“Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc”: Đắm chìm vào câu chuyện cổ tích đầy mộng mơ

Bộ phim live-action “Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc” (The nutcracker and the four realms) là sự kết hợp giữa tiểu thuyết The Nutcracker and the Mouse King của nhà văn Đức E.T.A. Hoffmann và vở ca vũ kịch cùng chủ đề được sáng tạo vào năm 1892.

Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc là chuyến hành trình đi tìm chiếc chìa khóa đầy thú vị của cô bé Clara

Vẫn mang một lực hấp dẫn lớn đối với khán giả

Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc là chuyến hành trình đi tìm chiếc chìa khóa vàng giúp mở chiếc hộp lưu giữ món quà đặc biệt từ người mẹ của cô bé Clara Stahlbaum (do Mackenzie Foy đóng). Đúng vào đêm tiệc giáng sinh, một sợi chỉ vàng tại nhà của cha đỡ đầu Drosselmeyer (Morgano Freeman đóng) đã dẫn đường cho Clara đến chỗ chiếc chìa khóa bí ẩn đó.

Tưởng chừng đã chạm được vào chiếc chìa khóa thì một chú chuột đã đánh cắp nó, và đưa Clara đến với một thế giới kỳ lạ. Đó là nơi mà thời gian trôi nhanh hơn rất nhiều so với thế giới mà cô đang sống. 

Tại nơi này, những đồ vật vô tri như: những viên kẹo, chiếc bình đựng bánh quy gừng, những chú lính chì, những bông hoa tuyết… đều có hồn và sống như người bình thường. Và điều bất ngờ, mẹ cô chính là người tạo ra và là nữ hoàng của thế giới gồm Vùng đất Tuyết, Vùng đất Hoa và Vùng đất Kẹo Ngọt ấy.

Với mức độ hấp dẫn của câu chuyện cổ tích này, Disney đã quyết định đưa nó lên màn ảnh

Trong nhiều năm qua, nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình, phim hoạt hình… đã được làm lại dựa trên câu chuyện cổ nổi tiếng này. Tuy nhiên, câu chuyện Kẹp hạt dẻ vẫn mang một lực hấp dẫn lớn với người xem ở bất kỳ độ tuổi nào. Vì vậy, với việc mở rộng và phát triển các dự án live-action vượt ra ngoài các phiên bản phim hoạt hình kinh điển, Disney quyết định chuyển thể câu chuyện này lên màn ảnh.

Làm mới tác phẩm kinh điển

Quyết định làm mới một tác phẩm kinh điển được giới chuyên môn đánh giá vừa liều lĩnh, vừa sáng suốt. Bởi khán giả đã gần như “nằm lòng” cốt truyện, nếu làm không khéo có thể khiến họ mất đi hứng thú với bộ phim mới. Do đó, việc phóng tác dựa trên các nhân vật sẵn có sẽ mang lại sức hút nhất định cho Kẹp hạt dẻ và Bốn vương quốc. 

Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc là dự án live-action liều lĩnh của Disney

Nếu như ở nguyên tác, nhân vật Clara phụ thuộc nhiều vào chàng Kẹp hạt dẻ (sau này trở thành hoàng tử khôi ngô, tuấn tú) rồi tình cảm lãng mạn giữa hai người nảy sinh, thì lần này, Clara sẽ là một cô gái thông minh, can đảm, hoàn toàn độc lập và làm chủ bản thân.

Thế giới kỳ lạ nơi chàng Kẹp hạt dẻ sống cũng không phải là sản phẩm của cha nuôi Clara, mà lại do mẹ cô phát minh ra. Bà được thần dân của bốn vương quốc cực kỳ tin yêu. Sau khi mẹ qua đời, Clara được cha nuôi chỉ đường tới cõi thần tiên, và nhận thấy họ đang trong tình trạng chia rẽ bởi tham vọng của Mẹ Gừng (do Helen Mirren đóng).

Ngoài ra, hai đạo diễn Lasse Hallström và Joe Johnston đã cùng sáng tạo và bổ sung một số nhân vật vào phiên bản này để chuyến hành trình của cô nàng Clara trở nên thú vị và màu sắc hơn.

Lung linh, huyền ảo, đẹp miễn chê

“Đặc sản” đến từ nhà Disney luôn là bối cảnh cổ tích lung linh, huyền ảo, đẹp miễn chê. Mọi người hẳn sẽ trầm trồ trước những lâu đài, cung điện nguy nga tráng lệ, những bộ trang phục hoàng gia kiêu sa, lộng lẫy… được ê-kíp tạo nên. Từng chi tiết đó đều khiến người xem liên tưởng đến những câu chuyện cổ tích vẫn thường được nghe kể thuở xưa.

Nhà thiết kế sản xuất Guy Hendrix Dyas bắt đầu lên ý tưởng với những bản phác họa bằng bút chì đơn giản về bốn vương quốc. Sau 14 tuần thực hiện cùng sự trợ giúp đắc lực của công nghệ kỹ xảo điện ảnh CGI, ông đã hoàn thành mọi bối cảnh cổ tích hoành tráng của cung điện, Vùng đất Tuyết, Vùng đất Hoa, Vùng đất Kẹo Ngọt và Vương quốc thứ tư như những tác phẩm nghệ thuật gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác.

Cung điện nằm ở trung tâm của Tứ Vương quốc (Ảnh: Exclusive 1st look)

Trong đó, cung điện nằm ở trung tâm của Tứ Vương quốc, được lấy cảm hứng từ kiến trúc Nga, tòa tháp chóp mái hình củ hành. Vương quốc Tuyết là nơi sinh sống của thợ làm nước đá, thợ mỏ, chính trị gia, có kiến trúc lấy cảm hứng từ những ngôi làng nước Đức thế kỷ 16 và khách sạn băng ở Thụy Điển. 

Bên cạnh đó, vương quốc Hoa là quê hương của người nuôi ong và nông dân, với thiết kế lấy cảm hứng từ những cối xay gió của Hà Lan và những ngôi làng ở miền Nam nước Anh. Vương quốc Kẹo Ngọt được làm theo hình dáng kẹo thật, lấy cảm hứng từ cô tiên Kẹo Cứng (do Keira Knightley đóng) và một phần trong trò chơi game Candy Land. Bối cảnh là thời kỳ Victoria để giữ đúng tính thẩm mỹ của bộ phim. 

Bên cạnh đó, điểm đặc sắc khiến người xem cuốn hút chính là việc nhờ lồng ghép những màn múa ba-lê tuyệt mĩ. Tất cả đều được đầu tư kỹ lưỡng, dàn dựng công phu nên khán giả hoàn toàn có thể cảm nhận được sân khấu tràn ngập sắc màu từ những phân đoạn múa ba-lê trong phim.

Sàn trình diễn thời trang của các nhân vật

Tô điểm cho xứ sở thần tiên là thời trang trong phim đẹp lộng lẫy đến choáng ngợp nhờ bàn tay tài hoa của nhà thiết kế phục trang từng đoạt giải Oscar, Jenny Beavan. Cùng với đội ngũ ê-kíp hơn 100 người làm việc phụ trách, Jenny đã tạo nên những bộ phục trang hoàn hảo từ các khâu lên khuôn rập, cắt ráp, may đo đến phụ kiện trong suốt 12 tuần để hoàn tất hơn 1.500 bộ trang phục.

Bản phác thảo tỉ mỉ và đẹp mắt về trang phục của các nhân vật trong phim

Để phác thảo trang phục dạ hội, quân phục của Clara và tạo hình cô tiên Kẹo Cứng (Sugar Plum Fairy), Jenny Beavan đã phải dựa vào bối cảnh ra đời của câu chuyện gốc năm 1875. Bởi Jenny cho rằng, việc sáng tạo ra các thiết kế trang phục mang yếu tố tưởng tượng nhưng cũng phải bắt nguồn từ thực tế. 

Với những gì mà ê-kíp đầu tư, chăm chút, Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc thật sự là bộ phim đưa khán giả về với tuổi thơ, đắm chìm vào câu chuyện cổ tích đầy mơ mộng và huyền ảo.

Mời quý vị đón xem “Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc” phát sóng vào lúc 14g10 ngày 9/8, 18g15 ngày 11/8, 16g15 ngày 14/8 trên kênh Fox Movies. 

Quỳnh Hương