Huỳnh Tịnh Của là một nhà văn hóa học và ngôn ngữ học, có đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu, đặc biệt là ở Nam bộ.
Con người tâm huyết với chữ quốc ngữ
Huỳnh Tịnh Của còn gọi là Paules Của, hiệu Tịnh Trai, quê ở làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Ông mất năm Đinh Mùi (1907), thọ 73 tuổi, an táng tại Bà Rịa. Hiện nay, ở TP. Hồ Chí Minh, có đến 3 con đường mang tên Huỳnh Tịnh Của: một ở quận 3, một ở quận Bình Thạnh, một ở quận Tân Bình. Ở thị trấn Long Điền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có một trường tiểu học mang tên Huỳnh Tịnh Của.
Thời trẻ, Huỳnh Tịnh Của có đi du học tại một trường công giáo ở Penang (Malaysia). Sớm tiếp thu tư duy nghiên cứu khoa học phương Tây, ông tinh thông cả Hán ngữ và Pháp ngữ. Năm 1861, Huỳnh Tịnh Của được bổ nhiệm vào chức đốc phủ sứ, làm giám đốc công ty phiên dịch văn bản ở Soái phủ Sài Gòn (dinh toàn quyền). Ngoài công việc của một viên chức chính phủ, ông còn lưu tâm dành nhiều thời gian nghiên cứu chữ quốc ngữ. Năm 1865, ông thay Trương Vĩnh Ký làm chủ bút tờ Gia Định Báo trong một thời gian ngắn.
Mặc dù tinh thông cả Hán văn lẫn Pháp văn, tuyệt đại đa số các tác phẩm của ông đều được viết bằng chữ quốc ngữ, vào thời bấy giờ vẫn chưa được coi trọng và bị đánh giá thấp hơn so với chữ Hán hay chữ Pháp. Huỳnh Tịnh Của từng đề nghị dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán và gửi một văn bản điều trần cho vua Tự Đức, yêu cầu cho xuất bản báo chí quốc ngữ để giáo dục quần chúng, nhưng không được chấp nhận.
Tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa phương Tây, Huỳnh Tịnh Của cùng chia sẻ một quan niệm với Trương Vĩnh Ký, theo đó xã hội Việt Nam có khả năng và cần vận dụng các kiến thức và kinh nghiệm của học thuật phương Tây về các vấn đề khoa học, kỹ nghệ, kinh tế và chính trị để canh tân nhưng vẫn giữ gìn, đào sâu và phát triển văn hóa phương Đông cổ truyền để duy trì bản chất và bảo tồn độc lập.
Ông là một trong số ít người có “Tây học” đầu tiên trước tác bằng chữ quốc ngữ để truyền bá học thuật phương Tây, nhưng vẫn không quên phổ biến văn hóa phương Đông cổ truyền.
Một tác phẩm có cái tên rất lạ
Trong cuốn từ điển về tác giả và tác phẩm của A. Brébion (Dietionnaire de Bibliogranphie générale ancienne et moderne de l’Indochine française), có ghi một tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của với cái tên như sau: “Long Châu toàn truyện Bon Cu Su A Lai”. Tên tác phẩm nghe lạ quá. Bon Cu Su A Lai là gì? Thật không hiểu nổi.
Đến quyển Lược truyện các tác giả Việt Nam (1972) của Trần Văn Giáp, tên sách được thêm dấu như sau: “Long Châu toàn truyện Bổn Cư Sử A Lai”. Rốt cuộc, Bổn Cư Sử A Lai là gì, cũng không ai hiểu nổi. Thật ra, tên sách có ý nghĩa gì?
Rốt cuộc, người ta phát hiện ra đó là 4 từ “Bổn cũ sửa lại” mà nhà in lúc bấy giờ sắp chữ nhầm. Tên tác phẩm chỉ là Long Châu toàn truyện mà thôi.
Thời bây giờ, có một số tác phẩm sáng tác bằng chữ nôm, được một số tác giả biên soạn lại bằng chữ quốc ngữ, có thể thêm hay bớt, sửa đổi tùy thích và khi được in thì ghi thêm “bổn cũ soạn lại”, “bổn cũ sửa lại” hay “bổn cũ soạn lại và thêm”. Xin lấy vài ví dụ:
Trần Đại Lang thơ, bổn cũ soạn lại của Đặng Lễ Nghi (1907); Văn Đoàn diễn ca, bổn cũ dọn lại của Huỳnh Tịnh Của (1906); Thoại Khanh Châu Tuấn truyện, bổn cũ dọn lại của Huỳnh Tịnh Của (1906); Phạm Công Cúc Hoa, bổn cũ soạn lại của Đặng Lễ Nghi (1907); Lục Vân Tiên, bổn cũ soạn lại và thêm của Đặng lễ Nghi (1919).
Riêng về tác phẩm Long Châu toàn truyện của Huỳnh Tịnh Của (1905), còn có bài “bổn cũ soạn lại” của Trần Công Đồng (1910), bản Long Châu thơ, bổn cũ sửa lại của Lê Duy Thiện (1929). Vậy thì “Bon Cu Su A Lai hay “Bổn cũ sử Alai” rõ ràng là xuất xứ từ “Bổn cũ sửa lại”, không thể ghép chung vào tên sách Long Châu toàn truyện”.
Trường THCS Huỳnh Tịnh Của ở thị trấn Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu)
Quyển tự vị tiếng Việt đầu tiên do người Việt Nam biên soạn
Huỳnh Tịnh Của sáng tác tất cả gồm 20 tác phẩm, có thể xếp thành hai loại: liệu biên khảo và loại phiên âm. Loại biên khảo có nội dung phổ biến kiến thức hoặc sưu tầm, phóng tác các tác phẩm đời trước hoặc trong dân gian, như: Chuyện giải buồn, Gia lễ, Quan chế, Bác học sơ giải, Câu hát góp, Ca trù thể cách, Tục ngữ cổ ngữ, gia ngôn, Đại Nam quốc âm tự vị.
Loại phiên âm, chuyển sang quốc ngữ những chuyên nôm xưa của các tác giả đời trước, như Quan Âm diễn ca, Thoại Khanh – Châu Tuấn truyện, Bạch Viên – Tôn Các truyện, Chiêu Quân cống Hồ truyện.
Đa số các tác phẩm trên đều đã thất truyền, chỉ còn lại được 3 cuốn là Đại Nam quấc âm tự vị, Chuyện giải buồn và Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn.
Trong các tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của, nổi bật nhất là bộ Đại Nam quấc âm tự vị. Qua tác phẩm đồ sộ này, Huỳnh Tịnh Của đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng nền quốc văn mới. Nghiên cứu của Huỳnh Tịnh Của được đánh giá là đột phá, táo bạo. Cho đến tận bây giờ, Đại Nam quấc âm tự vị vẫn được coi là pho sách kinh điển của những nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam. Đại Nam quấc âm tự vị được in lần đầu tại Sài Gòn vào các năm 1895 và 1896, sau đó được tái bản nhiều lần. Sau năm 1975, tên sách được chỉnh lại là Đại Nam quốc âm tự vị (chữ quấc đổi thành quốc), cho đúng với chính tả thống nhất. Ấn bản mới nhất do Nhà xuất bản Trẻ in vào năm 1998, bao gồm 2 tập, dày 1.210 trang, tập 1 gồm 608 trang, tập 2 gồm 602 trang.
Khi soạn Đại Nam quốc âm tự vị, Huỳnh Tịnh Của chủ trương làm một cuốn tự vị ngắn gọn, chỉ liệt kê các tiếng và định nghĩa một cách vắn tắt, chứ không chú giải, dẫn giải điển tích. Ông viết: “Có kẻ hỏi tự điển, tự vị khác nhau thế nào? Sao sách ta làm kêu là tự vị mà không gọi là tự điền? Tự điển, tự vị khác nhau có một sự rộng hẹp. Tự điển phải có chú giải, mỗi chữ, mỗi tiếng đều phải dẫn điển, dẫn tích, nguyên là chữ sách nào, nguyên là lời ai nói, cả thảy đều phải có kinh truyện làm thầy? Còn như tự vị cũng là sách hội biên các thứ chữ cùng các tiếng nói, song trong ấy thích chữ một, nghĩa một, mà không dẫn điển tích gì”.
Còn về nội dung của cuốn tự vị, thì ngay từ trang bìa, Huỳnh Tịnh Của đã ghi rõ: “Đại Nam quấc âm tự vị tham dụng chữ nho có giải nghĩa, có dẫn chứng, muộn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ”.
Trong quá trình soạn sách, Huỳnh Tịnh Của đã được một người Pháp tên là A. Landes giúp đỡ rất nhiều về ý kiến cũng như phương pháp. Landes là một nhà Đông phương học, biết chữ nho và từng làm giám đốc trường thông ngôn ở Sài Gòn từ năm 1885. Cũng chính Landes là người vào năm 1895, khi đang làm đổng lý văn phòng cho toàn quyền De Lanessan, đã khuyên Huỳnh Tịnh Của xin Thống đốc Nam kỳ xuất quỹ để xuất bản bộ tự vị này. Tất nhiên, công việc chính vẫn do Huỳnh Tịnh Của chủ trì thực hiện, như lời ông viết: “Nhân khi rỗi rảnh, ta cứ việc làm theo tiếng ta, chữ ta, viết đi chép lại, ngày đêm khó nhọc, hơn bốn năm trời mới thành công”.
Những ưu điểm nổi bật của bộ tự vị
Trước hết, ngữ vựng trong bộ tự vị rất phong phú. Ví dụ như chữ “ăn” có tới hàng chục chữ ghép khác nhau, điều đó cho thấy công lao tìm tòi rất công phu của người biên soạn. Nó còn bao gồm chẳng những các từ ngữ văn chương chung cho cả ba miền đất nước, mà cả ngôn ngữ bình dân, đặc biệt là những tiếng có màu sắc địa phương được sử dụng nhiều ở Nam kỳ và Trung kỳ thời bấy giờ. Điều này góp phần làm sáng tỏ rất nhiều khúc mắc về ngôn ngữ học hiện đại sau này.
Ưu điểm thứ hai là cách giảng giải trong Đại Nam quốc âm tự vị rất rõ ràng. Bộ sách không chỉ vắn tắt giảng nghĩa, mà đôi khi còn trình bày nguồn gốc của chữ để cho nghĩa được rõ ràng hơn, bằng cách trích thêm những tục ngữ, ca dao, nhưng câu thơ trong truyện Kiều, Lục Vân Tiên.
Ưu điểm thứ ba là việc phân biệt chữ Hán, chữ Nôm. Tinh thông cả chữ Pháp, chữ Hán lẫn chữ Nôm, Huỳnh Tịnh Của đã không dùng cách xếp loại theo tự loại, mà phân biệt chữ theo hai gốc văn tự là Hán Việt và Nôm. Sáng kiến này rất hợp với ngôn ngữ Việt Nam. Nó giúp cho độc giả hiểu rõ và dùng đúng các từ Hán Việt. Nó cũng giúp cho các nhà ngôn ngữ học sáng tạo thêm những từ mới theo yêu cầu của sự phát triển nền kinh tế và văn hóa của đất nước.
Ưu điểm cuối cùng là phương pháp soạn sách rất khoa học. Tra cứu Đại Nam quốc âm tự vị, có thể thấy tính khoa học, chính xác và chặt chẽ rất cao. Huỳnh Tịnh Của rất tuân thủ nguyên tắc ngôn ngữ thống nhất, nhưng ông cũng biết thích nghi áp dụng nguyên tắc biến hóa của ngôn ngữ trong bộ sách của mình.
Trần Vĩnh An