Hội thảo 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam sẽ kết nối với 63 điểm cầu

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023): Khởi nguồn và động lực phát triển” diễn ra ngày 27/2 tại Hà Nội và sẽ được kết nối tới 63 điểm cầu ở trụ sở tỉnh, thành ủy hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.

Hội thảo đề cập đến hai nội dung chính là: "Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam"; "Văn hóa, con người Việt Nam: Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới".

Theo kế hoạch số 371/KH-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng ký, hội thảo góp phần tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.

Thông qua hội thảo, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và nhận thức sâu sắc thêm các giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử; đồng thời nêu rõ những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng.

Hội thảo cũng sẽ nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu chấn hưng văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Dự kiến với 60 tham luận, hội thảo sẽ đề cập đến hai nội dung gồm: Nhìn lại và khẳng định giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam và Dân tộc, đại chúng, khoa học - Động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững.

Lãnh đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ tổ chức hội thảo cho biết, 80 năm ghi dấu nhiều thăng trầm, thay đổi, nhưng giá trị nền tảng, bền vững mà Đề cương về văn hóa năm 1943 đã tạo nên trong dòng chảy phát triển văn hóa của đất nước vẫn còn nguyên vẹn. Hội thảo lần này sẽ không chỉ nhìn lại dấu mốc tự hào 80 năm về trước mà chính là một sự tiếp nối.

Bộ VH-TT-DL mong muốn từ sự kiện tầm cỡ quốc gia này, thế hệ những người làm văn hóa hôm nay không chỉ cùng nhau nhìn lại ý nghĩa, tầm nhìn của bản đề cương ra đời từ 80 năm về trước mà còn kỳ vọng sẽ có những bàn thảo, giải pháp thiết thực về phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện nay, hiện thực hóa phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất…”.

“Hội thảo mong muốn sẽ tạo chuỗi hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực, trọng tâm là những đề tài nghiên cứu về các vấn đề xây dựng và kiện toàn thể chế trong lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, áp dụng công nghệ để hình thành nên những “Big data” về văn hóa Việt Nam. Nếu làm được điều này, đội ngũ cán bộ làm văn hóa hôm nay sẽ tìm ra được những giải pháp thực tế, cung cấp hệ thống dữ liệu để phục vụ cho việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ về văn hóa ngày càng đa dạng, khoa học và logic, đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của đại chúng”, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết.

SGGP