Nghệ sĩ viết

Khắc Hưng: Tôi quan niệm nhạc sĩ không nên nổi tiếng quá!

Tôi luôn nêu quan điểm rằng, nhạc sĩ thì không nên nổi tiếng quá mà hãy đứng phía sau, trao cảm xúc và hào quang lại cho ca sĩ thể hiện ca khúc của mình. Vì vậy, tôi chỉ thích trau dồi nghề nghiệp.


Nhạc sĩ Khắc Hưng thích đứng sau tạo nên thành công nghệ sĩ 

Thích trau dồi nghề hơn chải chuốt bề ngoài

Ngày xưa, khi học trong nhạc viện, tôi luôn là người có tính tự tôn rất cao, không thích thỏa hiệp để làm những gì đơn giản. Nhưng khi đã bước vào nghệ thuật, tôi mới nhận ra ngay cả việc làm những thứ âm nhạc ngỡ như dễ dàng cũng rất khó. Để viết ra một bài hát đúng cảm xúc của mình, tôi thấy quá dễ dàng. Cảm xúc thế nào thì viết ra thế đấy, ít người nghe cũng được. Nhưng để viết ra một bản hit chạm vào số đông, ai nghe cũng thấy mình trong đấy thì khó vô cùng. Những thứ thuộc về sáng tạo cá nhân, tôi sẽ chuyển nó vào bản phối, cách dựng bè, quá trình mix master, còn âm nhạc chính vẫn phải hướng về đại chúng.

Còn ca hát với tôi, đó là một sở thích nên cứ tiến hành làm song song với sáng tác, chứ không phải vạch ra một lộ trình tiến hóa xuôi hay ngược gì cả. Tôi thấy nhiều nhà sản xuất trên thế giới vẫn làm như vậy thôi! 

Hai năm trước, tôi đã không nhìn thấy mình của hiện tại rồi. Vì mỗi năm tôi đều có những dự định khác nhau, vừa phụ thuộc vào thị trường, vừa phụ thuộc vào cảm xúc cá nhân. Như năm nay, tôi có nhiều cảm hứng làm việc với các nghệ sĩ, nên tôi nhận nhiều hơn. Mới đây nhất là dự án Ghen Cô Vy bất ngờ lại gây sốt bởi giọng ca của Erik và Min. Lúc đầu tôi không nghĩ nó sẽ tạo cơn sốt toàn cầu như vậy, nhưng khi báo chí quốc tế đưa tin, tôi thấy hãnh diện, xen lẫn tự hào.


Khắc Hưng là nam nhạc sĩ đa tài khi có thể sáng tác lẫn sản xuất âm nhạc

Tôi có thể làm việc trên nhiều chất liệu âm nhạc khác nhau và với những giọng ca khác nhau. Một người viết nhạc giỏi đôi khi phải… tan ra như thế. Sở dĩ có sự "tan ra" này là bởi tôi không chỉ là một nhạc sĩ thuần túy mà còn là một nhà sản xuất, nên buộc phải làm điều tốt nhất cho ca sĩ. 

Trước đây, nhiều người luôn mường tượng nhạc sĩ là những nghệ sĩ là đầu bù tóc rối, xấu trai, ăn nói lắp ba lắp bắp. Không hiểu sao bây giờ nhạc sĩ cũng có nhiều người nổi tiếng. Khi nói chuyện với bạn bè, thậm chí cả vài tờ báo, tôi luôn nêu quan điểm nhạc sĩ thì không nên nổi tiếng quá. Nhạc sĩ hãy nên đứng phía sau, trao cảm xúc và hào quang lại cho ca sĩ thể hiện ca khúc của mình thì hơn. Đến giờ, tôi vẫn quan niệm như thế. Tôi chỉ thích trau dồi nghề nghiệp của mình hơn là trau chuốt hình dáng bên ngoài, trau chuốt cách ăn nói, ứng xử sao cho được lòng mọi người. May mắn là tôi ăn nói cũng không quá tệ, nên cũng ít khi làm phật ý ai.

Học để trở thành người đa năng

Mọi người vẫn nhìn tôi như một nhạc sĩ, một nhà sản xuất âm nhạc. Nhưng tôi đã mơ về một điều gì đó lớn lao hơn: vạch ra định hướng âm nhạc. Với một ca sĩ, tôi sẽ mài giũa họ từ một viên ngọc thô, phát triển họ từ nghe demo, chọn single làm MV, vạch kế hoạch truyền thông… nghĩa là những thử thách còn lớn hơn sản xuất nhiều. Tôi đang học tập để có thể trở thành một con người đa năng như vậy. Đó là ước mơ của tôi, chứ không chỉ đơn thuần là một người viết những bài hit, nhưng nếu có bài hit… cũng vui lắm. Những bài hit sẽ giúp cho đời sống âm nhạc Việt Nam phong phú hơn, nhưng nó không thay đổi được điều gì cả. Vì những bài hát ấy đều đi theo nhu cầu của số đông.


Nam nhạc sĩ tạo nên thành công của không ít ca sĩ nổi tiếng

Là một nghệ sĩ, tôi muốn góp phần nâng cao thị hiếu số đông hơn. Với sự hợp lực của những nhạc sĩ khác, biết đâu ta sẽ tạo ra được một dấu mốc, một thời kỳ. Chẳng hạn như trong thập niên 1990, thị trường gồm toàn những bài nhạc Hoa. Tôi mong sau này, những người đứng ở phía sau như tôi sẽ phải định hướng làm sao để các ca sĩ không được phép hát mấy bài dễ dàng. Ta nên “ép” họ văn minh, để nhạc Việt không chỉ là những ca khúc làm chiều lòng khán giả.

Tôi biết rất nhiều người nghĩ nghệ thuật thì phải thiên về cảm xúc. Nhưng nếu chỉ dựa vào cảm xúc thuần túy thì người ta đâu cần đi học thanh nhạc, cứ cảm xúc thế nào hát ra thế đó thôi. Sáng tác cũng thế thôi! Cảm xúc là điều kiện cần, nhưng kỹ thuật mới là điều kiện đủ để bóc tách, phân tích và biến những cảm xúc ấy thành nhạc. Ở Việt Nam không có trường nào dạy sáng tác nhạc nhẹ nên tôi phải vừa làm vừa học. Và tôi phải thừa nhận điều này: được chứng kiến một ca sĩ nào đó biến bài của mình thành “hit”, được khán giả đón nhận thật sự rất vui.

Tôi nghĩ mình đã và đang đi theo một cái biểu đồ hình sin. Từ năm 2014 đến năm 2016, với tôi, viết nhạc đúng nghĩa chỉ để kiếm sống. Sau bài Sau tất cả, đơn đặt hàng nhiều lắm, và tôi nhận hết. Chính vì thế tôi ra rất nhiều bài và có nhiều giải thưởng. Nhưng đến 2017, sau album Tâm 9 với Mỹ Tâm, và sau biết bao biến cố trong đời sống lẫn tình cảm, tôi bắt đầu thấy sợ. Năm 2018, tôi thật sự hoang mang, không biết nên làm gì tiếp theo. Cho nên tôi rút về, nhìn lại bản thân mình, đặt ra câu hỏi: nếu một ngày mình không còn cảm xúc, tài năng, cập nhật với thị trường, mình sẽ làm gì đây? Vì vậy, năm đó, tôi viết rất ít.


Anh cũng là gương mặt quen thuộc của các chương trình HTV

Ngày xưa, tôi viết ra một bài tâm can mà khán giả không thích là tôi trầm cảm lắm. Không chỉ riêng tôi đâu, nhiều nghệ sĩ trẻ cũng thế. Ai cũng nghĩ ra một bài tâm huyết thì khán giả sẽ thích, bởi bản thân đã dồn hết năng lượng vào đó. Nhìn MV mười mấy nghìn view thì… tôi hết thích nổi luôn. Sau khi nhìn lại, tôi nhận ra lý do, đại chúng không thích vì mọi người đâu có trải qua những cảm xúc của mình. 

Những lúc áp lực công việc, tôi thích được hát và được giải trí, đó là lý do vì sao tôi xuất hiện trong các gameshow của HTV như: Giọng ải giọng ai, Giọng ca bất bại… Bởi với tôi mà nói, làm nghệ thuật cũng cần cân bằng với việc giải trí và nghỉ ngơi. Nó sẽ giúp tôi được thư giãn đầu óc và nghĩ được nhiều ý tưởng mới hơn.
Nhạc sĩ Khắc Hưng (Tiểu Di ghi)