HTV đã là điểm hẹn quen thuộc của khán giả yêu sân khấu cải lương, với những chương trình được xem là thương hiệu như: Vầng trăng cổ nhạc, Giọt nắng phù sa, Chuông vàng vọng cổ, Ngân mãi chuông vàng.
NSƯT Thành Lộc
NSƯT Thành Lộc nhớ “Chuyện ngày xưa”
Chương trình “Ngày xửa, ngày xưa” của sân khấu kịch IDECAF đã là một thương hiệu lớn. Thế nhưng, với khán giả truyền hình HTV, thì không thể quên sự khởi đầu của chương trình này chính là “Chuyện ngày xưa” được thực hiện năm 2001 thu hút đông đảo khán giả xem Đài.
Có thể nói, thời đó xem chương trình Chuyện ngày xưa do đạo diễn Hùng Lâm dàn dựng trên màn ảnh HTV, không chỉ có khán giả thiếu nhi say mê mà còn có rất đông phụ huynh cùng xem với các em. Thời đó, NSƯT Thành Lộc đã biến hóa thật tinh tế hàng loạt các tính cách mà qua mỗi câu chuyện kể, nét diễn, lời thoại, giọng cười đã phả vào nhân vật dấu ấn khác lạ. Anh còn giữ vai trò người dẫn chuyện, hướng dẫn các bạn nhỏ theo dõi chương trình “Chuyện ngày xưa” khơi gợi suy nghĩ, cuốn theo mạch chuyện một cách sôi nổi.
“Tôi không thể quên những câu chuyện kể thời đó dành cho khán giả thiếu nhi xem chương trình của HTV như các vở: Lọ nước thần, Câu chuyện dưới ánh trăng, Bí mật của nhà vua, Vị hoàng tử hạnh phúc, Hai chị em rắn thần, Hũ bạc của ông già đốt than... Thời của tôi, lúc truyền hình còn đen trắng, mỗi tối có chương trình Những bông hoa nhỏ dành cho khán giả thiếu nhi nên tôi đã mong muốn thực hiện nhiều chương trình cho các bạn nhỏ, và thế là chương trình Chuyện ngày xưa ra đời” – NSƯT Thành Lộc kể lại.
NSƯT Thành Lộc kể lại trong chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn: “Thời đó khi lên sóng chương trình này, HTV đã nhận được 15.000 thư tham gia cuộc thi viết cảm nhận do chúng tôi tổ chức”. Một kết quả khẳng định Chuyện ngày xưa đã bắt trúng tần số yêu thích chuyện cổ tích của các em thiếu nhi thời đó. Cái khó của chương trình là làm sao tránh được sự trùng lặp trong cách thể hiện. Để trong nét diễn và cách tạo tiếng cười đều tuân thủ theo một nguyên tắc: tôn trọng tính chân thật. Qua hàng ngàn cánh thư của các em, chúng tôi nhận biết ưu thế của Chuyện ngày xưa là phải sáng tạo thật nhiều cách thể hiện mới nhằm đáp ứng nhu cầu vừa học tập, vừa vui chơi, giải trí của các em”.
NSƯTThành Lộc không phải là người chỉ thích được khen ngợi và tô hồng, càng không muốn xuề xòa với những vai diễn. Thế mới biết người nghệ sĩ chân chính trong anh không bao giờ muốn vuốt ve, mơn trớn cảm xúc bên ngoài mà qua nhân vật của mình, niềm rung động chân thật phải đi sâu vào nội tâm và ở lại trong tâm trí người xem. Chính điều đó đã làm nên sức sống cho một thương hiệu đáng trân trọng: “Ngày xửa, ngày xưa”.
NSƯT Thành Lộc
NSƯT Phượng Loan: 14 tuổi tôi được lên màn ảnh nhỏ
NSƯT Phượng Loan có duyên làm giám khảo, từ giải Chuông vàng vọng cổ cho đến Giọt nắng phù sa. Chị là một trong những cô đào thương có giọng ca chân phương, làn hơi ngọt ngào và truyền cảm, cộng với kinh nghiệm ca diễn hơn 30 năm trong nghề, do đó uy tín của chị đối với các thí sinh ngày càng tăng cao.
“Tôi học ca với nhạc sĩ Hoàng Nô từ năm 10 tuổi, đến năm 13 tuổi đi hát chuyên nghiệp. Tôi còn nhớ mình đã đầu quân về đoàn Cải lương Xuân Mới (1979–1981). Lúc đó, đoàn này toàn là nữ diễn viên tuổi từ 11 đến 13 đang độ mới lớn, nên chủ trương của Trưởng đoàn là không nhận các bé trai, vì sợ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em. Đến khi thiếu kép để đóng vai Trần Quốc Toản trong vở Trần Quốc Toản ra quân, tôi đã được giao giả làm kép để thủ vai này tạm thời. HTV thời đó có ghi hình và đó là vai diễn đầu tiên trong mùa xuân của tuổi 14 tôi được lên màn ảnh nhỏ” – NSƯT Phượng Loan kể lại.
NSƯT Phượng Loan
NSND - đạo diễn Huỳnh Nga từng nhận xét: “Khi HTV phát hình vở Trần Quốc Toản ra quân, Phượng Loan ca diễn chững chạc, dáng vóc điệu bộ rất oai phong y như con nhà võ, nên từ đó, ông bầu và tập thể cứ giao cho Phượng Loan những vai kép như: Vương Tá trong Cánh tay Vương Tá, Trần Nguyên Hãn trong Rừng thần, Thi Sách trong Tiếng trống Mê Linh, Trần Bình Trọng trong vở diễn cùng tên... Đoàn Cải lương Tinh Hoa của bầu Cơ đã mời Phượng Loan về diễn, từ đào ba, rồi đào nhì, dần dần được nâng lên đào chánh và hát đúp vai Nghệ sĩ Kim Thoa, diễn cặp với các nghệ sĩ Ngân Giang và Chiêu Hùng (1983 – 1986). Rồi cô trải qua các đoàn như: Đoàn cải lương Tháp Mười A, Cao Nguyên, Cam Ranh, Trung Hiếu (1988), đến khi cô về Đoàn cải lương Long An, Phượng Loan mới bắt đầu tạo được tên tuổi từ những vai đào thương chánh”.
NSƯT Phượng Loan làm giám khảo cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ"
NSƯT Quế Trân: Tin cải lương còn mãi sức xuân
Cô đào Quế Trân thuộc thế hệ thứ năm của dòng họ bầu Thắng - Minh Tơ có nhiều đóng góp cho HTV: từ MC duyên dáng của các chương trình: Vầng trăng cổ nhạc, Giọt nắng phù sa, Chuông vàng vọng cổ, Cả nhà cùng vui đến tham gia các vai chính trong phim truyện cải lương Bài ca giữ nước, Báo táp Nguyên Phong, Không là cát bụi, Ngân mãi chuông vàng - Tâm sự Ngọc Hân... Để rồi, nếu làm một cuộc "tổng kết”, Quế Trân vui vẻ khoe giành cú đúp trong giải thưởng HTV lần 5/2011 cho nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất cùng giải cống hiến do Ban tổ chức trao tặng.
Quế Trân xúc động bảo môi trường HTV đã giúp cô rất nhiều trong việc ươm mầm, phát triển tài năng, giúp khán giả biết đến mình nhiều hơn. Trân vẫn nhớ mãi kỷ niệm đẹp khi lần đầu được thu hình trong phim trường HTV trong vai học trò ngồi nghe cô giáo là nghệ sĩ Bạch Lê kể chuyện. Rồi năm lên 8 đóng cá chép em trong vở Cóc kiện Trời với nhóm Đồng ấu Bạch Long. Và 17 tuổi thì được làm đào chính trong vở Ông Trạng làng ta cùng nghệ sĩ Vũ Luân. Trân cũng rất cảm kích và biết ơn HTV đã tin tưởng trao cho cô cơ hội được đại diện dự thi Duyên dáng truyền hình Asian lần 1/2011 và năm đó Trân đoạt giải Ba và Giải được yêu thích nhất.
(còn tiếp)
Hiệp Thành