơn... khẳng định dòng nhạc ballad vẫn chiếm ưu thế và còn chứng minh các MV tạo xu hướng thịnh hành (trending) đều ít nhiều mang phong cách hoài niệm, cũng như có lượt nghe rất ấn tượng. Nhiều ca sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, Quang Dũng, Đức Tuấn, Mỹ Linh, Lệ Quyên… cũng thường xuyên chọn ca khúc mang tính hoài niệm để trình diễn trong các đêm nhạc hay trong album, sản phẩm âm nhạc cá nhân.
MV Gửi anh xa nhớ với phong cách cổ điển từ âm nhạc đến khung cảnh quay ở Hội An
Quay trở lại khoảng hai năm trước, truyền hình từng “nở rộ” gameshow, truyền hình thực tế về bolero – thể loại nhạc mang đậm chất hoài niệm. Gần đây, bên cạnh Giai điệu tự hào, Thay lời muốn nói, Tiếng hát mãi xanh… truyền hình có thêm nhiều chương trình khai thác chủ đề hoài niệm (hay mang hơi hướng hoài niệm) như: Ký ức vui vẻ, Quán thanh xuân, Miền ký ức, Mãi mãi thanh xuân, Sức sống thanh xuân… Đều nhận được hiệu ứng tích cực từ phía người xem, các chương trình này đã “đánh trúng” tâm lý, tìm vào “góc khuất” trong tâm hồn họ. Bởi cuộc sống hiện đại cuốn nhiều người vào guồng quay hối hả, không có nhiều thời gian để lắng lại. Những ký ức sẽ vẫn trỗi lên khi bất chợt bắt trúng “tần số”.
Hơn nữa, ai cũng có một thời thanh xuân - quãng thời gian mà càng về sau khi đã trưởng thành rồi nhìn lại sẽ khiến mỗi người cảm thấy bồi hồi. Những chương trình trên là nơi khán giả tuổi trung niên và lớn tuổi (6X-7X-8X) được gặp lại nhiều sự việc xa xưa, nhiều đồ dùng cũ kỹ, những bài hát đi cùng năm tháng tưởng chừng đã lui vào dĩ vãng... trong không gian thảnh thơi và ngập tràn những rung động của cảm xúc. Không chỉ vậy, mỗi chương trình cũng là một cuộc đối thoại giữa những góc nhìn từ quá khứ, hiện tại và tương lai để người xem, nhất là giới trẻ có dịp “soi vào quá khứ, đối diện hiện tại, hướng tới tương lai”.
Miền ký ức (phát sóng trên HTV9) được yêu thích với những ca khúc xưa qua các giọng ca đẹp, tài năng
“Lịch sử như một chuyến xe, quá khứ như chiếc gương chiếu hậu, nếu thiếu ta sẽ rất khó để đi về phía trước một cách dễ dàng hay an toàn, thuận lợi. Vậy nên ký ức đẹp, kỷ niệm vui vẻ như gia vị nuôi lớn ta mỗi ngày, đặt nền móng cho định hình được tính cách và quan điểm sống, và rồi một cách thật tự nhiên, ta trưởng thành" – khán giả đã viết thế trên fangage của một chương trình truyền hình lấy chủ đề hoài niệm. Quả thật, trên cái nền hoài niệm có biết bao câu chuyện để kể về thanh xuân, ký ức của mỗi người, mỗi thế hệ và chúng sẽ trở thành “mỏ vàng” chất liệu cho các tác phẩm giải trí đại chúng khai thác.
Mãi mãi thanh xuân (HTV) – Sân chơi cho những người lớn tuổi được “trở lại” với thời tuổi trẻ
Tuy nhiên vẫn nên có sự chọn lọc, vì nếu đổ xô khai thác quá nhiều rồi thì cũng bão hòa. Bởi hoài niệm hay bất cứ đề tài nào cũng như một "món ăn" giải trí, mà đã thuộc về giải trí thì thời gian "sống" có hạn, vì khán giả luôn muốn tìm đến cái mới để thay đổi “gu” thưởng thức. Như bolero từng “nở rộ” nhưng việc lạm dụng dòng nhạc này ở nhiều gameshow, chương trình ca nhạc đã khiến khán giả bội thực.
Việc thực hiện những bộ phim, MV hay gameshow, chương trình ca nhạc hoài niệm luôn đòi hỏi sự đầu tư công phu, chỉn chu trong tìm tư liệu, xây dựng bối cảnh, dàn dựng… và cả sáng tạo, làm mới không chỉ đủ để khán giả luống tuổi nhớ thương, hay nuối tiếc quá khứ, lý tưởng hóa thời gian đã qua, mà phải làm sao để cả khán giả trẻ yêu thích, cảm thấy gần gũi, và có được thái độ gìn giữ, trân trọng những vẻ đẹp sắp bị mai một dần? Đó là trách nhiệm và cả thách thức đối với những ê-kíp theo đuổi đề tài hoài niệm giàu cảm xúc.
Đan Khanh