John Huy Trần chia sẻ những kỹ năng để trở thành một vũ công chuyên nghiệp

Xuất hiện trong chuyên mục Ai là ai của "Hàng ghế đầu" tuần qua, biên đạo múa John Huy Trần đã chia sẻ với khán giả những tâm sự của anh về công việc của một vũ công.


Biên đạo múa John Huy Trần trong "Hàng ghế đầu"

Từ người giúp việc đến giám khảo được nhiều khán giả yêu mến

John Huy Trần là một cái tên không còn xa lạ với khán giả truyền hình Việt Nam. Anh xuất hiện trong vai trò giám khảo của nhiều chương trình truyền hình ăn khách như: Thử thách cùng bước nhảy (So you think you can dance), Bước nhảy ngàn cân, Đấu trường võ nhạc (đã phát sóng trên HTV). Với giọng nói lơ lớ, và sự nghiêm túc trong việc nhận xét và cho điểm, John Huy Trần đang được khán giả Việt Nam yêu mến và tin tưởng khi anh ngồi ở vị trí giám khảo. 

Tuy nhiên, ít ai biết trước khi thành công tại Việt Nam, John Huy Trần đã có khoảng thời gian khó khăn tại Canada. John Huy Trần đã theo học võ từ năm 3 tuổi nhưng đến khoảng 12 - 13 tuổi, anh làm quen với nghệ thuật nhảy múa vì cảm thấy yêu bộ môn này hơn. Năm 19 tuổi anh đến Toronto để học Đại học. Để kiếm tiền trang trải cho việc học và sở thích của mình, John Huy Trần đã phải tìm nhiều công việc khác nhau để làm thêm. Ban đầu anh làm việc cho một cửa hàng quần áo nhưng vì công việc quá sức đối với anh nên anh đã xin nghỉ việc. 

John Huy Trần (giữa) làm giám khảo "Đấu trường võ nhạ"c cùng siêu mẫu Minh Tú và võ sư Việt Gemma Nguyễn

Sau đó, anh được nhận vào bán bảo hiểm nhưng anh cũng chỉ làm công việc này trong 3 năm, rồi quyết định bỏ việc và tập trung vào nhảy múa. Nhưng nghỉ việc thì không có tiền chi tiêu anh bèn tìm việc làm thuê vào mỗi buổi tối tại các nhà hàng, công việc như rửa bát, gom rác và dọn dẹp... Để thực hiện được ước mơ của mình, để có thể trở thành một vũ công, một biên đạo múa giỏi như ngày hôm nay, John Huy Trần đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng gian khổ. 

Trước đó, ba mẹ John Huy Trần không muốn con trai theo nghệ thuật. Trong tâm lý của nhiều người, nghệ thuật không phải là một công việc mà chỉ là sở thích. Nếu John Huy chọn công việc như ba mẹ mong muốn thì đó là một "nơi an toàn" nhưng cách sống của anh không thể như vậy được. Anh cần sự hứng khởi, bùng cháy và một chút bất ngờ. Đến nay, ba mẹ đã thấy John Huy vẫn chọn đúng và bản thân anh cũng thấy vậy. John Huy Trần chính là một minh chứng rõ nét nhất cho việc người trẻ cứ đam mê đi, cứ yêu đi rồi sẽ có ngày đạt được tất cả những gì mà mình mong muốn.

Anh luôn nghiêm túc trong công việc giảng dạy của mình

Học viên đam mê nhảy múa nhưng không có năng khiếu vẫn nhận

Ngoài công việc làm giám khảo của các gameshow truyền hình, John Huy Trần còn dạy nhảy ở trung tâm Dancenter. Năm 2006, John Huy Trần đã gặp Linh Rateau (Giám đốc Danceter) và cô đã mời anh về hỗ trợ ngay từ những ngày đầu thành lập. Tính từ năm 2007 đến nay, John Huy Trần đã làm việc tại Dancenter được 11 năm. 

Bên cạnh đó, anh cũng hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nhảy múa tại Việt Nam như: Nguyễn Tấn Lộc (Arabesque), Khánh Thi (KhanhThi Academy), Việt Max (BigSouth), Tú Võ (Hoàng Thông), Hà Lê (Pbnation) để sáng lập UDG Viet Nam (Urban Dance Group - Các nhóm nhảy chuyên nghiệp). Đây là niềm khao khát nhiều năm của John Huy Trần với mong muốn truyền cảm hứng đam mê nhảy múa đến thế hệ trẻ Việt Nam. 

Biên đạo múa John Huy Trần và các thành viên trong nhóm nhảy UDG do anh thành lập

Nói về nguyên tắc nhận học viên để dạy thì John Huy Trần cho biết, nếu học viên có đam mê mà không có tài năng anh vẫn sẽ nhận để thử nghiệm. Nếu hợp thì tiếp tục, còn không hợp thì tìm một cách khác. Có thể nhảy múa chuyên nghiệp không hợp với họ nhưng nhảy múa để thư giãn, vui chơi sẽ hợp hơn. Theo John Huy Trần: "Đối với những bạn nhảy chuyên nghiệp, các bạn cần biết mình phải bỏ ra bao nhiêu thời gian, và quan trọng hơn là bạn phải biết hi sinh là gì để có được thành công trong nghệ thuật nhảy múa".

John Huy Trần hướng dẫn học viên trong lớp dạy nhảy tại Dancenter

Nhiều người hỏi John Huy rằng nếu muốn thành công về nhảy múa thì cần bao nhiêu phần trăm về tư duy, bao nhiêu phần trăm về kĩ thuật. Vấn đề này thì tùy vào mỗi người muốn trở thành một vũ công thế nào. Nếu người đó đặt mục tiêu là trở thành một vũ công chuyên về học thuật thì 100% kĩ thuật phải tốt. Còn những ai muốn thành một vũ công tự do chỉ thỏa mãn đam mê thì có thể không đặt nặng về kĩ thuật, nhưng người tập cũng cần phải cố gắng để tiến bộ và ngày một tốt hơn. Quan trọng là họ phải có đam mê 100%, nếu không có đam mê thì không đáng để họ bỏ ra quá nhiều công sức của mình.

Thu Thủy