Trong 20 năm qua, Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) đã tổ chức nhiều chương trình, cuộc thi nhằm giữ cho sân khấu luôn sáng đèn, tạo động lực làm nghệ thuật, bền bỉ với nghề cho các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ.
Những cuộc thi tạo tiếng vang
Vào những ngày này, giới văn nghệ sĩ đang chuẩn bị cho ngày giỗ tổ ngành sân khấu, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ 15 cũng đi đến giờ phút quyết định. 15 năm qua, cuộc thi đã khẳng định tên tuổi và uy tín với giới mộ điệu cải lương, luôn thu hút sự quan tâm của khán giả thuộc nhiều lứa tuổi, tầng lớp.
Nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường - Chuông vàng 2014
Từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, nhiều tên tuổi đã được công chúng đón nhận và yêu mến như Võ Minh Lâm, Nguyễn Ngọc Đợi, Võ Thành Phê, Nguyễn Minh Trường, Hồ Ngọc Trinh... Vào đêm thi 27/9 tới đây, "Chuông Vàng" thứ 15 sẽ được vinh danh. Khán giả đang hồi hộp dõi theo phần thi cuối cùng của các thi sinh Võ Hoàng Dư, Nguyễn Quốc Nhựt và Lê Văn Hậu. Trải qua chặng đường 15 năm, Chuông vàng vọng cổ không chỉ tìm ra những gương mặt tài sắc vẹn toàn mà còn góp phần giữ lửa cho nghệ thuật cải lương nước nhà.
Top 3 "Chuông vàng vọng cổ" 2020
Năm 2015, cuộc thi Vọng cổ online ra mắt công chúng, trở thành sân chơi mới của người yêu cổ nhạc thông qua hạ tầng mạng xã hội và nhanh chóng được đón nhận. Song hành cùng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, chương trình Vọng cổ online đã giúp những người mộ điệu chưa có cơ hội dấn thân ở sân khấu chuyên nghiệp được thỏa đam mê ca hát của mình, đồng thời được giao lưu với những người có chung sở thích gần xa.
Chung kết "Vọng cổ online lần 5 - 2019"
Các chương trình cải lương được tổ chức định kỳ đều đặn
Năm 2020, chương trình Vầng trăng cổ nhạc đã bước qua tuổi 20. Không chỉ là cầu nối giữa các nghệ sĩ gạo cội với khán giả mộ điệu chương trình còn tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ trẻ phát huy tài nghệ. Các khán giả của Vầng trăng cổ nhạc đã có nhiều đóng góp xây dựng để chương trình ngày càng hấp dẫn hơn.
"Cặp đôi vàng" NSND Minh Vương - NSND Lệ Thủy
Vượt ra khỏi khuôn khổ địa phương, chương trình đã vươn ra xa hơn đến các tỉnh thành miền Tây, đến tận thủ đô Hà Nội. Có giai đoạn Vầng trăng cổ nhạc rơi vào khó khăn tưởng như phải dừng sản xuất. Thế nhưng sự yêu mến, ủng hộ của khán giả đã tiếp thêm động lực cho đội ngũ những người thực hiện chương trình vượt qua mọi trở ngại để "vầng trăng" luôn tỏa sáng hàng tháng suốt 20 năm qua.
Bên cạnh đó, để tạo cơ hội cho những nghệ sĩ trẻ từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ phát huy tài năng, HTV đã định kỳ tổ chức chương trình Ngân mãi chuông vàng, làm mới lại những vở, tuồng nổi tiếng vang bóng một thời. Sân khấu được đầu tư hiện đại, những kịch bản sâu sắc đi vào lòng người, tài năng ca - diễn của các "chuông" là điểm nhấn của Ngân mãi chuông vàng, để chương trình trở thành điểm hẹn không thể bỏ lỡ của những ai yêu mến sân khấu cải lương trong những năm gần đây.
"Đôi tình nhân sân khấu" Võ Minh Lâm - Như Huỳnh trong vở "Chuyện tình lá diêu bông"
Kịch nói vẫn được HTV chú trọng sản xuất
Song song với cải lương, nghệ thuật kịch nói cũng được Đài Truyền hình TP.HCM chú trọng. Những vở kịch được dàn dựng kỹ lưỡng công phu vẫn thường xuyên được thực hiện để giới thiệu đến công chúng. Đặc biệt vào thời điểm cận Tết cũng là lúc cả ekip thực hiện tất bật hơn bao giờ hết để cho ra mắt những vở diễn mới, hay dành riêng cho những ngày nghỉ ngơi của khán giả.
Ngoài ra, chương trình Siêu thị cười với những vở kịch ngắn, hài hước nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị nhân văn được khéo léo lồng ghép bên trong mỗi câu chuyện. Khán giả có thể cười đó rồi bất ngờ nhận ra chính mình ở trong mỗi tiểu phẩm, để hiểu rõ về bản thân và xã hội, từ đó sống có ích hơn.
Một tiểu phẩm của chương trình "Siêu thị cười"
Dòng chảy thời đại, cùng với sự hội nhập những nền văn hóa thế giới đã khiến cho nghệ thuật sân khấu đối diện với nhiều áp lực. Nhưng HTV, cùng khán giả vẫn luôn nỗ lực không ngừng để bắt kịp xu thế mới, để sân khấu luôn mới mẻ và tồn tại vững bền trong lòng công chúng.
Đan Quỳnh