Hũ củ kiệu của má

Chiều, len lỏi trong dòng người đông đúc của thành phố vào giờ cao điểm, phải mất 40 phút mới mò từ chỗ làm về đến khu nhà trọ mình đang sống, tôi “giận” cái radio thông báo “lượng xe đông, di chuyển chậm…”.


Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nhuộm phèn quanh năm của Long An cũng được hơn 20 năm. Một vùng đất yên bình, biển nước mênh mông, cánh đồng rộng dài thẳng tắp. Ở dưới tôi, gia đình dù thiếu trước hụt sau hay có của ăn của để thì nhà nào cũng có cái thềm nhà phía trước.

Nhà có thể nhỏ nhưng trước thềm thì luôn rộng rãi, thoáng mát quanh năm. Đó là nơi buổi sáng má tranh thủ đem quần áo, mấy con khô, mấy dây nạp xưởng, củ kiệu ra phơi cho kịp nắng, buổi chiều là “thánh địa” của bọn trẻ tụ tập chơi đùa, lúc đêm về lại là chỗ hóng mát, ngồi nói dóc với rượu đế nhâm nhi hai ba con cá, con còng mà ba vừa mới bắt được. 

Nhớ hình ảnh phơi lạp xưởng, củ kiệu ở nhà, tôi lại thấy có gì đó chạnh lòng. Khác với cái Tết đầy đủ của nhiều người, có bánh chưng, bánh giầy, có một mâm cỗ đầy đủ hương sắc, có những cây mai, đào e ấp trong sương, có những ông/bà chủ nhà bận kiếm ai đó xông đất cho nhà cầu may cả năm… Còn ở quê tôi, miền Tây Nam bộ, thứ đánh dấu sự cận kề của Tết chỉ đơn giản cái mùi hăng hắc đặc trưng của hỗn hợp củ kiệu, muối, đường, giấm, nước ngâm và mấy đêm thức khuya ngồi lặt kiệu chuẩn bị đem muối.


Tết năm nào cũng vậy, bên cạnh bánh tét, nồi thịt kho hột vịt, bên cạnh mứt dừa, mứt gừng đúng “chuẩn handmade”, má tôi không quên làm một hũ củ kiệu bự chảng cho cả nhà. Má kể, thuở ấy nhà ngoại thì nghèo, lại đông con, má lớn lên gầy gò đen nhẻm, dáng vẻ lúc nào cũng nhọc nhằn, lam lũ. 

Trong khi đó ba lại là con thầy đồ, được học hết bậc tú tài, bảnh bao, nói chuyện thiệt là duyên khiến mấy dì ngày đó mê tít. Má tôi thầm thương ba từ năm 17 tuổi, chỉ dám len lét ngắm ổng từ xa. 

Cho đến một ngày nghe ai nói ba tôi nghiền món dưa kiệu chấm tương ăn cùng với cơm trắng. Thế là hôm sau, má cất công băng qua cánh đồng, lặn lội sang tận xã bên để nhờ một bà cô góa chồng chỉ cho cách muối kiệu ngon có tiếng. Tết năm đó, má tự tay muối một hũ kiệu thiệt ngon rồi đánh bạo nhờ ông anh họ vốn là bạn lâu năm với ba mang qua nhà ba nhậu chơi. 

Bữa đó, ba tôi nhậu say mèm, tỉnh dậy cứ đòi đi kiếm người đã muối hũ kiệu. Sau khi lần ra người đó thì để ý đến má, thấy má cũng hiền lành, lại nấu ăn ngon nên cũng tìm hiểu má lần lần,... rồi sao đó có tụi tôi. 

Má kể xong lại thòng thêm câu: “Nếu bây muốn lấy được chồng ngon như tao thì nhất định phải biết muối kiệu”, chị em tôi nghe thế liền ôm bụng cười lăn, cười bò, thời buổi này ai thèm ăn củ kiệu nữa má ơi!. 

Sở dĩ vẫn là loại kiệu đó, vẫn là từng ấy nguyên liệu nhưng má tôi muối được ngon là vì má có bí quyết riêng. Cũng không hẳn là điều gì quá đặc biệt nhưng nó giúp món kiệu của má trông trắng trẻo, hấp dẫn, có vị đậm đà và làm hài lòng cả nội tôi - bà mẹ chồng khó tính theo lời má kể. 

Sau khi lựa mua được kiệu ngon, tươi, đều nhau, về làm sạch, cắt bỏ lá, má tôi tiến hành ngâm kiệu hai lần. Lần thứ nhất là ngâm với nước muối pha loãng khoảng 12 giờ để giúp kiệu giữ được độ dai giòn và vị ngon đặc trưng. Sau đó vớt ra, rửa sạch, để ráo và tiến hành ngâm lần thứ hai với phèn chua khoảng 3 giờ giúp khử bớt đi mùi hăng của kiệu và giữ cho nó được màu trắng đẹp mắt. Điều đặc biệt là má luôn pha muối và phèn chua vào nước, đánh tan trước khi đổ kiệu vào ngâm vì như vậy mới thấm đều và không bị quá tay làm hỏng nguyên liệu. 


Năm nào dịp Tết má cũng muối thật nhiều củ kiệu để nhà dư ăn và mang biếu nhà nội, nhà ngoại cũng như bà con trong xóm. Dưới quê là vậy, cứ đồ nào tự tay làm là được yêu thích, còn mắc tiền quá người ta ngại không nhận. Đôi lần, tôi cũng thấy có người ngỏ ý muốn mua để làm quà biếu gửi lên thành phố nhưng má không chịu, má nói: “Già rồi, làm cho nhà ăn chơi chứ bán buôn gì, thèm thì tao làm cho một hũ đem lên đó ăn dần”. 

Đối với tôi mà nói, hoa mai có thể nở không đúng dịp, lì xì có thể có hoặc không, khi ta lớn rồi những thứ từng là quan trọng, háo hức đợi chờ sẽ mất dần, nhưng chỉ có củ kiệu, cùng với cái bánh tét được chiên lên cho giòn giòn là sẽ luôn đúng hẹn với Tết, chưa bao giờ để ai phải đợi chờ.
Mỹ Hạnh