“Joker”: Tuyệt phẩm hỗn loạn, điên rồ và đầy đau đớn

9,4/10 điểm trên trang IMDb, 8 phút vỗ tay sau khi công chiếu và giải thưởng Phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice 2019 là những phần thưởng hoàn toàn xứng đáng dành cho tuyệt phẩm điên rồ đầy đau đớn “Joker”.


Trước khi sa ngã thành Joker, Arthur Fleck chỉ là một người đàn ông lương thiện với ước mơ được là diễn viên hài độc thoại nổi tiếng

"Joker" do Todd Phillips đạo diễn và nam tài tử Joaquin Phoenix đóng chính. Nội dung phim kể về hành trình ra đời của "Hoàng tử tội phạm" Joker - đối thủ của Batman. Không có những cảnh hành động ngộp kỹ xảo hoặc đánh nhau kiểu siêu anh hùng thường thấy, "Joker" tập trung khắc họa Arthur Fleck - một người có số phận bi thảm, tập hợp những nỗi bất hạnh trong thành phố loạn lạc.

Như bao người đàn ông lương thiện khác, Arthur Fleck sống cùng mẹ già ở một căn hộ xập xệ, làm hề mua vui ở các sự kiện, quảng cáo cho các cửa hàng. Dẫu lớn lên trong một căn hộ chật hẹp, tồi tàn trong lòng một thành phố chết rỗng cùng với những gánh nặng tài chính và bệnh tật của bản thân, của người mẹ già thế nhưng, giữa nghịch cảnh tăm tối của cuộc đời, Arthur Fleck vẫn khao khát thành diễn viên hài độc thoại nổi tiếng.

Chỉ tiếc rằng ước mơ ấy cuối cùng chỉ là một giấc mộng viển vông, khi không may cho Arthur, anh bị căn bệnh cười không kiểm soát và phải gặp bác sĩ trị liệu tâm lý mỗi tuần. Căn bệnh đó sẽ không là gì nếu như con người ở Gotham không phải sống trong thành phố bị đẩy đến tận cùng của nghèo đói, khủng hoảng kinh tế, chính trị để rồi người ta chọn tổn thương lẫn nhau như một cách để giải tỏa và bệnh viện tâm thần là nơi sáng sủa bình yên ngăn nắp nhất giữa một thành phố tối tăm. 

Cái Gotham cần thực sự không phải là những bản hài kịch nữa, cao trào của bộ phim chính là khi Murray Franklin, người mà từng vỗ vai Arthur và nói rằng mong có một người con như vậy, không nhận ra Arthur và chỉ coi Arthur như một trò đùa. Cuộc sống còn dồn ép khiến Arthur Fleck phải đối mặt với những sự bắt nạt, khinh ghét của người đời. Tất cả khiến phần tối trong Arthur Fleck bùng lên mạnh mẽ và sát nhân "Joker" xuất hiện. 

Ngoại hình là điểm nhấn trong việc xây dựng nhân vật trong Joker. Hình ảnh nhân vật Arthur trong phim gây ấn tượng bởi vẻ ngoài gầy gò, rũ rượi. Các nhà làm phim khai thác nhiều khung hình khi Arthur ở trần, để lộ thân hình trơ xương và tím bầm vì những vết thương. Những cảnh Arthur thể hiện điệu nhảy vặn vẹo, hay cách trang điểm quái dị khiến khán giả ám ảnh. 


Tạo hình rũ rượi đầy điên loại của Joker là một điểm nhấn ấn tượng của bộ phim

“Joker” theo thể loại kịch tính tâm lý, hướng đến câu chuyện có tính ly kỳ, được dẫn dắt thông qua nhân vật chính có tâm lý bất ổn. Bộ phim được kể theo thời gian tuyến tính, xen kẽ những diễn biến thực và ảo, thông qua trạng thái tâm lý lúc tỉnh táo lúc điên dại của Arthur. 

Lần đầu tiên trên màn ảnh rộng, khán giả được nhìn sâu vào cuộc đời và nội tâm của Joker - nhân vật phản diện kinh điển của truyện tranh lẫn điện ảnh của Vũ trụ DC. Joker hiện lên qua những tràng cười khan bất tận và những màn nhảy múa kỳ dị khi anh chìm vào thế giới riêng của mình.

Nếu để ý kỹ, khán giả xem phim sẽ nhận thấy chi tiết điệu cười của Joker đầy ắp sự trớ trêu. Trong gần như toàn bộ thời lượng phim, Joker không có nổi một nụ cười thực sự. Mỗi khi Arthur bật ra những tràng cười do chứng bệnh "cười không kiểm soát", đôi mắt anh nặng trĩu buồn, khiến khán giả cảm thấy khổ sở không kém gì nhân vật. Tràng cười đó khiến Arthur Fleck bị coi là kẻ lập dị và nguy hiểm hơn là dẫn dụ bạo lực, khiến anh bị đánh nhừ tử, đẩy cuộc đời anh lún sâu vào những con hẻm ngập rác của Gotham.


Chi tiết nụ cười và những điệu nhảy của Joker là hai chi tiết  tạo nên mạch cấu trúc chặt chẽ cho bộ phim vốn “khó thấm”

Mắc bệnh tâm lý rất nặng, công việc bấp bênh, sống cùng mẹ già trong căn hộ nghèo khổ - ở Arthur Fleck hội đủ mọi yếu tố của một kẻ thất bại. Anh sống ở rìa vực mong manh nhất của xã hội, thuộc nhóm người dễ bị loại bỏ nhất trong một thành phố thuộc về người giàu. Và trong nhóm người đó, Arthur Fleck là kẻ yếu ớt nhất. Nhưng cũng chính Arthur Fleck - kẻ tưởng như bạc nhược và tự ti đến mức không nói nổi một câu tròn chữ trước đám đông - lại là kẻ đầu tiên bắn phát súng nổi loạn.

Đạo diễn Todd Philips chọn cho sự thay đổi đó một biểu tượng: những lần Arthur Fleck đắm chìm vào điệu nhảy bất tận của tâm hồn anh ta. Anh ta nhảy, nhảy và nhảy trong những cơn bĩ cực, những lần kích động, và cuối cùng, trong sự thăng hoa trên các bậc thang khi hắn biến chuyển từ Arthur thành Joker để rồi khi chìm sâu vào bộ phim, khán giả sẽ chẳng còn biết danh xưng chính xác của Joker nữa. 

Nếu như Arthur Fleck là một nhân vất rất dễ định danh: một diễn viên hài, một bệnh nhân tâm lý, một kẻ nghèo hèn dưới đáy xã hội, một con người đáng thương hay thậm chí một tâm hồn cao quý thì Joker là ai? Anhta là gì sau những lần hứng chịu bạo lực rồi trở thành kẻ thi triển bạo lực? Anh ta là gì sau màn diễn thuyết độc thoại trước hàng triệu công chúng truyền hình, sẵn sàng lột trần bản thân từ gan ruột đến các tế bào? Anh ta là gì khi được dân chúng lầm than Gotham coi như lãnh tụ tinh thần?

Càng xem, khán giả càng nhận ra Joker không hề khoan nhượng với cảm xúc của họ, anh liên tiếp đẩy họ đến những vực thẳm tăm tối mới. Mỗi khi khán giả mong chờ một sự gia giảm, họ lại được "đền đáp" bằng một bi kịch lớn hơn, một diễn biến đau đớn hơn. Để rồi khi bộ phim kết thúc, cho đến tận cùng, khán giả vẫn không thể phân định rằng sự vùng dậy không ngừng của Joker là một diễn biến tươi sáng hay tối tăm của cuộc đời anh ta.  


Bộ phim hướng người xem tới thông điệp: Hãy loại bỏ bạo lực và đối xử với người khác chân thành hơn

Joker đã tìm cách để sống, đã tìm cách để đối xử với mọi người, tìm cả trong những ảo giác của mình, tìm cả trong bệnh viện nhi và bệnh viện tâm thần. Thật đáng buồn là không có ai tìm cách đối xử với anh, họ bắt một người bị tâm thần phải cố gắng tỏ ra là bình thường. Nỗ lực đáng kinh tởm ấy đã không cứu vớt một con người mà ngược lại còn huỷ hoại và tha hoá nó. Con người đã tự ép nhau đeo mặt nạ và làm những chú hề, khi cuộc sống vốn dĩ đã không mấy gì dễ chịu.

Nguồn cơn của cái ác có thể được tạo ra bởi chính những hành động tưởng chừng như vô hại, dù chỉ đơn giản là những trò đùa, sự phản bội, hay sự xa lánh. Tuy nhiên, như đạo diễn Todd Philips đã nói, bộ phim không cổ suý khán giả sử dụng và yêu thích bạo lực. Nó gửi đến một thông điệp sâu sắc hơn, hãy tìm cách để sống, để đối xử với những người xung quanh một cách tốt hơn.

Bộ phim “Joker” được phát sóng vào lúc 21g45 Chủ Nhật (27/09/2020) trên kênh HBO thuộc hệ thống HTVC. Mời bạn đọc đón xem và theo dõi.

Song Anh